Thanh Hóa sản xuất thành công Tinh trâu Murrah đông lạnh phục vụ công tác cải tiến nâng cao tầm vóc đàn trâu

Thanh Hoá là tỉnh đã triển khai công tác thụ tinh nhân tạo cho bò từ những năm 1990 thuộc chương trình  cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò. Hiện  nay có 20/27 huỵên thị, thành phố đã triển khai công tác truyền tinh nhân tạo cho  bò,  mỗi huyện có từ 15 – 20 kỹ thuật viên đang làm công tác truyền tinh nhân tạo. Mạng lưới TTNT đươc thực hiện có tổ chức từ tỉnh đến huyện, xã…. Trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo đã được đầu tư tương đối đầy đủ như Bình ni tơ, súng bắn tinh và các dụng cụ chuyên ngành khác.

Năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ƯDKHKT chăn nuôi là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã nghiên cứu ứng dụng phương pháp TTNT và một số giải pháp để phối giống thành công cho trâu cái từ nguồn tinh trâu đực giống Murrah nhập khẩu từ Ấn Độ. Kết quả để phối giống thử nghiệm trên đàn trâu của huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn có tỷ lệ đậu thai từ 35-40%,  đã có sản phẩm là nghé lai F1 giống Murrah ra đời. Nghé sinh ra khoẻ mạnh, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của Thanh Hoá. Từ kết của đó, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo với UBND tỉnh trình cơ chế chính sách hỗ trợ nâng cao tầm vóc đàn trâu trên địa bàn tỉnh như Quyết định 271/QĐ-UBND ngày 21/01/2011 về việc ban hành cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cấm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Theo đó tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua vật tư phối giống, gồm: Tinh, ni tơ, dụng cụ để phối giống; Hỗ trợ tiền công phối giống TTNT nhằm cải tạo nâng cao tầm vóc đàn trâu nội của tỉnh. Từ đó hàng năm, Trung tâm đã nhập khẩu và cung ứng cho các huyện trong tỉnh từ 2500-3000 liều tinh trâu giống Murrah để thực hiện công tác TTNT cho trâu. Tuy nhiên do nguồn tinh trâu Murrah phải nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam qua rất nhiều thủ tục pháp lý của nhà nước nên không chủ động được nguồn tinh gây khó khăn trong việc cung ứng, phục vụ nhu cầu của bà con nuôi trâu trong tỉnh.

Khai thác tinh trâu Murah

Thực hiện Nghị quyết 16 NQ/TU ngày 20/4/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Trung tâm đã xây dựng dự án sản xuất tinh trâu đông lạnh cọng ra trình báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại Thanh Hóa” nhằm phát huy các công năng của Trung tâm đã được tỉnh đầu tư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, mở rộng công tác nghiên cứu sản xuất tinh trâu nhằm thúc đẩy công tác TTNT cho đàn trâu trên địa bàn tỉnh.

Trâu lai F1 Murrah sinh ra tại Bỉm Sơn

Sau 03 năm triển khai thực hiên đề tài, Trung tâm đã nghiên cứu thành công việc huấn luyện, khai thác và sản xuất tinh trâu Murrah đông lạnh dạng cọng dạ. Kết quả đề tài đã Tuyển chọn được 02 trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh dịch. Các trâu đực có tầm vóc, khối lượng lớn đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tất cả các trâu đực đều có phản xạ nhảy giá tốt để khai thác tinh dịch bằng âm đạo giả. Nghiên cứu được 01 môi trường pha loãng tinh dịch để sản xuất tinh đông lạnh dạng cọng rạ của  trâu Murrah đảm bảo chất lượng tốt (hoạt lực tinh trùng sau giải đông ≥40%, tỷ lệ thụ thai ≥50%). Xây dựng được 01 quy trình kỹ thuật sản xuất tinh đông lạnh của trâu đực giống Murrah. Tổng số có 02 trâu đực giống Muraah đủ điều kiện sản xuất tinh đông lạnh dạng cọng rạ, đạt 70% kế hoạch đề ra (02 con) Sản xuất được 10.000 liều tinh đông lạnh dạng cọng rạ trâu Murrah) có chất lượng tốt: hoạt lực tinh trùng sau giải đông đạt 42,96-43,14% và tỷ lệ thụ thai trên đàn trâu cái trung bình đạt 50,77-51,15%. Đào tạo được 05 kỹ thuật viên làm công tác huấn luyện sản xuất tinh trâu. Tâp huấn cho 20 kỹ thuật viên làm công tác TTNT cho trâu. Có 190 trâu cái phối giống có chửa và có 35 nghé lai F1 Murah được sinh ra ( tính đến tháng 6/2021). Khả năng sinh trưởng của nghé lai F1: Khối lượng sơ sinh, 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi bình quân đối với con đực lần lượt đạt là: 29,35kg/con, 80,1kg/con và 120,65kg/con; con cái lần lượt đạt là:28,1kg/con, 76,9Kg/con; 115,15kg/con. So với Nghé nội khả năng sinh trưởng cao và nhanh hơn 15-20%

Từ kết quả sản xuất được tinh trâu đông lạnh dạng cọng rạ đạt chất lượng cao, phục vụ công tác TTNT trâu góp phần cải tạo, nâng cao số lượng và chất lượng đàn trâu Thanh Hóa. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn bởi sản phẩm tinh trâu sản xuất trong nước có chất lượng giống, chất lượng tinh  tương đương với tinh trâu nhập khẩu song giá thành chỉ bằng 1/3 giá tinh nhập khẩu và chủ động được nguồn tinh cho bà con nuôi trâu

Trâu lai F1 Murrah sinh ra tại Bỉm Sơn

Thanh Hóa và các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh có số lượng đàn trâu lớn và đã triển khai tốt công tác phối giống cho trâu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chăn nuôi trâu hiện nay đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, được bà con nhân dân ủng hộ. Trong khi đó việc sản xuất tinh trâu động lạnh để phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo tại Thanh Hóa và các tỉnh lân cận chưa có. Đây là điều kiện để tiêu thụ và thương mại hóa các sản phẩm tạo ra khi dự án được triển khai thực hiện thành công. Đồng thời tạo điều kiện để các địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi trâu chuyên canh sản xuất thịt nhằm phát triển kinh tế chăn nuôi đặc trưng của vùng miền góp phần và thành công chung trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tác giả: Ths. Lê Trần Thái

                                     PGĐ Trung tâm KNVN – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Bài viết liên quan