HỘI THẢO GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GÓP PHẦN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HUYỆN MƯỜNG LÁT, TỈNH THANH HÓA

Ngày 04/10/2022 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Văn phòng điều phối Nông thôn mới – Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện Nông nghiệp, UBND huyện Mường Lát tổ chức Hội thảo giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng Nông thôn mới tại huyện Mường Lát. Đồng chí Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Tham dự Hội thảo thành phần gồm; Đại diện các cơ quan Trung ương có lãnh đạo Cục Trồng trọt, chăn nuôi, Kinh tế hợp tác và PTNT, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp,Viện Khoa học lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và PTNT; về phía tỉnh Thanh Hóa có đại diện các ban của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành của tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo huyện Mường Lát, lãnh đạo các xã, bản cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả xây dựng các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, các mô hình phát triển sản xuất và xây dựng NTM tại huyện Mường Lát, giai đoạn 2011 – 2022; thực trạng sản xuất nông nghiệp, cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Các đại biểu cũng thảo luận một số giải pháp phát triển lâm nghiệp; thực trạng và định hướng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; thực trạng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát…

Hội thảo cũng được nghe báo cáo tham luận của của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa với chủ đề “Đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp huyện Mường Lát giai đoạn 2011-2022, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2030”. Bài tham luận đã đánh giá rất sâu sắc về thực trạng về kinh tế – xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát; những thuận lợi, khó khăn về phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm OCOP, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Và các bài tham luận trực tiếp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và UBND huyện Mường Lát.

Hội thảo được nghe bài phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, đồng chí đã bày tỏ vui mừng và gửi lời cảm ơn tới các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan trung ương, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan đã quan tâm tổ chức hội thảo ý nghĩa dành cho huyện Mường Lát. Theo đồng chí, sau 26 năm thành lập huyện, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, và Nhân dân, huyện Mường Lát đã có sự phát triển đáng kể. Song do đặc thù là huyện vùng cao, trọng điểm của thiên tai, ít đất sản xuất và nhiều điều kiện không thuận lợi nên Mường Lát hiện vẫn là huyện khó khăn nhất tỉnh và là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Hội thảo đã gợi mở được nhiều vấn đề và định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi, định hướng xây dựng Nông thôn mới – những nội dung hết sức có ý nghĩa cho huyện vùng cao biên giới này. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh cũng đề nghị Bộ NNPTNT, các cơ quan Trung ương quan tâm, hỗ trợ huyện Mường Lát xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung; xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ở vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp; xây dựng mô hình trồng và chế biến, tiêu cây thụ dược liệu…

Tại Hội thảo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan, phải khẩn trương tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ gạo cho Nhân dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở 11 huyện miền núi nói chung và huyện Mường Lát nói riêng; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào huyện Mường Lát; giúp huyện quy hoạch lại vùng, quy hoạch lại sản xuất; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học du nhập, phát triển dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Mường Lát; bám sát kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành về xây dựng NTM, khẩn trương đề suất một số nhiệm vụ trong nguồn vốn sự nghiệp ưu tiên cho Mường Lát…Đặc biệt đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Viện Nông nghiệp Thanh Hóa khẩn trương hoàn thành đề án Phát triển rừng bền vững huyện Mường lát giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và tham mưu cho UBND huyện Mường Lát lập quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; phối với các đơn vị liên quan của Bộ NN & PTNT xây dựng Đề tài du nhập, khảo nghiệm, phát triển dược liệu trên địa bàn huyện Mường Lát; và nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ đặt hàng công ích để du nhập, nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế cao tại Mường Lát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cũng đề nghị lãnh đạo huyện Mường Lát tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu sâu về Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phổ biến rộng rãi kết quả của Hội thảo “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa”; rà soát lại quy hoạch vùng mà UBND tỉnh đã phê duyệt năm 2021, đảm bảo sự liên kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển; tích cực kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn trên tinh thần tự lực, tự cường để phát triển kinh tế xã hội huyện Mường Lát một các bền vững.

Kết luận hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh: Cần đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của huyện Mường Lát một cách bài bản hơn để đưa các giải pháp công nghệ phù hợp đối với sự phát triển của địa phương. Đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần tập trung phát triển các giá trị bản địa, gồm cây trồng, vật nuôi, dược liệu bản địa, thậm chí là sơ chế, bảo quản bản địa, tiến tới nhân rộng các mô hình và chuyển giao công nghệ, đồng thời Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết sẽ xem xét nghiêm túc các đề nghị của đại biểu về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại huyện Mường Lát. Các ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo sẽ được tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ NN & PTNT, các cơ quan liên quan để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn và định hướng phát triển nông nghiệp & xây dựng nông thôn mới  cho huyện Mường Lát../.

ThS. Lê Trần Thái

                          Trung tâm Nghiên cứu Khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi

Bài viết liên quan