Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(ĐCSVN) – Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà.

Nông nghiệp công nghệ cao – xu thế tất yếu

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao; cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Giải bài toán cho các vấn đề này, theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Thu hoạch cá chim vảy vàng tại Nha Trang – Kết quả của dự án đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo, các tiến bộ về khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo còn dưới 10%,…). Mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm (lúa, mía, ngô, rau màu) đạt khoảng 94%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%).

Nhận định về sự đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp nước ta, nhiều chuyên gia, nhà khoa học chung nhận định, khoa học và công nghệ thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Sản xuất phát triển nhờ ứng dụng công nghệ cao

Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ giúp thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW,  05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học – công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…

Định hướng này cùng với những chính sách được ban hành trước đó về nông nghiệp công nghệ cao như Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Quyết định số 1895/QĐ-TTg, ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 đã tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, góp phần tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2019, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại.

Trong lĩnh vực trồng trọt đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến; do làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng và chất lượng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế tăng. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, giúp nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Đặc biệt, giống gạo ST25 được công nhận là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Phi-lip-pin.

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …

Ngành lâm nghiệp có sự phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng ổn định; đã làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, tạo ra các dây chuyền chế biến, bảo quản có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu; hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ hai Châu Á và đứng thứ năm trên thế giới.

Lĩnh vực chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành và đang được phổ biến, nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản ngày càng được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.

Với sự giúp sức của khoa học công nghệ được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch… đã tạo ra giá trị mới cho nông sản, giúp sản phẩm tươi, an toàn, nâng cao năng suất, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng… Các kết quả này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh qua các năm, năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức 10,4 tỷ USD.

Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực 

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình sản xuất nông nghiệp này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn và đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp tại nước ta còn thấp. Bên cạnh đó, thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định; bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhân lực còn hạn chế… là những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng.

Tháo gỡ những khó khăn này, thời gian qua, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao từ lâu được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010,của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018, của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao như: cho doanh nghiệp được vay không có tài sản đảm bảo tối đa bằng 70% -80% giá trị dự án nông nghiệp công nghệ cao với hình thức cho vay linh hoạt; ưu đãi về tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, nhiều chính sách để nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp cũng được thực thi. Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, ngành nông nghiệp triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất; nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần trước đây.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyên giao công nghệ năng suất chất lượng nông sản; thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người sử dụng, tạo điều kiện cho tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Đặc biệt là những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Australia…

Những chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phát triển đã khẳng định sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cho nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.

Để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thanh Hóa sản xuất thành công Tinh trâu Murrah đông lạnh phục vụ công tác cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu

Thanh Hoá là tỉnh đã triển khai công tác thụ tinh nhân tạo cho bò từ những năm 1990 thuộc chương trình  cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò. Hiện  nay có 20/27 huỵên thị, thành phố đã triển khai công tác truyền tinh nhân tạo cho  bò,  mỗi huyện có từ 15 – 20 kỹ thuật viên đang làm công tác truyền tinh nhân tạo. Mạng lưới TTNT đươc thực hiện có tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã…. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo đã được đầu tư tương đối đầy đủ như Bình ni tơ, súng bắn tinh và các dụng cụ chuyên ngành khác.

Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ƯDKHKT chăn nuôi là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp TTNT và một số giải pháp để phối giống thành công cho trâu cái từ nguồn tinh trâu đực giống Murrah nhập khẩu từ Ấn Độ. Kết quả để phối giống thử nghiệm trên đàn trâu của huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn có tỷ lệ đậu thai từ 35-40%,  đã có sản phẩm là nghé lai F1 giống Murrah ra đời. Nghé sinh ra khoẻ mạnh, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của Thanh Hoá. Từ kết của đó, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo với UBND tỉnh trình cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh như Quyết định 271/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 về việc ban hành cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cấm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Theo đó tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua vật tư phối giống, gồm: Tinh, ni tơ, dụng cụ để phối giống; Hỗ trợ tiền công phối giống TTNT nhằm cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu nội của tỉnh. Từ đó hàng năm, Trung tâm đã nhập khẩu và cung ứng cho các huyện trong tỉnh từ 2500-3000 liều tinh trâu giống Murrah để thực hiện công tác TTNT cho trâu. Tuy nhiên do nguồn tinh trâu Murrah phải nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam qua rất nhiều thủ tục pháp lý của nhà nước nên không chủ động được nguồn tinh gây khó khăn trong việc cung ứng, phục vụ nhu cầu của bà con nuôi trâu trong tỉnh.

Khai thác tinh trâu Murah

Thực hiện Nghị quyết 16 NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Trung tâm đã xây dựng dự án sản xuất tinh trâu đông lạnh cọng ra trình báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại Thanh Hóa” nhằm phát huy các công năng của Trung tâm đã được tỉnh đầu tư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, mở rộng công tác nghiên cứu sản xuất tinh trâu nhằm thúc đẩy công tác TTNT cho đàn trâu trên địa bàn tỉnh.

Trâu lai F1 Murrah sinh ra tại Bỉm Sơn

Sau 03 năm triển khai thực hiên đề tài, Trung tâm đã nghiên cứu thành công việc huấn luyện, khai thác và sản xuất tinh trâu Murrah đông lạnh dạng cọng dạ. Kết quả đề tài đã Tuyển chọn được 02 trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh dịch. Các trâu đực có tầm vóc, khối lượng lớn đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tất cả các trâu đực đều có phản xạ nhảy giá tốt để khai thác tinh dịch bằng âm đạo giả. Nghiên cứu được 01 môi trường pha loãng tinh dịch để sản xuất tinh đông lạnh dạng cọng rạ của  trâu Murrah đảm bảo chất lượng tốt (hoạt lực tinh trùng sau giải đông ≥40%, tỷ lệ thụ thai ≥50%). Xây dựng được 01 quy trình kỹ thuật sản xuất tinh đông lạnh của trâu đực giống Murrah. Tổng số có 02 trâu đực giống Muraah đủ điều kiện sản xuất tinh đông lạnh dạng cọng rạ, đạt 70% kế hoạch đề ra (02 con) Sản xuất được 10.000 liều tinh đông lạnh dạng cọng rạ trâu Murrah) có chất lượng tốt: hoạt lực tinh trùng sau giải đông đạt 42,96-43,14% và tỷ lệ thụ thai trên đàn trâu cái trung bình đạt 50,77-51,15%. Đào tạo được 05 kỹ thuật viên làm công tác huấn luyện sản xuất tinh trâu. Tâp huấn cho 20 kỹ thuật viên làm công tác TTNT cho trâu. Có 190 trâu cái phối giống có chửa và có 35 nghé lai F1 Murah được sinh ra ( tính đến tháng 6/2021). Khả năng sinh trưởng của nghé lai F1: Khối lượng sơ sinh, 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi bình quân đối với con đực lần lượt đạt là: 29,35kg/con, 80,1kg/con và 120,65kg/con; con cái lần lượt đạt là:28,1kg/con, 76,9Kg/con; 115,15kg/con. So với Nghé nội khả năng sinh trưởng cao và nhanh hơn 15-20%

Từ kết quả sản xuất được tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ đạt chất lượng cao, phục vụ công tác TTNT trâu góp phần cải tạo, nâng cao số lượng và chất lượng đàn trâu Thanh Hóa. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn bởi sản phẩm tinh trâu sản xuất trong nước có chất lượng giống, chất lượng tinh  tương đương với tinh trâu nhập khẩu song giá thành chỉ bằng 1/3 giá tinh nhập khẩu và chủ động được nguồn tinh cho bà con nuôi trâu

Trâu lai F1 Murrah sinh ra tại Bỉm Sơn

Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh có số lượng đàn trâu lớn và đã triển khai tốt công tác phối giống cho trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chăn nuôi trâu hiện nay đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, được bà con nhân dân ủng hộ. Trong khi đó việc sản xuất tinh trâu động lạnh để phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo tại Thanh Hóa và các tỉnh lân cận chưa có. Đây là điều kiện để tiêu thụ và thương mại hóa các sản phẩm tạo ra khi dự án được triển khai thực hiện thành công. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi trâu chuyên canh sản xuất thịt nhằm phát triển kinh tế chăn nuôi đặc trưng của vùng miền góp phần và thành công chung trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tác giả: Ths. Lê Trần Thái

                                     PGĐ Trung tâm KNVN – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Hỗ trợ tiêu thụ, giải cứu vải Bắc Giang tại Viện Nông nghiệp

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang gặp nhiều khó khăn. Để cùng chung tay tiêu thụ vải giúp cho người dân vùng dịch Bắc Giang, những ngày qua, những điểm giải cứu vải Bắc Giang bắt đầu xuất hiện ở mọi nơi trên tổ quốc cũng như Tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện theo chỉ đạo của Công Đoàn Viên chức tỉnh tại Công văn số: 102/CV – CĐVC ngày 14/6/2021 Về việc hỗ trợ tiêu thụ Vải thiều cho nông dân tỉnh Bắc Giang, Công đoàn CS Viện Nông nghiệp đã nhanh chóng triển khai, phát động phong trào trong toàn thể Viện.

Nhãn hiệu Vải Thiều Lục Ngạn nổi tiếng của Bắc Giang

Với tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Nâng niu giá trị Nông sản Việt – Kết nối nông sản – San sẻ yêu thương – Vượt qua đại dịch” , tập thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn Viện Nông nghiệp đã nhiệt tình đăng ký tham gia phong trào. Chỉ trong 02 ngày Công đoàn CS Viện Nông nghiệp đã hoàn thành danh sách đăng ký mua tiêu thụ vải Thiều Bắc Giang và tiến hành giao những chùm vải mọng chín thơm ngon đến tận tay người đăng ký.

Đoàn xe vận chuyển tiêu thụ Vải Thiều Bắc Giang hỗ trợ bà con nông dân vùng dịch
Đoàn xe vận chuyển tiêu thụ Vải Thiều Bắc Giang hỗ trợ bà con nông dân vùng dịch
Những quả vải chín mọng, căng tròn chứa bao tâm huyết và công sức của những người nông dân Bắc Giang

Tổng kết phong trào, trên toàn thể Viện Nông nghiệp đã mua ủng hộ 580kg Vải Thiều với số tiền là 13 triệu 340 ngàn đồng. Hy vọng cùng với số tiền và tấm lòng của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Viện Nông nghiệp luôn sẵn sàng sát cánh, hỗ trợ giúp đỡ khó khăn hướng đến các tỉnh vùng dịch, Bắc Giang cũng như các địa phương trong cả nước khác sẽ có thêm quyết tâm, động lực cùng với Đảng, Nhà nước và toàn dân đẩy lùi dịch bệnh COVID-19./ .

Ảnh: Phạm Thị Lý
Trưởng phòng, Phòng phân tích và thí nghiệm

Trần Anh Đức

Văn phòng Viện

 

Viện Nông nghiệp làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa về chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 – 2025

Vừa qua, tại trụ sở Viện Nông nghiệp, tập thể Lãnh đạo Viện đã đón tiếp đoàn công tác của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (Liên hiệp hội) do đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa làm trưởng đoàn với chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2021 – 2025.

Về phía Viện Nông nghiệp đại diện là đồng chí Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp cùng lãnh đạo các phòng và trung tâm trực thuộc Viện Nông nghiệp cũng như tập thể cán bộ, viên chức Viện đã đón tiếp đoàn công tác của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa (Liên hiệp hội) do đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa làm trưởng đoàn.

Đông chí Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện nông nghiệp đang phát biểu

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Hải đã trình bày Báo cáo tình hình hoạt động Khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng như các dự án, đề tài mà Viện Nông nghiệp đã thực hiện kể từ khi thành lập đến nay và định hướng phát triển trong thời gian tới của Viện. Đồng chí Nguyễn Đình Hải đã nêu rõ những thành tựu, cống hiến của Viện cho nền Nông nghiệp tỉnh nhà nói riêng và sự phát triển của Khoa học và Công nghệ nói chung, qua đó thấy được tầm quan trọng, sự quan tâm, ưu ái đến từ các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa dành cho Viện Nông nghiệp. Đồng thời đồng chí Nguyễn Đình Hải cũng đưa ra một số tồn tại, hạn chế của Viện đang gặp phải để cùng thảo luận với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật.

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa đại diện cho đoàn công tác phát biểu
Ban Lãnh đạo Viện đang trao đổi với Liên hiệp hội về các vấn đề phát triển KHCN

Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội Thanh Hóa thống nhất với các báo cáo đã trình bày; đề nghị ban lãnh đạo Viện Nông nghiệp cần quan tâm, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu để xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Liên hiệp hội sẽ phối hợp với Viện Nông nghiệp nhằm phát huy hơn nữa và quảng bá hình ảnh Viện Nông nghiệp không chỉ trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà còn có thể vươn tầm trong nước và hợp tác quốc tế. Liên hiệp Hội cũng sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để các đề tài, dự án, nghiên cứu khoa học của cán bộ, chuyên viên Viện Nông nghiệp được tham dự các cuộc thi về khoa học, công nghệ, phát huy hơn nữa vai trò của Viện Nông nghiệp trong công cuộc phát triển Khoa học, kỹ thuật đặc biệt trong ngành Nông nghiệp.

 

Trần Anh Đức
Văn phòng Viện

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Mô hình mới, kỳ vọng mới cho nền nông nghiệp tỉnh nhà.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-TTg ngày 30-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình viện nghiên cứu nông nghiệp cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, tạo tiền đề quan trọng trong việc tập trung nguồn lực, đầu mối nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Viện có nhiệm vụ xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp dài hạn, 5 năm và hàng năm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thực hiện nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Tuyển chọn, khảo nghiệm và sản xuất thử giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm và giống vi sinh vật.

Bảo quản Đông Trùng Hạ Thảo tại Viện Nông nghiệp

Thực hiện hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản; cung cấp dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm phù hợp với lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Viện. Lập dự án đầu tư, các dự án quy hoạch, đề án, phương án, mô hình dự án về phát triển nông nghiệp nông thôn; tư vấn đầu tư, thẩm định, khảo sát, thiết kế, giám sát, lắp đặt thi công các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi và hạ tầng nông nghiệp nông thôn; báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, quy hoạch.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ Đông Trùng Hạ Thảo và Nấm Linh Chi của Viện Nông nghiệp

Từ khi thành lập đến nay, viện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện tăng cường hoạt động dịch vụ tư vấn trong quy hoạch, xây dựng đề án trong nông nghiệp; phối hợp với các trung tâm tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và dịch vụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: Đông trùng hạ thảo, sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm gạo chất lượng cao… Sản xuất, dịch vụ các loại giống cây trồng, vật nuôi phục vụ nhu cầu giống tốt cho sản xuất.

Gian hàng các sản phẩm của Viện Nông nghiệp được các Lãnh đạo Tỉnh xem xét, đánh giá

 

Hiện nay, Lãnh đạo Viện Nông nghiệp chỉ đạo tới các phòng ban, đơn vị trực thuộc đã và đang triển khai sản xuất 13.383 kg Trà lúa Bắc Thịnh SNC; 31.004 kg Trà lúa Bắc Thịnh NC; 10.878 kg Trà lúa SUMO; Sản xuất nấm: 5.000 hộp tươi nấm Đông trùng hạ thảo; 50.000 bịch linh chi thương phẩm; Nhân chuyển các giống cây hoa đồng tiền, Lan, chuông, Cúc…, nhân giống các loại cây dược liệu; lan Kim Tuyến. Ngâm và chiết ra các loại rượu từ sản phẩm KHCN: Rượu đông trùng hạ thảo; lan Kim tuyến; Linh chi….

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, triển khai các đề tài, dự án hoạt động khoa học công nghệ trong nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị kinh tế và dịch vụ tư vấn.

 

Phạm Thị Lý

Phòng Phân tích và Thí nghiệm

Trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho năng suất cao tại Viện Nông nghiệp

Bắt đầu từ tháng 2/2021 , Phòng Phân tích và Thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu công nghệ cao ngay tại nhà lưới của trụ sở Viện.

Giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có nguồn gốc từ Thái Lan được Phòng Phân tích và Thí nghiệm trồng thử nghiệm bằng phương pháp hữu cơ ở điều kiện nhà lưới. Qua quá trình khảo nghiệm cho thấy giống dưa sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh nhà lưới trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu của Viện Nông nghiệp

Thông thường, thời gian sinh trưởng của dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ dao động từ 75 – 80 ngày, nhưng nếu do tình hình thời tiết khắc nghiệt sẽ kéo dài tới 90 ngày. Do dưa phản ứng rất mạnh với ánh sáng nên với cường độ ánh sáng yếu, cây dưa sẽ sinh trưởng chậm. Ngoài ra, dưa còn ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, nếu trong điều kiện thời tiết cực lạnh sẽ gây bất lợi lớn cho việc sinh trưởng, phát triển của dưa.

Chăm sóc dưa lê Kim Hoàng Hậu
Khi trồng trong nhà lưới, giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có thể đậu trái đến 98%, có thể điều tiết được dinh dưỡng đầu vào để cho mật độ, cân nặng, cũng như hàm lượng đường của quả theo nhu cầu của thị trường. Đây chính là yếu tố sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh đang hướng tới.
Thời gian trồng dưa thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến khoảng đầu tháng 9 hàng năm. Do đó, mỗi năm có thể trồng từ 3 – 4 vụ dưa liên tục. Thu nhập đối với 500m2 dưa khoảng 25 – 30 triệu đồng/vụ, trung bình mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng/500m2.
Dưa lê Kim Hoàng Hậu khi chín
Dưa Kim Hoàng Hậu là một loại dưa vỏ có màu vàng tươi hoặc nhạt, Khi dưa kim hoàng hậu mới cắt thì màu của vỏ dưa còn vàng nhạt để lâu thì chuyển sang màu vàng sậm hơn. Kích cỡ của một trái dưa kim hoàng hậu thường không to bằng dưa hấu hay như một số loại dưa khác. Trung bình mỗi trái nặng tầm 1 cân đến 1,5 cân mà thôi. Dưa vàng Kim Hoàng Hậu có hình oval, vỏ thuộc loại trơn, nhẵn, ít khi bị rạn sần. Dưa Hoàng Hậu được người tiêu dùng đánh giá ngọt hơn dưa hấu đỏ và dưa lê Hoàng kim. Hiện tại dưa Kim Hoàng Hậu được gieo trồng ở rất nhiều tỉnh thành và đều theo tiêu chuẩn của VietGap.

Giống như những loại hoa quả giàu giá trị dinh dưỡng khác, dưa Kim Hoàng Hậu cũng mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của chúng ta, cùng tìm hiểu xem đó là những tác dụng gì nhé!

  • Do bên trong dưa Kim Hoàng Hậu chất lycopene – chất có vai trò chống oxy hóa có chứa rất nhiều trong đó, nên dưa Kim Hoàng Hậu có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa các bệnh về ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.
  • Chất arginine có chứa trong dưa Kim Hoàng Hậu giúp cho làm giảm lượng glucose có trong máu, giúp ích cho những người bị bệnh tiểu đường và những người mắc bệnh tim.
  • Lượng vitamin A dồi dào có trong dưa lê Hoàng Hậu giúp cho mắt bạn sẽ dáng và tốt hơn, giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng.
  • Vitamin C có trong dưa lê Kim Hoàng Hậu giúp cho các vết thương được làm lành nhanh chóng, tăng cường được hệ miễn dịch.
  • Lượng chất xơ có trong dưa Hoàng Hậu giúp ích cho việc ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như lão hóa xương. Đồng thời giúp cho tình trạng táo bón được cải thiện.
  • Chất beta- carotene có trong dưa hoàng hậu giúp cho ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính khi được kết hợp với vitamin C có trong nó.
  • Giúp điều hòa huyết áp nhờ vào lượng Kali có trong dưa hoàng hậu.
  • Tốt cho phụ nữ mang thai, và thai nhi
  • Nạp năng lượng cho ngày hè
  • Tốt cho làn da, giúp da được tươi sáng hơn nhờ lượng vitamin có trong dưa kim hoàng hậu.
Hiện tại, Phòng Phân tích và Thí nghiệm đang tích cực hoàn tất các bước để nghiệm thu, từng bước đưa giống, kĩ thuật trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, nếu chủ động được sản lượng, mẫu mã và đảm bảo an toàn sinh học thì giống dưa lê này sẽ có đầu ra ổn định, với giá bán cao hơn các loại dưa lê thông thường.
Trần Anh Đức

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ VĂN PHÒNG VIỆN

  • Chiều ngày 23/4/2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý Văn phòng Viện. Chủ trì buổi lễ là đồng chí Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Viện Nông nghiệp đã công bố Quyết định 168/QĐ-VNN ngày 07/4/2021 của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về việc tiếp nhận và bổ nhiệm Ông Bùi Tuấn Anh: được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Viện Nông nghiệp.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định và tặng hoa cho đồng chí Bùi Tuấn Anh, tân Chánh Văn phòng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp mong rằng đồng chí Bùi Tuấn Anh tiếp tục cố gắng nỗ lực, rèn luyện tu dưỡng, bám sát nhiệm vụ của Viện, của tỉnh để làm tốt công tác quản lý; tăng cường sự đoàn kết nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cùng với đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải phát biểu tại buổi lễ

Tham dự buổi lễ còn có đại diện của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương là nơi đồng chí Bùi Tuấn Anh từng công tác.

Đồng chí Hà Thế Anh đại diện phát biểu

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Bùi Tuấn Anh tiếp thu những ý kiến giao nhiệm vụ của cấp trên, đồng thời hứa trước lãnh đạo Viện Nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống của Viện, xây dựng đoàn kết nội bộ, cùng tập thể, lãnh đạo sở và cán bộ trong ngành hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong thời gian tới.

Đồng chí Bùi Tuấn Anh phát biểu trong buổi lễ

 

 

Trần Anh Đức

Chuyên viên, Văn phòng Viện

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC PHÒNG VÀ TRUNG TÂM TRỰC THUỘC VIỆN NÔNG NGHIỆP

  • Sáng ngày 05/4/2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc. Chủ trì buổi lễ là đồng chí Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Viện Nông nghiệp đã công bố Quyết định của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc có tên sau đây:

Ông Lê Xuân Bắc: được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, phòng Kế hoạch, Tổng hợp và Hợp tác Quốc tế;

Ông Phạm Xuân Thanh: được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, phòng Quản lý Khoa học;

Ông Lê Anh Tùng: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, phòng Phân tích và Thí nghiệm;

Ông Lê Chí Giang: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung Tâm Tư Vấn quy hoạch thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp;

Bà Nguyễn Thị Duyên: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung Tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm
Viện trưởng Nguyễn Đình Hải phát biểu tại buổi lễ

Trao Quyết định, tặng hoa chúc mừng và phát biểu giao nhiệm vụ, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Nguyễn Đình Hải nhấn mạnh: Đây là một bước phát triển mới trong quá trình công tác của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc, với tính chất và mức độ công việc sẽ nhiều khó khăn, vất vả. Do vậy, các đồng chí trên cương vị mới, cần sớm tiếp cận và triển khai công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm

Đồng thời, lưu ý toàn thể cán bộ, chuyên viên toàn Viện đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai Phó Viện trưởng và các cán bộ được bổ nhiệm
Đồng chí Phạm Xuân Thanh đại diện cho các cán bộ được bổ nhiệm phát biểu

Đại diện cho các cán bộ được bổ nhiệm, đồng chí Phạm Xuân Thanh cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Viện ; đồng thời hứa sẽ cùng với tập thể cán bộ, công chức, viên chức phát huy truyền thống và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trần Anh Đức
Phòng KHTH.HTQT

Ứng dụng KHCN trong thụ tinh nhân tạo để cải tạo nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò

Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn trâu, bò đã và đang giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20-30%. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp tăng nhanh đàn trâu, bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (nay là Trung tâm Khảo Nghiệm và Dịch vụ vật Nuôi trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã nghiên cứu sáng tạo giải pháp "Sử dụng công nghệ lai tạo và một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa". Thực hiện giải pháp đã cho tỷ lệ đậu thai đạt 50%, Nghé lai F1 sinh ra có khả năng sinh trưởng, thích nghi rất tốt với điều kiện chăn nuôi của Thanh Hóa, cho tỷ lệ sinh trưởng cao hơn 15 % khối lượng cơ thể so với giống trâu nội. Giải pháp đã đạt giải nhì toàn quốc tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc VIFOTECK năm 2011. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản suất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại  Thanh Hoá” đã đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị và du nhập trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh trâu đông lạnh, sản phẩm tinh trâu đông lạnh được thí nghiệm phối giống cho đàn trâu cái nội tại huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Kết quả đã tạo được sản phẩm nghé lai F1 sinh ra có ngoại hình mang đặc trưng của giống Murrah, khối lượng tăng cao hơn so với  trâu nội 15%. Từ kết quả có được, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho người dân chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh về công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) bằng tinh trâu cọng rạ giống Murrah, sau 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) áp dụng công nghệ tỷ lệ đàn trâu lai trên địa bàn tỉnh đã đạt 30% (Tổng đàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 180.000 con, trong đó có 54.000 trâu lai).

Với đàn bò lai, kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của bê lai F1 đực BBB x Cái lai Zebtrên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, giai đoạn 2015 – 2018 đã tạo Bò lai F1 BBB được thị trường ưu chuộng, hiệu quả  kinh tế cao hơn giống bò Brahman 25%. Đến nay đã đào tạo nhiều kỹ thuật viên dẫn tinh làm công tác TTNT, tập huấn nhiều đợt cho người dân chăn nuôi bò cái sinh sản kỹ thuật TTNT bằng tinh đông lạnh giống bò đực BBB nhập khẩu. Kết quả bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh (tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh khoảng 204.000 con) trong đó, đặc biệt đã lại tạo được giống bò lai cao sản chiếm 10% ( khoảng 20.000 con) bằng các giống bò thịt như Droughmaster và BBB.

Việc ứng dụng phương pháp TTNT đã và đang giúp nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò nâng cao được tầm vóc con nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Chẳng hạn, gia đình bà Lê Thị Mận, xã Xuân Thành, huyện Thường Xuân cho thấy: trước đây, đàn bò cái của gia đình bà đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình bà đã sử dụng tinh bò Brahman để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối có chửa, gia đình bà kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương. Tại huyện Thiệu Hóa, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Bê lai có chất lượng thịt thơm, ngon, mềm. Để đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tinh trâu, tinh bò ngoại cho các hộ chăn nuôi phối bằng phương pháp TTNT với giống trâu, bò cái địa phương để tạo ra con lai có tầm vóc, năng suất cao. Đồng thời, hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các hộ dân mua bò đực lai F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, trọng lượng đạt từ 280 kg trở lên để phối giống.

Từ những thành công trên, ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4435/QĐ-UBND về việc nhập khẩu bò đực sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh phục vụ chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại đã nhập khẩu bò đực nuôi tân đáo tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Với trang thiết bị hiện đại được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư phục vụ công tác lưu giữ, sản xuất tinh cọng rạ. Dự kiến năm 2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30.000 liều tinh trâu và 200.000 liều tinh bò thịt chất lượng cao và tiếp tục đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh cho cán bộ khuyến nông, thú y trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Một số hình ảnh trâu, bò đực giống và các con lai được lại tạo tại Thanh Hóa

Trâu đực giống Murrah đang được khai thác sản xuất tinh đông lạnh tại Thanh Hóa
Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bò đực giống Brahman được nhập khẩu từ Mỹ hiện đang nuôi dưỡng tại Thanh Hóa

 

 

Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bê lai Brahman ( Cái Zebu x đực Brahman) sinh ra tại Thanh Hóa

 

TS. Nguyễn Đình Hải

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ

Ngày 23/09/2020, Viện nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ.

Đón tiếp đoàn về phía Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn. Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ do ông Tuấn Anh – Viện Trưởng làm trưởng đoàn.


Tại buổi làm việc hai bên đã giới thiệu những thông tin chung về tổ chức, hoạt động và các kết quả nghiên cứu đã đạt được. Bên cạnh đó Viện Nông nghiệp Thanh Hóa và Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ thống nhất hợp tác các vấn đề, bao gồm:

(i) Thực hiện khảo nghiệm, đánh giá một số mô hình về giống mới cây lâm nghiệp (cây keo lai, keo tai tượng, cây bạch đàn);

(ii) Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp như chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô các giống cây lâm nghiệp (keo lai, bạch đàn) phục vụ sản xuất;

(iii) Hợp tác về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống cây lâm nghiệp;

(iv) Hợp tác về tư vấn, quy hoạch cơ sở sản xuất giống, nhân giống phục vụ cho công tác sản xuất giống.

Hai bên thống nhất sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác cho các hoạt động trên.


Một số hình ảnh làm việc giữa Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải đang phát biểu

 

Lê Hương

Phòng Quản lý khoa học, Viện Nông nghiệp

2020-09-28