Dự án: Sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau và hoa theo hướng sản xuất hàng hóa tại một số huyện biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn nước CHDCND Lào”

Mục tiêu

– Chuyển giao, ứng dụng được các quy trình công nghệ sản xuất giống và sản xuất thương phẩm cây rau và hoa trong nhà lưới

– Xây dựng được các mô hình sản xuất:

+ 01 mô hình sản xuất giống hoa: quy mô 1.500m2 trong nhà lưới

+ 01 mô hình sản xuất thương phẩm rau: quy mô 4.000m2 trong nhà lưới

+ 01 mô hình sản xuất thương phẩm hoa: quy mô 2.000m2 trong nhà lưới

– Xây dựng được mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm rau và hoa.

– Xây dựng được các bản hướng dẫn kỹ thuật của các loại rau và hoa phù hợp với điều kiện sản xuất tại các huyện biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn.

– Tập huấn được 8 cán bộ và 200 người dân tại một số huyện biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn thành thạo tay nghề sản xuất giống, thương phẩm rau, hoa trong nhà lưới.

Nội dung:

Điều tra khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình

– Điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của một số huyện biên giới Thanh Hóa – Hủa phăn.

– Chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, phương thức sản xuất rau, hoa tại tỉnh Hủa Phăn

– Xây dựng tiêu chí lựa chọn các thành phần tham gia các mô hình dự án.

– Tổ chức lựa chọn các thành phần đáp ứng các tiêu chí đã xây dựng.

– Xây dựng, ký kết các văn bản với những thành phần tham gia để thực hiện mô hình của dự án.

Chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ nhân giống, sản xuất thương phẩm

Công việc 1: Chuyển giao quy trình công nghệ:

– Quy trình công nghệ nhân giống hoa cúc bằng phương pháp giâm cành

– Quy trình công nghệ nhân giống hoa hồng bằng phương pháp ghép

– Chuyển giao các quy trình công nghệ sản xuất rau, hoa thương phẩm trong nhà lưới:

+ Quy trình kỹ thuật sản xuất cải bẹ theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Quy trình kỹ thuật trồng cà chua ghép trên gốc cà tím theo VietGAP.

+ Quy trình kỹ thuật  sản xuất các loại rau ngắn ngày (cải xanh) theo VietGAP.

+ Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Cúc.

+ Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa hồng.

+ Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Đồng tiền.

Công việc 2: Đào tạo kỹ thuật:

– Số lượng: 08 người. Trong đó; đơn vị Chủ trì dự án 03 người, địa phương nơi triển khai dự án 05 người.

– Nội dung đào tạo:

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cải bẹ theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cà chua ghép trên gốc cà tím theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc rau cải xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật nhân giống hoa Cúc bằng phương pháp giâm cành

+ Kỹ thuật nhân giống hoa Hồng bằng phương pháp ghép

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa Cúc.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa Hồng.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây hoa Đồng tiền

– Thời gian đào tạo: Lý thuyết 04 ngày

– Địa điểm đào tạo: tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa

Công việc 3: Tập huấn kỹ thuật:

– Số lượng: (4 lớp): 200 người

– Nội dung tập huấn:

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cải bẹ theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cà chua ghép trên gốc cà tím theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc rau cải xanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa Cúc.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa Hồng.

+ Kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây hoa Đồng tiền

– Thời gian tập huấn: 4 ngày

– Địa điểm tập huấn: tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa

Xây dựng các mô hình sản xuất

Công việc 1: Chuẩn bị mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị:

– Quy mô sản xuất: 7.500m2

– Đầu tư nhà lưới (bao gồm cả hệ thống điện, hệ thống tưới): 7.500m2

– Địa điểm: tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Công việc 2: Xây dựng mô hình sản xuất giống hoa:

– Quy mô nhà lưới: 1.500m2 (có mái vòm màng nilon, vách lưới chống côn trùng)

– Đối tượng sản xuất: giống hoa Cúc (vàng Đài Loan, vàng hè, chi trắng, chi vàng, vàng pha lê, kim cương), giống hoa Hồng (các giống hoa hồng VR4, VR6, VR8, VR9, các giống trồng chậu)

– Sản xuất được: 540.000 cây giống hoa Cúc (trong đó 112.000 cây phục vụ mô hình sản xuất thương phẩm, số còn lại xuất bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu); 4.800 cây giống hoa Hồng, đạt tiêu chuẩn xuất vườn.

– Tiêu chuẩn cây giống đảm bảo xuất vườn:

+ Giống hoa Cúc: Cây cao 7-9cm, có 3-5 lá, rễ xuất hiện đều quanh thân

+ Giống hoa Hồng: mầm bật dài 2 – 5cm, rễ dài 3 – 4 cm đối với cây giống giâm hom; mầm dài 30 – 40 cm đối với cây giống ghép mắt.

      Công việc 3: Xây dựng mô hình trồng thương phẩm rau:

– Quy mô nhà lưới: 4.000 m2

– Đối tượng sản xuất:

+ Mô hình rau Cải bẹ: Quy mô: 1.000 m2; năng suất 25-30

tấn/ha/vụ; sản lượng: 12,5 – 15 tấn/dự án, đạt chất lượng VietGAP.

+ Mô hình Cà chua ghép trên gốc cà tím: 1.500 m2; năng suất 55-60 tấn/ha/vụ; sản lượng: 16,5- 18,0 tấn/dự án, đạt chất lượng VietGAP.

+ Mô hình sản xuất cải xanh: 1.500 m2; năng suất 18-20 tấn/ha/vụ; sản lượng: 13,5-15,0 tấn/dự án, đạt chất lượng VietGAP.

  Công việc 4: Xây dựng mô hình trồng thương phẩm hoa

   – Quy mô nhà lưới: 2.000m2

   – Đối tượng sản xuất:

   + Hoa cúc: Quy mô: 700 m2; sản lượng: 100.800 cây/dự án, đạt 100.800 cành hoa/dự án

   + Hoa hồng: Quy mô: 800 m2; sản lượng 4.000 cây/dự án, đạt: 40.000 cành hoa/dự án.

   + Hoa đồng tiền: Quy mô: 500 m2; sản lượng 4.800 cây/dự án, đạt 48.000 cành hoa/dự án.

* Theo dõi, thu thập, xử lý số liệu trong quá trình áp dụng quy trình sản xuất, để từ đó đánh giá hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường của từng mô hình và rút kinh nghiệm, ổn định quy trình.

* Tổ chức các hội nghị, hội thảo đầu bờ, tổ chức tham quan, học tập tại mô hình, đánh giá kết quả và xác định hướng phát triển các giống hoa, giống rau: quy mô, đối tượng, thời vụ; hiệu quả kinh tế của các giống và các phương pháp kỹ thuật nhằm rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình cho những năm sau.

* Quy mô, thời gian, địa điểm, sản phẩm dự án

   Quy mô:

– Mô hình sản xuất giống hoa: quy mô 1.500m2 trong nhà lưới;

 – Mô hình sản xuất thương phẩm rau: quy mô 4.000m2 trong nhà lưới

 – Mô hình sản xuất thương phẩm hoa: quy mô 2.000m2 trong nhà lưới.

Thời gian thực hiện: 24 tháng (Từ tháng 9/2022 – 9/2024)

Địa điểm triển khai:

Địa điểm 1: Thị Trấn Thường Xuân huyện Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa

Địa điểm 2: Xã Đồng Lương huyện Lang Chánh tỉnh Thanh hóa

Tổng kinh phí:   Số tiền:4.320.530.000 đồng  (Trong đó: NS SNKH: 1.131.340.000đ; Kinh phí khoán: 704.800.000đồng; Kinh phí không giao khoán: 426.540.000 đồng; Tự có: 3.189.190.000Đ)

Kinh phí cấp lần 1: 452.000.000 đồng

Sản phẩm :

– Báo cáo điều tra khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình.

– Mô hình sản xuất giống hoa: quy mô 1.500m2 trong nhà lưới, Sản lượng:

+ Giống hoa Cúc: 540.000 cây/dự án, tiêu chuẩn xuất vườn: Cây cao 7 – 9cm, có 3 – 5 lá, rễ xuất hiện đều quanh thân;

+ Giống hoa Hồng: 4.800 cây/dự án, tiêu chuẩn xuất vườn: mầm bật dài 2 – 5cm, rễ dài 3 – 4 cm đối với cây giống giâm hom; mầm dài 30 – 40 cm đối với cây giống ghép mắt.

– Mô hình sản xuất thương phẩm rau: quy mô 4.000m2 trong nhà lưới, các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng:

+ Rau cải bẹ: năng suất 25-30 tấn/ha/vụ; sản lượng: 12,5 – 15 tấn/dự án;

+ Cà chua ghép trên gốc cà tím: năng suất 55-60 tấn/ha/vụ; sản lượng: 16,5- 18,0 tấn/dự án;

+ Rau cải xanh: năng suất 18-20 tấn/ha/vụ; sản lượng: 13,5-15,0 tấn/dự án. Các loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.

– Mô hình sản xuất thương phẩm hoa: quy mô 2.000m2 trong nhà lưới, sản lượng:

+ Hoa Hồng: số lượng 4.000 cây/dự án: Cây khỏe không bị sâu bệnh, đạt sản lượng: 40.000 cành hoa/dự án; Tiêu chuẩn xuất vườn: Chiều dài cành: 60 – 80cm; Đường kính bông: 2,5 – 3,0cm.

+ Hoa Cúc: số lượng: 100.800 cây/dự án: Cây khỏe không bị sâu bệnh, đạt sản lượng 100.800 cành hoa/dự án; Tiêu chuẩn xuất vườn: Chiều dài cành: 60 – 80cm; Đường kính bông: 10 – 13cm;

+ Hoa Đồng tiền: số lượng 4.800 cây/dự án: Cây khỏe không bị sâu bệnh, đạt sản lượng: 48.000 cành hoa/dự án Tiêu chuẩn xuất vườn: Chiều dài cành: 30 – 40 cm; Đường kính bông: 7- 10 cm

– Các bản hướng dẫn kỹ thuật của các loại rau và hoa phù hợp với điều kiện sản xuất tại một số huyện biên giới Thanh Hóa-Hủa Phăn:

+ Kỹ thuật sản xuất giống hoa Hồng trong nhà lưới.

+ Kỹ thuật sản xuất giống hoa Cúc trong nhà lưới;

+ Kỹ thuật trồng thương phẩm rau trong nhà lưới: Cải bẹ, cà chua ghép trên gốc cà tím, cải xanh.

+ Kỹ thuật trồng thương phẩm hoa trong nhà lưới: hoa Hồng, hoa Cúc, hoa Đồng tiền.

– 8 cán bộ kỹ thuật và 200 người dân biên giới Thanh Hóa -Hủa Phăn được tập huấn thành thạo tay nghề sản xuất giống và trồng rau, hoa thương phẩm trong nhà lưới.

– Báo cáo xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm rau và hoa.

– Báo cáo phương án sử dụng kết quả và nhận rộng các mô hình của dự án được cơ quan đề xuất đặt hàng (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, UBND huyện Lang Chánh) đồng ý tiếp nhận.

– Báo cáo tổng kết dự án.


MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA DỰ ÁN

KS. Lê Thị Mai
Phó TP. Phân tích và Thí nghiệm

HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI SẢN PHẨM OCOP XỨ THANH QUA HỘI CHỢ TRIỂN LÃM NÔNG NGHIỆP QUỐC TẾ LẦN THỨ 22 AGROVIET 2022

Thanh Hóa sau 4 năm triển khai, thực hiện chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tiếp tục tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của Tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Đến tháng 8/2022, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sẩn phẩm 3 sao của 158 chủ thể thuộc 139 xã, phường ở 27 huyện, thị xã, thành phố. Chương trình không chỉ giúp bà con nâng cao giá trị thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, sản phẩm OCOP chưa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, các chủ thể còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của các chủ thể còn manh mún, chủ yếu qua các kênh truyền thống, chưa thu hút, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng. Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm địa phương ngày càng tăng cao bởi các đặc tính “bản sắc địa phương”, “tự nhiên”, “lành mạnh” và “đáng tin cậy”, “mắt thấy tai nghe”,… thì hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ triển lãm chính là một giải pháp hiệu quả, mang ý nghĩa khuếch trương, quảng cáo cho các chủ thể, đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng của Hội Chợ triển Lãm Nông Nghiệp Quốc tế lần thứ 22 AgroViet 2022, Trung tâm tư vấn quy hoạch, thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp đưa sản phẩm OCOP xứ Thanh để tham gia trưng bày tại hội chợ.

Để hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP qua chương trình hội chợ đạt kết quả, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác hội chợ, điển hình một sốt công việc trọng tâm như: Tư vấn các Doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao chuẩn bị các sản phẩm, tờ rơi, card visit để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm; trao đổi để các chủ thể hiểu rõ tầm quan trọng việc đưa các sản phẩm OCOP tham gia triển lãm hội chợ, tại hội chợ, chủ thể có thể thực hiện các hoạt động truyền thông như giới thiệu về quy trình sản xuất sản phẩm hay chia sẻ những câu chuyện văn hóa gắn với sản phẩm tới khách hàng.

Hình ảnh tại lễ Khai mạc Hội Chợ triển Lãm Nông Nghiệp Quốc tế lần thứ 22 AgroViet 2022

Sau một thời gian chuẩn bị, Trung tâm đã đem đến hội chợ để trưng bày, giới thiệu và bán 64 chủng loại với 850 sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao. Trong đó nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể như: nước mắm, moi khô Cự Nham – Quảng Nham; nấm bào ngư xám, linh chi đỏ, miến dong riềng Yên Lạc – Như Thanh; các loại trà xanh túi lọc, trà cà gai leo – Triệu Sơn; rượu Sâm Báo – Vĩnh Lộc, bánh gai – Thọ Xuân, Yến sào Xứ Thanh, … Tại Hội chợ Agroviet 2022 có quy mô gần 200 gian hàng đến từ các địa phương trên cả nước, có 29 Doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước Úc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, New Zealand,…

 Một số hình ảnh tại gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP Thanh Hóa của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Trong 4 ngày diễn ra hội chợ, gian hàng đã thu hút trên 1000 lượt người đến tham quan và mua sắm. Đa số khách hàng khi dùng thử sản phẩm đều đánh giá sản phẩm OCOP của Thanh Hóa không chỉ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mà hình thức, mẫu mã phong phú, đẹp; chất lượng đảm bảo, mỗi loại đều có hương vị đặc trưng riêng. Hội Chợ triển Lãm Nông Nghiệp Quốc tế lần thứ 22 AgroViet 2022 là cầu nối hiệu quả và là kênh xúc tiến thương mại quan trọng cho các sản phẩm có chất lượng từ khu vực kinh tế nông thôn, tạo cơ hội cho các tỉnh giao lưu, quảng bá tiềm năng kinh tế, dịch vụ của mình; mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất, cung cấp được tiếp cận và nắm bắt thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng, đồng thời thiết lập kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người dân. Khẳng định chất lượng đặc biệt riêng có ở các sản phẩm đặc sản đặc trưng của từng vùng, miền và phát triển theo hướng bền vững, từng bước tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Giá trị các sản phẩm nông nghiệp không ngừng gia tăng qua những lần tham gia Hội chợ, là động lực để các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp OCOP, HTX trong và ngoài tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển nhanh về quy mô, số lượng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín gắn với vai trò của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vừa và nhỏ. Góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh của các chủ thể, hướng đến xây dựng OCOP Thanh Hóa trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế.

Thông qua sự kiện xúc tiến thương mại tại Hội Chợ triển Lãm Nông Nghiệp Quốc tế lần thứ 22 AgroViet 2022 tạo ra một sân chơi rất hiệu quả để các sản phẩm truyền thống, nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa hội nhập với các sản phẩm trong nước và khu vực; các sản phẩm OCOP Thanh Hóa được quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ; từ đó không ngừng nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm và sẵn sàng tham gia vào thị trường tiêu dùng trên cả nước và Quốc tế.

Nguyễn Yến
Trạm Kết nối Cung cầu
Trung tâm TVQHTT&CLPTNN

Làm chủ Công nghệ sản xuất, chế biến Đông trùng hạ thảo, một số công nghệ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật

Xuất phát từ thực nhiệm nhiệm vụ cấp tỉnh về dự án thử nghiệm, sản xuất: “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm nấm đông trùng hạ thảo tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 2017-2019”, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm chủ được công nghệ sản xuất giống và thương phẩm Đông trùng hạ thảo. Qua đó hàng năm cung cấp ra thị trường mỗi năm vài chục nghìn hộp sản phẩm đông trùng hạ thảo. Đây là loại nuôi cấy nhân tạo, được tạo nên dựa trên công nghệ sinh học. Nấm Ophiocordyceps sinensis sẽ được nuôi cấy trên cơ thể ấu trùng hoặc trên cơ chất khác như gạo lứt, đậu xanh, ngô,…Chất lượng của sản phẩm nhân tạo cũng rất sát với loại tự nhiên.

Đông trùng hạ thảo được coi là linh dược của thiên nhiên, mùa đông, nấm Ophiocordyceps sinensis phát triển mạnh và sẽ ký sinh vào cơ thể ấu trùng qua đường ăn hoặc lỗ thở. Sau đó chúng bắt đầu ăn sâu, xâm chiếm hết các mô của vật chủ và hút hết chất dinh dưỡng. Ấu trùng cũng vì vậy mà dần dần chết đi. Mùa hè, loại nấm này bắt đầu mọc ra từ cơ thể của ấu trùng. Nó phát triển và vươn nhánh, có màu vàng nâu và trở thành một loại dược liệu quý giá. Với các loại được khai thác tự nhiên, người ta sử dụng cả phần thân ấu trùng và nhánh cây để làm thuốc. Chính quá trình hình thành này cũng là sự giải thích cho ý nghĩa cái tên của nó: “Đông trùng” chính là ấu trùng vào mùa đông, còn “hạ thảo” là loại cây phát triển vào mùa hè.

Sản phầm Đông trùng hạ thảo tại hội nghị đánh giá năng lực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản năm 2020       

Nấm đông trùng hạ thảo được biết đến như một loại dược liệu, có giá trị rất quý trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh như:

  1. Giúp giảm cholesterol trong máu: Với khả năng này, đông trùng hạ thảo sẽ giúp ngăn ngừa và khắc phục các bệnh như béo phì, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch,…
  2. Ngoài ra, nó còn thúc đẩy khả năng lưu thông máu toàn cơ thể, ổn định đường huyết: Loại thảo dược này là giải pháp rất tốt để cân bằng lượng đường trong máu và ổn định huyết áp. Vì thế nên đây cũng là phương thuốc rất tốt dành cho người bị tiểu đường;
  3. Cải thiện chức năng thận: Một trong những tác dụng của đông trùng hạ thảo là giải độc, bổ sung thận khí. Từ đó giúp tăng cường chức năng thận, giảm tiểu đêm, ngăn ngừa và đẩy lùi bệnh sỏi thận, suy thận;
  4. Cải thiện sinh lý nam: Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, vị thuốc có nguồn gốc từ ấu trùng và nấm này có thể hỗ trợ khắc phục các chứng: Xuất tinh sớm, tinh trùng loãng, rối loạn cương dương, giảm ham muốn ở nam giới;
  5. Cải thiện hệ hô hấp: Khoa học đã chứng minh loại dược liệu này có tác dụng cải thiện bệnh hen suyễn, viêm phế quản. Đồng thời nó còn giúp làm sạch phổi và phục hồi các tế bào nang phổi bị hư hỏng do hút thuốc thường xuyên;
  6. Đẩy lùi bệnh tim mạch: Nhờ khả năng ổn định nhịp tim và tăng cường chức năng tim mạch, dược liệu này rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch, đột quỵ, viêm cơ tim. Đây chính là một vị thuốc giúp bạn có trái tim khỏe mạnh;
  7. Ngăn ngừa ung thư: Với người khỏe mạnh, việc sử dụng vị thuốc này được cho là sẽ giúp làm giảm tối đa nguy cơ ung thư. Còn với những người đang điều trị ung thư, vị thuốc này sẽ giúp thu nhỏ kích thước khối u và ngăn chặn quá trình phát triển của tế bào ung thư;
  8. Đẩy nhanh quá trình phục hồi: Với những người có sức khỏe kém hoặc đang điều trị bệnh, dùng dược liệu này sẽ giúp cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn, tăng cường sức chống chọi với bệnh tật, từ đó có thể nhanh chóng bình phục. Ngoài ra, còn hỗ trợ cân bằng nội tiết, đẩy lùi lão hóa.
    Đông trùng hạ thảo Viện Nông nghiệp

    Rượu Đông trùng hạ thảo

Hiện nay, Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo.Tuy nhiện, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang chủ động sản xuất, phân lập và nhân giống bằng phương pháp ưu việt của bộ môn công nghệ sinh học, lựa chọn cá thể trội, phân lập, nhân giống theo quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt sử dụng giá thể hữ cơ để sản xuất sản phẩm, giá trị về chất lượng luôn được đội ngũ cán bội của Viện Nông nghiệp coi trọng và là tiêu chí số 1 của việc tạo ra sản phẩm. Vì vậy, giá trị dinh dưỡng luôn ổn định, là dược liệu quí để đưa đến tay người tiêu dùng thông minh, nên giá thành đắt hơn so với một số cơ sở sản xuất tùy tiện, kiểm soát chất lượng sơ xài.

Hiện tại, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa áp dụng sản xuất Đông trùng hạ thảo theo quy trình nuôi trên giá thể tổng hợp và trên giá thể nhộng tằm với nguyên liệu đầu vào hoàn toàn là nguồn hữu cơ tự nhiên, được kiểm soát chặt chẽ; quá trình sản xuất sử dụng thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại, không hóa chất, không chất bảo quản. Do đó, sản phẩm Đông trùng hạ thảo do Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất luôn bảo đảm giá trị, đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ pháp lý về vệ sinh an toàn thực phẩm, tem nhãn theo quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, được Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia – Bộ Y tế kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm.

Qua phân tích cho thấy đây là loài có giá trị dược liệu cao, hoạt chất Cordycepin trong Cordyceps militaris cao hơn so với Cordyceps sinensis. Cordycepin được chứng minh là có khả năng kháng ung thư, kháng oxy hóa, kháng viêm, tăng cường hoạt động hệ miễn dịch, gan, thận, ác bệnh liên quan đến thận, hệ miễn dịch, điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường, các bệnh liên quan đến tim, gan, chống mệt mỏi, ứng dụng trong điều trị HIV/AIDS.v.v… Đặc biệt đối với nam giới yếu sinh lý, liệt dương, suy giảm ham muốn.… (Tuli và ctv. 2014).

Đông trùng hạ thảo khô sấy thăng hoa
trà đông trùng hạ thảo

Việc đẩy mạnh sản xuất đông trùng hạ thảo thương phẩm, một mặt sẽ đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu tiêu dùng và chữa trị cho người dân trong tỉnh và cả nước; mặt khác góp phần thúc đẩy ngành nuôi trồng dược liệu phát triển, tạo thêm cơ hội mới về sản phẩm vốn đang được ưa chuộng trên thị trường.

Cách sử dụng đông trùng hạ thảo được nhiều người ưa thích đó là:

+ Ngâm rượu: Ngâm 20-100g tươi đông trùng hạ thảo/ 01 lít rượu. Có nồng độ cồn từ 33 độ đến 40 độ; trong vòng 03 tháng là sử dụng. (Có thể kết hợp ngâm rượu cùng cao ban long, nhung hươu thái lát, cá ngựa, nhân sâm tươi, kỷ tử, sao biển… để mang đến hiệu quả cao);

+ Hãm trà: Dùng 05 con (sợi)/01 lít nước sôi trong khoảng 10 phút để dùng thay trà các loại hằng ngày, (khuyến khích uống trà khi nước còn ấm, hoặc nóng, có thể ngâm cùng mật ong…)

+ Cho vào bát cháo, bát mỳ tôm, bát phở, bát súp, bát canh…: Dùng 05 con (sợi)/01 bát trong khoảng 10 phút trộn đều trước ăn (khuyến khích nên dùng khi còn ấm, hoặc nóng).

Phạm Thị Lý

TP. Phòng Phân tích và Thí nghiệm

Trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho năng suất cao tại Viện Nông nghiệp

Bắt đầu từ tháng 2/2021 , Phòng Phân tích và Thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu công nghệ cao ngay tại nhà lưới của trụ sở Viện.

Giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có nguồn gốc từ Thái Lan được Phòng Phân tích và Thí nghiệm trồng thử nghiệm bằng phương pháp hữu cơ ở điều kiện nhà lưới. Qua quá trình khảo nghiệm cho thấy giống dưa sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh nhà lưới trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu của Viện Nông nghiệp

Thông thường, thời gian sinh trưởng của dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ dao động từ 75 – 80 ngày, nhưng nếu do tình hình thời tiết khắc nghiệt sẽ kéo dài tới 90 ngày. Do dưa phản ứng rất mạnh với ánh sáng nên với cường độ ánh sáng yếu, cây dưa sẽ sinh trưởng chậm. Ngoài ra, dưa còn ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, nếu trong điều kiện thời tiết cực lạnh sẽ gây bất lợi lớn cho việc sinh trưởng, phát triển của dưa.

Chăm sóc dưa lê Kim Hoàng Hậu
Khi trồng trong nhà lưới, giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có thể đậu trái đến 98%, có thể điều tiết được dinh dưỡng đầu vào để cho mật độ, cân nặng, cũng như hàm lượng đường của quả theo nhu cầu của thị trường. Đây chính là yếu tố sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh đang hướng tới.
Thời gian trồng dưa thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến khoảng đầu tháng 9 hàng năm. Do đó, mỗi năm có thể trồng từ 3 – 4 vụ dưa liên tục. Thu nhập đối với 500m2 dưa khoảng 25 – 30 triệu đồng/vụ, trung bình mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng/500m2.
Dưa lê Kim Hoàng Hậu khi chín
Dưa Kim Hoàng Hậu là một loại dưa vỏ có màu vàng tươi hoặc nhạt, Khi dưa kim hoàng hậu mới cắt thì màu của vỏ dưa còn vàng nhạt để lâu thì chuyển sang màu vàng sậm hơn. Kích cỡ của một trái dưa kim hoàng hậu thường không to bằng dưa hấu hay như một số loại dưa khác. Trung bình mỗi trái nặng tầm 1 cân đến 1,5 cân mà thôi. Dưa vàng Kim Hoàng Hậu có hình oval, vỏ thuộc loại trơn, nhẵn, ít khi bị rạn sần. Dưa Hoàng Hậu được người tiêu dùng đánh giá ngọt hơn dưa hấu đỏ và dưa lê Hoàng kim. Hiện tại dưa Kim Hoàng Hậu được gieo trồng ở rất nhiều tỉnh thành và đều theo tiêu chuẩn của VietGap.

Giống như những loại hoa quả giàu giá trị dinh dưỡng khác, dưa Kim Hoàng Hậu cũng mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của chúng ta, cùng tìm hiểu xem đó là những tác dụng gì nhé!

  • Do bên trong dưa Kim Hoàng Hậu chất lycopene – chất có vai trò chống oxy hóa có chứa rất nhiều trong đó, nên dưa Kim Hoàng Hậu có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa các bệnh về ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.
  • Chất arginine có chứa trong dưa Kim Hoàng Hậu giúp cho làm giảm lượng glucose có trong máu, giúp ích cho những người bị bệnh tiểu đường và những người mắc bệnh tim.
  • Lượng vitamin A dồi dào có trong dưa lê Hoàng Hậu giúp cho mắt bạn sẽ dáng và tốt hơn, giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng.
  • Vitamin C có trong dưa lê Kim Hoàng Hậu giúp cho các vết thương được làm lành nhanh chóng, tăng cường được hệ miễn dịch.
  • Lượng chất xơ có trong dưa Hoàng Hậu giúp ích cho việc ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như lão hóa xương. Đồng thời giúp cho tình trạng táo bón được cải thiện.
  • Chất beta- carotene có trong dưa hoàng hậu giúp cho ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính khi được kết hợp với vitamin C có trong nó.
  • Giúp điều hòa huyết áp nhờ vào lượng Kali có trong dưa hoàng hậu.
  • Tốt cho phụ nữ mang thai, và thai nhi
  • Nạp năng lượng cho ngày hè
  • Tốt cho làn da, giúp da được tươi sáng hơn nhờ lượng vitamin có trong dưa kim hoàng hậu.
Hiện tại, Phòng Phân tích và Thí nghiệm đang tích cực hoàn tất các bước để nghiệm thu, từng bước đưa giống, kĩ thuật trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, nếu chủ động được sản lượng, mẫu mã và đảm bảo an toàn sinh học thì giống dưa lê này sẽ có đầu ra ổn định, với giá bán cao hơn các loại dưa lê thông thường.
Trần Anh Đức

Ứng dụng KHCN trong thụ tinh nhân tạo để cải tạo nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò

Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn trâu, bò đã và đang giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20-30%. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp tăng nhanh đàn trâu, bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (nay là Trung tâm Khảo Nghiệm và Dịch vụ vật Nuôi trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã nghiên cứu sáng tạo giải pháp "Sử dụng công nghệ lai tạo và một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa". Thực hiện giải pháp đã cho tỷ lệ đậu thai đạt 50%, Nghé lai F1 sinh ra có khả năng sinh trưởng, thích nghi rất tốt với điều kiện chăn nuôi của Thanh Hóa, cho tỷ lệ sinh trưởng cao hơn 15 % khối lượng cơ thể so với giống trâu nội. Giải pháp đã đạt giải nhì toàn quốc tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc VIFOTECK năm 2011. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản suất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại  Thanh Hoá” đã đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị và du nhập trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh trâu đông lạnh, sản phẩm tinh trâu đông lạnh được thí nghiệm phối giống cho đàn trâu cái nội tại huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Kết quả đã tạo được sản phẩm nghé lai F1 sinh ra có ngoại hình mang đặc trưng của giống Murrah, khối lượng tăng cao hơn so với  trâu nội 15%. Từ kết quả có được, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho người dân chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh về công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) bằng tinh trâu cọng rạ giống Murrah, sau 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) áp dụng công nghệ tỷ lệ đàn trâu lai trên địa bàn tỉnh đã đạt 30% (Tổng đàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 180.000 con, trong đó có 54.000 trâu lai).

Với đàn bò lai, kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của bê lai F1 đực BBB x Cái lai Zebtrên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, giai đoạn 2015 – 2018 đã tạo Bò lai F1 BBB được thị trường ưu chuộng, hiệu quả  kinh tế cao hơn giống bò Brahman 25%. Đến nay đã đào tạo nhiều kỹ thuật viên dẫn tinh làm công tác TTNT, tập huấn nhiều đợt cho người dân chăn nuôi bò cái sinh sản kỹ thuật TTNT bằng tinh đông lạnh giống bò đực BBB nhập khẩu. Kết quả bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh (tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh khoảng 204.000 con) trong đó, đặc biệt đã lại tạo được giống bò lai cao sản chiếm 10% ( khoảng 20.000 con) bằng các giống bò thịt như Droughmaster và BBB.

Việc ứng dụng phương pháp TTNT đã và đang giúp nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò nâng cao được tầm vóc con nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Chẳng hạn, gia đình bà Lê Thị Mận, xã Xuân Thành, huyện Thường Xuân cho thấy: trước đây, đàn bò cái của gia đình bà đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình bà đã sử dụng tinh bò Brahman để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối có chửa, gia đình bà kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương. Tại huyện Thiệu Hóa, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Bê lai có chất lượng thịt thơm, ngon, mềm. Để đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tinh trâu, tinh bò ngoại cho các hộ chăn nuôi phối bằng phương pháp TTNT với giống trâu, bò cái địa phương để tạo ra con lai có tầm vóc, năng suất cao. Đồng thời, hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các hộ dân mua bò đực lai F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, trọng lượng đạt từ 280 kg trở lên để phối giống.

Từ những thành công trên, ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4435/QĐ-UBND về việc nhập khẩu bò đực sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh phục vụ chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại đã nhập khẩu bò đực nuôi tân đáo tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Với trang thiết bị hiện đại được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư phục vụ công tác lưu giữ, sản xuất tinh cọng rạ. Dự kiến năm 2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30.000 liều tinh trâu và 200.000 liều tinh bò thịt chất lượng cao và tiếp tục đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh cho cán bộ khuyến nông, thú y trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Một số hình ảnh trâu, bò đực giống và các con lai được lại tạo tại Thanh Hóa

Trâu đực giống Murrah đang được khai thác sản xuất tinh đông lạnh tại Thanh Hóa
Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bò đực giống Brahman được nhập khẩu từ Mỹ hiện đang nuôi dưỡng tại Thanh Hóa

 

 

Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bê lai Brahman ( Cái Zebu x đực Brahman) sinh ra tại Thanh Hóa

 

TS. Nguyễn Đình Hải

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa