PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO BẰNG NHÂN GIỐNG CÂY (INVITRO) NUÔI CẤY MÔ TẠI VIỆN NÔNG NGHIỆP THANH HÓA

Quyết định số: 1426/QĐ – UBND, ngày 24 tháng 04 năm 2020 Quyết định phê duyệt đề án phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025; Xây dựng và phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa theo hướng hiện đại và hội nhập, chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật mới, tư vấn chiến lược, cung cấp dịch vụ, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Có thể nói, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao mới bắt đầu thực hiện và ở quy mô chưa lớn nhưng đã khẳng định hiệu quả và thích nghi tốt đối với trình độ của nông dân. Ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh đã được thực hiện trong cả quá trình sinh trưởng của cây trồng nhằm hạn chế sự tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đồng đều, trong đó có kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Cán bộ phòng phân tích và thí nghiệm đang kiểm tra cây giống keo nuôi cấy mô

Phương pháp nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến với nhiều ưu điểm vượt trội, giúp khắc phục nhanh tình trạng thoái hóa của các giống cây trồng. Những năm qua, Phòng Phân tích và thí nghiệm – Viện Nông nghiệp đã nghiên cứu, làm chủ nhiều quy trình công nghệ và đưa vào sản xuất thành công nhiều giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô đã lưu giữ, phát triển và sản xuất được hàng loạt các loại cây trồng, các chủng giống nấm có chất lượng cao.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là phương pháp nhân giống vô tính được sử dụng nhằm sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc, khắc phục nhược điểm của các phương pháp nhân vô tính khác như chiết, ghép hay giâm cành. Với tính toàn năng của tế bào thực vật, chúng có khả năng thay đổi quá trình trao đổi chất, sinh trưởng để tái sinh thành cây hoàn chỉnh. Môi trường nuôi cấy mô thực vật chứa tất cả các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của cây trồng. Ưu điểm của phương pháp công nghệ này là nhân giống với số lượng lớn mang đặc tính tốt giống hệt cây mẹ, hệ số nhân giống cao, đáp ứng nguồn giống quanh năm với chất lượng tốt đồng đều, sạch bệnh, mang đến hiệu quả kinh tế cao chỉ cần trong một thời gian ngắn. Phương pháp này còn giúp bảo vệ các giống cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Quy trình nuôi cấy mô là một công đoạn dài và khó khăn, phòng đã nghiên cứu và thực hành một số loại cây mà thị trường yêu cầu.

Phòng Phân tích và thí nghiệm đã thực hiện kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Phòng đã phát triển nhân giống bằng phương pháp này với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào tạo ra cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh, mang đặc tính di truyền từ cây mẹ. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu không ngừng tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Sau thử nghiệm sản xuất thành công giống cây Lan kim tuyến từ năm 2020, Phòng đã mở rộng quy mô nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào với nhiều giống cây trồng khác nhau. Phòng nuôi cấy mô của Viện được đầu tư khá quy mô và trang bị cơ sở vật chất thiết bị đủ khả năng sản xuất rất nhiều lượng cây giống cung cấp cho thị trường. Hiện Phòng đang quản lý hàng chục giống cây và sản xuất theo yêu cầu của thị trường như các giống cây lâm nghiệp, cây dược liệu, các loại giống hoa, trong đó có các loại cây có giá trị kinh tế như lan kim tuyến, đông trùng hạ thảo,  nấm linh chi, đùi gà, hoa đồng tiền, mía tím, mía đường, hoa chuông, hoa cúc… Đặc biệt, với phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật đã tạo ra giống cây keo lai khẳng định tính ưu việt trong việc nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng, đã cung cấp cây giống cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Cây giống mía Kim Tân

Cây hoa chuông từ nuôi cấy môCây hoa cúc từ nuôi cấy mô

Cây hoa đồng tiền từ nuôi cấy mô

Cây Lan kim tuyến được sản xuất từ nuôi cấy mô

Hiện nay phòng đã làm chủ được hoàn toàn các quy trình kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Phương pháp này có thể sàng lọc những cây có tính trạng tốt để sản xuất đồng loạt giống cây có chất lượng tốt cho ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhiều hơn so với cây nhân giống bằng phương pháp truyền thống. Cây nuôi cấy mô sạch bệnh, sáng màu, đồng đều hơn. Áp dụng phương pháp này có thể nhân giống  nhanh và đồng đều các giống cây, đáp ứng kịp thời vụ cây trồng trong trường hợp gặp rủi ro thiên tai như vừa qua. Sắp tới, Phòng sẽ triển khai nghiên cứu, sản xuất giống cây lan kim tuyến là một loại dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã bước đầu gặt hái những thành công. Đây là một bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp cho nông dân trên địa bàn chủ động được nguồn giống các loại cây trồng có giá trị kinh tế trên thị trường. Từ đó làm thay đổi và nâng cao nhận thức cho nông dân về mô hình nuôi trồng hiện đại này để ngày càng nhân rộng quy mô và hiệu quả kinh tế trong trồng trọt trước sự tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Hồ Thị Quyên
Phòng phân tích và thí nghiệm 

Bài viết liên quan