Bài viết đặc biệt: NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG BẰNG HẠT CỦA CÂY SA MU DẦU (Cunninghamia konishii Hayta) Ở GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM

Bài báo nghiên cứu được dịch song ngữ (Anh – Việt) – The article is bilingually translated (English – Vietnamese)

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa xin trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết đặc biệt Bài viết đặc biệt: NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG BẰNG HẠT CỦA CÂY SA MU DẦU (Cunninghamia konishii Hayta) Ở GIAI ĐOẠN VƯỜN ƯƠM, với sự tham gia, nghiên cứu của:

Đặng Ngọc Huyền(1), Hoàng Thị Thu Trang(2), Vũ Đình Duy(1), Nguyễn Văn Sinh(3),Phạm Thị Lý(4), Đỗ Thị Tuyến(5), Phạm Mai Phương(1)
(1)Viện Sinh thái Nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Hà Nội
(2)Khoa Lâm học, Trường Đại học Lâm Nghiệp, Hà Nội
(3)Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An
(4)Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, Thành phố Thanh Hoá
(5)Phân viện Công nghệ sinh học, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Hà Nội.

I. Phiên bản tiếng Việt

II. English version

Phạm Thị Lý
TP.Phân tích và Thí nghiệm



PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO BẰNG NHÂN GIỐNG CÂY (INVITRO) NUÔI CẤY MÔ TẠI VIỆN NÔNG NGHIỆP THANH HÓA

Quyết định số: 1426/QĐ – UBND, ngày 24 tháng 04 năm 2020 Quyết định phê duyệt đề án phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025; Xây dựng và phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa theo hướng hiện đại và hội nhập, chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, tư vấn chiến lược, cung cấp dịch vụ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Có thể nói, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao mới bắt đầu thực hiện và ở quy mô chưa lớn nhưng đã khẳng định hiệu quả và thích nghi tốt đối với trình độ của nông dân. Ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đã được thực hiện trong cả quá trình sinh trưởng của cây trồng nhằm hạn chế sự tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều, trong đó có kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Cán bộ phòng phân tích và thí nghiệm đang kiểm tra cây giống keo nuôi cấy mô

Phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp khắc phục nhanh tình trạng thoái hóa của các giống cây trồng. Những năm qua, Phòng Phân tích và thí nghiệm – Viện Nông nghiệp đã nghiên cứu, làm chủ nhiều quy trình công nghệ và đưa vào sản xuất thành công nhiều giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô đã lưu giữ, phát triển và sản xuất được hàng loạt các loại cây trồng, các chủng giống nấm có chất lượng cao.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là phương pháp nhân giống vô tính được sử dụng nhằm sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành. Với tính toàn năng của tế bào thực vật, chúng có khả năng thay đổi quá trình trao đổi chất, sinh trưởng để tái sinh thành cây hoàn chỉnh. Môi trường nuôi cấy mô thực vật chứa tất cả các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của cây trồng. Ưu điểm của phương pháp công nghệ này là nhân giống với số lượng lớn mang đặc tính tốt giống hệt cây mẹ, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm với chất lượng tốt đồng đều, sạch bệnh, mang đến hiệu quả kinh tế cao chỉ cần trong một thời gian ngắn. Phương pháp này còn giúp bảo vệ các giống cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Quy trình nuôi cấy mô là một công đoạn dài và khó khăn, phòng đã nghiên cứu và thực hành một số loại cây mà thị trường yêu cầu.

Phòng Phân tích và thí nghiệm đã thực hiện kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Phòng đã phát triển nhân giống bằng phương pháp này với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo ra cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh, mang đặc tính di truyền từ cây mẹ. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu không ngừng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Sau thử nghiệm sản xuất thành công giống cây Lan kim tuyến từ năm 2020, Phòng đã mở rộng quy mô nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào với nhiều giống cây trồng khác nhau. Phòng nuôi cấy mô của Viện được đầu tư khá quy mô và trang bị cơ sở vật chất thiết bị đủ khả năng sản xuất rất nhiều lượng cây giống cung cấp cho thị trường. Hiện Phòng đang quản lý hàng chục giống cây và sản xuất theo yêu cầu của thị trường như các giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, các loại giống hoa, trong đó có các loại cây có giá trị kinh tế như lan kim tuyến, đông trùng hạ thảo,  nấm linh chi, đùi gà, hoa đồng tiền, mía tím, mía đường, hoa chuông, hoa cúc… Đặc biệt, với phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật đã tạo ra giống cây keo lai khẳng định tính ưu việt trong việc nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng, đã cung cấp cây giống cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Cây giống mía Kim Tân

Cây hoa chuông từ nuôi cấy môCây hoa cúc từ nuôi cấy mô

Cây hoa đồng tiền từ nuôi cấy mô

Cây Lan kim tuyến được sản xuất từ nuôi cấy mô

Hiện nay phòng đã làm chủ được hoàn toàn các quy trình kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này có thể sàng lọc những cây có tính trạng tốt để sản xuất đồng loạt giống cây có chất lượng tốt cho ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhiều hơn so với cây nhân giống bằng phương pháp truyền thống. Cây nuôi cấy mô sạch bệnh, sáng màu, đồng đều hơn. Áp dụng phương pháp này có thể nhân giống  nhanh và đồng đều các giống cây, đáp ứng kịp thời vụ cây trồng trong trường hợp gặp rủi ro thiên tai như vừa qua. Sắp tới, Phòng sẽ triển khai nghiên cứu, sản xuất giống cây lan kim tuyến là một loại dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã bước đầu gặt hái những thành công. Đây là một bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp cho nông dân trên địa bàn chủ động được nguồn giống các loại cây trồng có giá trị kinh tế trên thị trường. Từ đó làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho nông dân về mô hình nuôi trồng hiện đại này để ngày càng nhân rộng quy mô và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt trước sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Hồ Thị Quyên
Phòng phân tích và thí nghiệm 

HỘI THẢO GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HUYỆN MƯỜNG LÁT, TỈNH THANH HÓA

Ngày 04/10/2022 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng điều phối Nông thôn mới – Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện Nông nghiệp, UBND huyện Mường Lát tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng Nông thôn mới tại huyện Mường Lát. Đồng chí Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự Hội thảo thành phần gồm; Đại diện các cơ quan Trung ương có lãnh đạo Cục Trồng trọt, chăn nuôi, Kinh tế hợp tác và PTNT, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp,Viện Khoa học lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT; về phía tỉnh Thanh Hóa có đại diện các ban của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành của tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo huyện Mường Lát, lãnh đạo các xã, bản cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả xây dựng các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, các mô hình phát triển sản xuất và xây dựng NTM tại huyện Mường Lát, giai đoạn 2011 – 2022; thực trạng sản xuất nông nghiệp, cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu cũng thảo luận một số giải pháp phát triển lâm nghiệp; thực trạng và định hướng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; thực trạng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát…

Hội thảo cũng được nghe báo cáo tham luận của của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa với chủ đề “Đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp huyện Mường Lát giai đoạn 2011-2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2030”. Bài tham luận đã đánh giá rất sâu sắc về thực trạng về kinh tế – xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát; những thuận lợi, khó khăn về phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Và các bài tham luận trực tiếp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và UBND huyện Mường Lát.

Hội thảo được nghe bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, đồng chí đã bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn tới các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan trung ương, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan đã quan tâm tổ chức hội thảo ý nghĩa dành cho huyện Mường Lát. Theo đồng chí, sau 26 năm thành lập huyện, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, và Nhân dân, huyện Mường Lát đã có sự phát triển đáng kể. Song do đặc thù là huyện vùng cao, trọng điểm của thiên tai, ít đất sản xuất và nhiều điều kiện không thuận lợi nên Mường Lát hiện vẫn là huyện khó khăn nhất tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Hội thảo đã gợi mở được nhiều vấn đề và định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi, định hướng xây dựng Nông thôn mới – những nội dung hết sức có ý nghĩa cho huyện vùng cao biên giới này. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT, các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ huyện Mường Lát xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; xây dựng mô hình trồng và chế biến, tiêu cây thụ dược liệu…

Tại Hội thảo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan, phải khẩn trương tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ gạo cho Nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở 11 huyện miền núi nói chung và huyện Mường Lát nói riêng; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào huyện Mường Lát; giúp huyện quy hoạch lại vùng, quy hoạch lại sản xuất; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học du nhập, phát triển dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Mường Lát; bám sát kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành về xây dựng NTM, khẩn trương đề suất một số nhiệm vụ trong nguồn vốn sự nghiệp ưu tiên cho Mường Lát…Đặc biệt đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Viện Nông nghiệp Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành đề án Phát triển rừng bền vững huyện Mường lát giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và tham mưu cho UBND huyện Mường Lát lập quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; phối với các đơn vị liên quan của Bộ NN & PTNT xây dựng Đề tài du nhập, khảo nghiệm, phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Mường Lát; và nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ đặt hàng công ích để du nhập, nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế cao tại Mường Lát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đề nghị lãnh đạo huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu về Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phổ biến rộng rãi kết quả của Hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa”; rà soát lại quy hoạch vùng mà UBND tỉnh đã phê duyệt năm 2021, đảm bảo sự liên kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển; tích cực kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn trên tinh thần tự lực, tự cường để phát triển kinh tế xã hội huyện Mường Lát một các bền vững.

Kết luận hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: Cần đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn để đưa các giải pháp công nghệ phù hợp đối với sự phát triển của địa phương. Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung phát triển các giá trị bản địa, gồm cây trồng, vật nuôi, dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ, đồng thời Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị của đại biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Mường Lát. Các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo sẽ được tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ NN & PTNT, các cơ quan liên quan để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển nông nghiệp & xây dựng nông thôn mới  cho huyện Mường Lát../.

ThS. Lê Trần Thái

                          Trung tâm Nghiên cứu Khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi

Nông dân tất bật gặt lúa mùa, chuẩn bị vụ đông

THANH HÓA – Vụ mùa năm nay tại Thanh Hóa lúa sạch sâu bệnh, năng suất cao hơn năm ngoái nên bà con ai cũng rổn rảng.

Năng suất lúa ước đạt 56 – 57 tạ/ha

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa vụ mùa 2022. Không khí vui tươi, phấn khởi là điều dễ nhận thấy trên khắp các cánh đồng, đường làng, ngõ xóm khi năng suất vụ mùa năm nay cao hơn so với năm trước.

Ghi nhận tại huyện Quảng Xương, vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy 6.600ha, cơ cấu chủ yếu bằng các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Đến hiện tại, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích với năng suất ước đạt 59 tạ/ha. Một số xã có tiến độ thu hoạch nhanh như Quảng Trường, Quảng Phúc, Quảng Đức, Quảng Định…

IMG_3911

Nông dân Thanh Hóa đang huy động tối đa nhân lực, phương tiện, máy móc để thu hoạch lúa vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Bà Phạm Thị Hà, thôn Phú Đa, xã Quảng Đức (Quảng Xương) phấn khởi chia sẻ: Vụ mùa năm nay, lúa được mùa lớn, hơn 3 sào lúa của gia đình bà đều cho năng suất trung bình 3 tạ/sào (so với vụ mùa năm trước chỉ 2 – 2,3 tạ/sào).

Theo bà Hà, vụ mùa năm nay mật độ sâu bệnh hại lúa thấp, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt nên không phải tiến hành phun trừ, giúp tiết kiệm được nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV.

“Mọi năm đủ các loại sâu bệnh, năm nay lại chẳng thấy, bông lúa to, hạt mẩy, phơi ở giữa đường đi nên ai ngang qua cũng ghé lại xem, hỏi thăm. Giờ chỉ mong thời tiết không mưa để phơi phóng cho được thuận lợi là có vụ mùa hoàn hảo”, bà Hà vui vẻ.

Không giấu được niềm vui khi 1 mẫu lúa của gia đình mình cho năng suất cao, bà Phạm Thị Xuân, thôn Xa Thư, xã Quảng Bình (Quảng Xương) cho biết: Vụ mùa năm nay gia đình bà gieo cấy muộn hơn so với mọi năm nên đầu vụ khá lo lắng. Tuy nhiên, không ngờ cấy muộn lại hay, sâu bệnh hại lúa ít, chỉ có một chút sâu đục thân và chuột. Hiện tại, gia đình bà đã thu hoạch được 70% diện tích với năng suất trung bình đạt 2,8 tạ/sào.

“Vụ mùa năm nay hầu hết bà con ở đây đều được mùa. Hộ nào chịu khó thăm đồng, chăm sóc thì lúa đều đạt năng suất cao, chứ cấy xong để đấy thì năng suất không ăn thua vì chuột cắn phá nhiều, tỷ lệ lúa lép cao”, bà Xuân chia sẻ.

Ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa thông tin: Vụ mùa 2022 được đánh giá là vụ mùa an toàn về khung thời vụ, mật độ sâu bệnh gây hại thấp, chất lượng lúa được đảm bảo… Theo thống kê, đến hết ngày 14/9, tổng diện tích lúa mùa đã thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh hơn 38.300ha (đạt 33%). Năng suất lúa trung bình ước đạt 56 – 57 tạ/ha (so với vụ mùa 2021 là 55,6 tạ/ha).

z3724338517467_60b7c55bca4c0116232840b23e7776ef

Bà Phạm Thị Hà, thôn Phú Đa, xã Quảng Đức (Quảng Xương), phấn khởi vì năng suất lúa vụ mùa năm nay cao hơn năm trước. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Trung, để bảo vệ năng suất, chất lượng lúa, trong điều kiện thời tiết vẫn có những diễn biến khó lường, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đôn đốc người dân bám sát đồng ruộng, huy động nhân lực, các loại phương tiện, máy móc tập trung thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ mức giá thu gặt lúa của các chủ phương tiện, tránh tình trạng nâng ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân; theo dõi diễn biến của thời tiết, tổ chức ra quân nạo vét các tuyến kênh mương nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra. Đối với những diện tích lúa chưa đủ điều kiện thu hoạch, xảy ra trường hợp đổ ngã phải kịp thời dựng buộc, tránh hiện tượng bông lúa bị ngâm nước, mọc mầm…

Thu hoạch đến đâu, làm đất xuống giống vụ đông đến đó

Cũng theo ông Vũ Quang Trung, song song với việc khẩn trương thu hoạch vụ mùa, ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông với phương châm “thu hoạch tới đâu, giải phóng đất và gieo trồng cây vụ đông đến đó”.

Ông Quang thông tin: Trong vụ đông 2022 – 2023, tỉnh Thanh Hóa triển khai theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; xác định vụ đông là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo. Vì vậy, tỉnh đã xác định sử dụng đối tượng, giống cây trồng có lợi thế, tập trung mở rộng tối đa diện tích, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất…

z3724305698211_2b4888846457c35f56ad5ce9c1c95952

Theo đa số người dân, vụ mùa 2022, mật độ sâu bệnh hại lúa thấp nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí phân bón và thuốc BVTV. Ảnh: Trung Quân. 

Các địa phương phấn đấu tăng tối đa diện tích các cây trồng chính như ngô, cây thức ăn chăn nuôi, rau vụ sớm có thể tiêu thụ nội tỉnh; mở rộng diện tích sản xuất các loại rau quả có giá trị kinh tế cao và có thể bảo quản lâu dài, có khả năng thuận lợi trong quá trình vận chuyển không cần phải sơ chế, đóng gói cầu kỳ như bí xanh, khoai lang, hành tỏi, su hào, khoai tây.

Thanh Hóa chủ trương chỉ sản xuất các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu khi có hợp đồng và bảo lãnh tiêu thụ nông sản; tính toán rải vụ sản xuất một cách phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, tránh hiện tượng thừa thiếu cục bộ.

Bên cạnh đó, gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Tiếp tục mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt vụ đông, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; hạn chế tình trạng sản xuất không đáp ứng nhu cầu thị trường hoặc dư thừa nông sản gây thất thiệt cho người sản xuất…

Về thời vụ gieo trồng, đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10/10; nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau ngày 10/10, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10 – 5/11.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề ra mục tiêu: Tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông phấn đấu đạt 46.000ha trở lên. Trong đó, ngô 15.000ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 72.000 tấn; khoai lang 2.700ha, năm suất 77 tạ/ha, sản lượng 20.790 tấn; lạc 1.500ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn; rau đậu các loại và cây trồng khác 26.800ha. Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt 3.404 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 74 triệu đồng/ha gieo trồng (tăng 1,4 triệu đồng/ha so với vụ đông 2021 – 2022).

Nguồn: Nongnghiep.vn

Trần Anh Đức (Văn phòng Viện) ST

Hiệu quả từ liên kết sản xuất khoai môn chỉ tím ở xã Dân lý, huyện Triệu Sơn

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xã Dân Lý (huyện Triệu Sơn) đã tạo điều kiện để ông Tô Quang Định đã tích tụ 6,2 ha đất nông nghiệp. Trên diện tích này, gia đình ông đã liên kết với Công ty Phân bón Sông Mã triển khai mô hình trồng cây khoai môn chỉ tím, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và mở hướng phát triển sản xuất mới cho địa phương.

Cây khoai môn chỉ tím có mặt ở nhiều tiểu vùng sinh thái trong cả nước, như: Đà Lạt, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp,… Sản phẩm của cây khoai môn chỉ tím được sử dụng trong chế biến, nhất là làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm… Ở tỉnh Thanh Hóa, trước đây chủ yếu trồng khoai môn bản địa, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung.

 Việc liên kết sản xuất được thực hiện theo phương thức: Công ty CP Phân bón Sông Mã cung cấp giống khoai môn chỉ tím, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân. Đồng thời, chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Gia đình ông trực tiếp thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xuất bán.

Trong suốt quá trình canh tác cây khoai môn chỉ tím, cần chú ý một số biện pháp sau: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch,…

Khi cây khoai môn đã mọc chồi lên mặt đất lúc này cần tiến hành xới xáo nhẹ nhàng, đồng thời kết hợp với nhặt cỏ và dặm cây. Giai đoạn cây trồng đã có từ 3 – 4 lá thì làm cỏ đợt hai cần thực hiện kết hợp cùng với vun gốc, bón thúc và vét luống nhẹ nhàng. Thời điểm cây đã có từ 5 – 6 lá cần làm cỏ đợt ba có kết hợp vón bón thúc để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó việc vét rãnh, lấy đất phủ lên vị trí mặt luống và rải phân cần tiến hành.

Đối với những vùng chủ động được nguồn nước, sau khi trồng khoai môn, bạn nên tưới nước giữ ẩm để cây nảy mầm đồng đều. Giai đoạn cây cần nước nhất là khi cây được 5 – 6 lá, lúc này mà cây không được cung cấp nước tưới đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thu được. Ngoài ra, cây cũng cần nhiều phân hữu cơ, phân đạo, kali, phốt pho… Tùy tình trạng cây mà bổ sung phân bón phù hợp:

Cây khoai môn khi trồng thường đối diện với một số bệnh hại như bệnh sương mai, bệnh khảm lá, sâu khoang, nhện đỏ, rệp bông,… Bởi thế, chú ý chăm sóc cây trồng đúng cách, thường xuyên kiểm tra để phát triển tình trạng bệnh sớm nhất. Lúc đó việc sử dụng thuốc trừ sâu chuyên dụng, đồng thời loại bỏ những cây nhiễm bệnh quá nặng để bảo vệ cho diện tích canh tác tốt nhất.

 Về thu hoạch, bảo quản tùy vào giống và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc khoai môn mà thời gian thu hoạch khác nhau. Thông thường mỗi lứa khoai mất 10 – 12 tháng. Thu hoạch củ xong bạn không cần rửa mà chỉ cần giũ để loại bỏ đất trên củ rồi bảo quản nơi thoáng mát.

Vùng sản xuất khoai môn chỉ tím, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn

Để diện tích trồng khoai môn chỉ tím sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của công ty, nên năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm (mỗi năm 2 vụ). Nếu xuất bán với giá như hiện nay (từ 25-30nghìn đồng/kg), có thể lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Xét về hiệu quả kinh tế, cây khoai môn chỉ tím cho hiệu quả kinh tế cao và được sản xuất theo hợp đồng liên kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, nên gia đình ông yên tâm sản xuất và mong muốn được tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vào những vụ tiếp theo.

Theo ông Định, đây là mặt hang mà nhu cầu thị trường tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông rất cao. Với việc sản xuất phải thích ứng với tình hình dịch bệnh, ông và Công ty Phân bón Sông Mã đã tính đến phương án thuê nhà kho ngay tại tỉnh Thanh Hóa để bảo quản hàng. Năm nay, nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ liên kết với một đơn vị trong tỉnh để bảo quản sản phẩm và tìm thời điểm thích hợp để xuất vào Sài gòn cho các đối tác.

Chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường mới này bước đầu đạt hiệu quả khá trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo; gợi mở hướng phát triển mới ở vùng đất thuần nông này, nhất là trong điều kiện người lao động địa phương đang có xu hướng “ly nông” chuyển sang làm công nhân tại các doanh nghiệp hoặc làm các dịch vụ khác đang phát triển mạnh ở địa phương có thu nhập cao và ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đây là giống cây trồng mới nên ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, phù hợp với quy hoạch chung, bảo vệ người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và gia tăng nguồn thu cho người dân địa phương./.

Văn Lộc
Trạm Kết Nối Cung Cầu và Hội chợ triển lãm- Trung tâm tư vấn quy hoạch Thị trường và chiến lược PTNN

Thành phố Thanh Hóa chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng mùa khô hanh 2019 – 2020

Với kinh nghiệm thực tế sau nhiều năm triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng, ngay đầu mùa khô hanh năm 2019, Hạt Kiểm lâm thành phố Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, chủ rừng triển khai, thực hiện các biện pháp bảo vệ và phòng cháy rừng phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn.

Sau thời gian thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017, đơn vị đã tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo toàn diện công tác lâm nghiệp; trong đó chú trọng công tác phòng cháy rừng, quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp, bảo vệ ĐVHD, chim tự nhiên. Tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện văn bản quy phạm pháp luật quan trọng: Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ; Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP 22/01/2019 Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, ngoài truyền thông trên Đài truyền thanh TP, loa đài phát thanh xã, phường, Kiểm lâm thành phố dự 35 hội nghị Dân vận, Công an, Kiểm lâm lắng nghe ý kiến của nhân dân, đã tuyên truyền, phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản nhất về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và bảo vệ chim tự nhiên. Thời gian nguy cơ cháy rừng cấp IV, V sẽ được thông báo, cảnh báo phòng chống cháy rừng trên loa phát thanh hàng ngày; thực hiện tuyên truyền lưu động bằng ô tô, xe máy những khu vực trọng điểm dân cư ven rừng, gần rừng.

Hội nghị Dân vận, Công an, Kiểm lâm lắng nghe ý kiến nhân dân

Tham mưu thực hiện các giải pháp, biện pháp PCCCR: Trưởng Ban chỉ đạo lâm nghiệp TP ban hành thông báo phân công lịch trực chỉ huy bảo vệ rừng, PCCCR, thời gian thực hiện từ 01/10/2019 đến 31/3/2020; theo đó Kiểm lâm TP tham mưu thành viên BCĐ TP tăng cường đôn đốc công tác phòng cháy rừng ở cấp xã, chủ rừng; thực hiện nghiêm lịch trực chỉ huy, đặc biệt các ngày nghỉ, Lễ, Tết. Duy trì và phát huy hoạt động của Ban chỉ đạo lâm nghiệp cấp xã; tổ đội bảo vệ rừng; tổ tuyên truyền ở thôn, phố; đội cơ động nhanh chữa cháy rừng. BCĐ lâm nghiệp xã thực hiện kiểm tra rừng, kiểm tra hoạt động lâm nghiệp trong rừng, ven rừng; các hoạt động khác liên quan phòng cháy rừng, sử dụng đất quy hoạch lâm nghiệp, định kỳ 01 lần/tháng.

Hạt Kiểm lâm TP chủ động rà soát lại các khu vực rừng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao, thông báo phân công trực 11 điểm canh phòng lửa rừng, thực hiện thường xuyên, liên tục thời gian dự báo cháy rừng cấp III trở lên. Rà soát, đảm bảo ô tô, máy, thiết bị, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng.

Chủ rừng (Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng) rà soát các khu vực gần dân, sát dân nguy cơ cháy cao, ưu tiên nguồn vốn phát dọn, đưa vật liệu cháy ra khỏi rừng. Theo báo cáo của chủ rừng, thời gian cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, đã phát dọn, làm giảm vật liệu cháy 36 ha, tại khoảnh 3,5, tiểu khu 363H rừng đặc dụng Hàm Rồng.

Dự kiến kế hoạch thực hiện biện pháp đốt trước vật liệu cháy; phát dọn làm đường ranh cản lửa kết hợp đường tuần tra rừng sẽ thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 3/2020./.

Thanh Hoá trồng được 8200 ha rừng tập trung trong 9 tháng

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hoá, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã trồng được 8200 ha rừng tập trung, bằng 82% kế hoạch của cả năm.
Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng và thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ rừng trên cơ sở kế hoạch trồng rừng được giao đôn đốc các đơn vị thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình biến động thời tiết, tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị nhân lực, vật tư, cây giống để tập trung trồng rừng khi điều kiện thời tiết cho phép, đồng thời tổ chức gieo ươm cây giống, chuẩn bị tốt các điều kiện khác phục vụ cho nhiệm vụ trồng rừng năm 2020./.
Nguồn tin: Truyền hình Thanh Hóa

Cảnh báo cháy rừng tại Thanh Hóa

Theo tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và thông tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ ngày 8/7 đến ngày 15/7/2019, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ xảy ra cháy rừng từ cấp 3 tới cấp 4.

Dự báo cấp cháy rừng ở các huyện như sau:

Các huyện Tĩnh Gia, Hà Trung, TP Thanh Hóa, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Như Thanh, Thạch Thành, Triệu Sơn, Quảng Xương dự báo cháy rừng cấp 4, cấp nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đề nghị các địa phương: Thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt các vùng trọng điểm dễ cháy; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác 12/24 giờ trong ngày, chú ý các giờ cao điểm, để kịp thời phát hiện điểm cháy và tổ chức dập cháy ngay. Đồng thời, cấm chủ rừng xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương rẫy và các hành vi sử dụng lửa trong và ven các khu rừng dễ cháy. Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND các cấp huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

Các huyện, thị xã còn lại dự báo cháy rừng cấp 3, cấp cao. Các địa phương chỉ đạo lực lượng

Nguồn tin: Truyền hình Thanh Hóa

Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu mùa 2019 sẽ có các loài sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, như: Bệnh lùn sọc đen phương nam có nguy cơ gây hại cao; sâu cuốn lá dự kiến sẽ có 3 lứa, gây hại nặng trên diện rộng, nhất là ở các huyện ven biển, vùng bán sơn địa, trên trà lúa mùa sớm, chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.

Sâu đục thân 2 chấm dự báo sẽ phát sinh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên lúa mùa sớm và chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh và đến giữa tháng 9 sẽ gây hại nặng cho trà lúa trổ muộn giai đoạn trổ đến chín sữa. Rầy nâu, rầy lưng trắng dự báo sẽ gây hại nhẹ ngay từ giai đoạn mạ, gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ – chín sữa, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ gây cháy cục bộ trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đen lép hạt dự báo sẽ gây hại nặng trên các giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc, nhất là trên những ruộng bón thừa đạm, làm đất không kỹ…

Trên cơ sở dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh có thể xảy ra trong vụ thu mùa, vào các giai đoạn cụ thể, ngay từ đầu vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong toàn vụ thu mùa 2019.

Để bảo vệ cây trồng trước nguy cơ sâu bệnh trong vụ thu mùa 2019, với phương châm phòng là chính, nên ngay từ khi thu hoạch lúa chiêm xuân, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch lúa chiêm xuân đến đâu khẩn trương giải phóng đất đến đó nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh. Thành lập ban chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, dự tính khả năng phát sinh của các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng, trừ thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đã có kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành nông nghiệp, các đơn vị truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, phát hiện dịch hại và các biện pháp phòng, trừ hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.

Đồng hành cùng với các địa phương trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa, từ tháng 5-2019, chi cục bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ thu mùa năm 2019, từ đó làm cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai thực hiện. Chi cục bảo vệ thực vật cũng đang đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo chính xác tình hình dịch hại; đồng thời, kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến và sự phân bố của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, dự tính khả năng phát sinh trong thời gian tới, xác định mức độ gây hại để tham mưu kịp thời các biện pháp xử lý cho các địa phương. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, nhất là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu, tuyên truyền và triển khai xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, xây dựng các chương trình giám sát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.

Để công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa đạt hiệu quả cao, chi cục bảo vệ thực vật khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) khi thực hiện phun trừ các đối tượng sâu hại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng, tức là: 3 giảm gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm phân đạm; 3 tăng gồm: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế. Hoặc ứng dụng công nghệ SRI, gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân dúi vào sản xuất… nhằm tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, tăng tính chống chịu với dịch hại. Hạn chế tối đa những giống lúa nhiễm rầy, mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen phương nam vào gieo trồng trong vụ thu mùa.

Nguồn tin: http://baothanhhoa.vn