Hiệu quả từ liên kết sản xuất khoai môn chỉ tím ở xã Dân lý, huyện Triệu Sơn

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, xã Dân Lý (huyện Triệu Sơn) đã tạo điều kiện để ông Tô Quang Định đã tích tụ 6,2 ha đất nông nghiệp. Trên diện tích này, gia đình ông đã liên kết với Công ty Phân bón Sông Mã triển khai mô hình trồng cây khoai môn chỉ tím, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và mở hướng phát triển sản xuất mới cho địa phương.

Cây khoai môn chỉ tím có mặt ở nhiều tiểu vùng sinh thái trong cả nước, như: Đà Lạt, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp,… Sản phẩm của cây khoai môn chỉ tím được sử dụng trong chế biến, nhất là làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm… Ở tỉnh Thanh Hóa, trước đây chủ yếu trồng khoai môn bản địa, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung.

 Việc liên kết sản xuất được thực hiện theo phương thức: Công ty CP Phân bón Sông Mã cung cấp giống khoai môn chỉ tím, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân. Đồng thời, chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Gia đình ông trực tiếp thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xuất bán.

Trong suốt quá trình canh tác cây khoai môn chỉ tím, cần chú ý một số biện pháp sau: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch,…

Khi cây khoai môn đã mọc chồi lên mặt đất lúc này cần tiến hành xới xáo nhẹ nhàng, đồng thời kết hợp với nhặt cỏ và dặm cây. Giai đoạn cây trồng đã có từ 3 – 4 lá thì làm cỏ đợt hai cần thực hiện kết hợp cùng với vun gốc, bón thúc và vét luống nhẹ nhàng. Thời điểm cây đã có từ 5 – 6 lá cần làm cỏ đợt ba có kết hợp vón bón thúc để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó việc vét rãnh, lấy đất phủ lên vị trí mặt luống và rải phân cần tiến hành.

Đối với những vùng chủ động được nguồn nước, sau khi trồng khoai môn, bạn nên tưới nước giữ ẩm để cây nảy mầm đồng đều. Giai đoạn cây cần nước nhất là khi cây được 5 – 6 lá, lúc này mà cây không được cung cấp nước tưới đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất thu được. Ngoài ra, cây cũng cần nhiều phân hữu cơ, phân đạo, kali, phốt pho… Tùy tình trạng cây mà bổ sung phân bón phù hợp:

Cây khoai môn khi trồng thường đối diện với một số bệnh hại như bệnh sương mai, bệnh khảm lá, sâu khoang, nhện đỏ, rệp bông,… Bởi thế, chú ý chăm sóc cây trồng đúng cách, thường xuyên kiểm tra để phát triển tình trạng bệnh sớm nhất. Lúc đó việc sử dụng thuốc trừ sâu chuyên dụng, đồng thời loại bỏ những cây nhiễm bệnh quá nặng để bảo vệ cho diện tích canh tác tốt nhất.

 Về thu hoạch, bảo quản tùy vào giống và kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc khoai môn mà thời gian thu hoạch khác nhau. Thông thường mỗi lứa khoai mất 10 – 12 tháng. Thu hoạch củ xong bạn không cần rửa mà chỉ cần giũ để loại bỏ đất trên củ rồi bảo quản nơi thoáng mát.

Vùng sản xuất khoai môn chỉ tím, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn

Để diện tích trồng khoai môn chỉ tím sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn của công ty, nên năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm (mỗi năm 2 vụ). Nếu xuất bán với giá như hiện nay (từ 25-30nghìn đồng/kg), có thể lãi khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Xét về hiệu quả kinh tế, cây khoai môn chỉ tím cho hiệu quả kinh tế cao và được sản xuất theo hợp đồng liên kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, nên gia đình ông yên tâm sản xuất và mong muốn được tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vào những vụ tiếp theo.

Theo ông Định, đây là mặt hang mà nhu cầu thị trường tại các nước Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Trung Đông rất cao. Với việc sản xuất phải thích ứng với tình hình dịch bệnh, ông và Công ty Phân bón Sông Mã đã tính đến phương án thuê nhà kho ngay tại tỉnh Thanh Hóa để bảo quản hàng. Năm nay, nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ liên kết với một đơn vị trong tỉnh để bảo quản sản phẩm và tìm thời điểm thích hợp để xuất vào Sài gòn cho các đối tác.

Chuỗi liên kết giá trị gắn sản xuất với thị trường mới này bước đầu đạt hiệu quả khá trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo; gợi mở hướng phát triển mới ở vùng đất thuần nông này, nhất là trong điều kiện người lao động địa phương đang có xu hướng “ly nông” chuyển sang làm công nhân tại các doanh nghiệp hoặc làm các dịch vụ khác đang phát triển mạnh ở địa phương có thu nhập cao và ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đây là giống cây trồng mới nên ngành chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, quản lý chặt chẽ để bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, phù hợp với quy hoạch chung, bảo vệ người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và gia tăng nguồn thu cho người dân địa phương./.

Văn Lộc
Trạm Kết Nối Cung Cầu và Hội chợ triển lãm- Trung tâm tư vấn quy hoạch Thị trường và chiến lược PTNN

Bài viết liên quan