Ứng dụng KHCN trong thụ tinh nhân tạo để cải tạo nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò

Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn trâu, bò đã và đang giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20-30%. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp tăng nhanh đàn trâu, bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (nay là Trung tâm Khảo Nghiệm và Dịch vụ vật Nuôi trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã nghiên cứu sáng tạo giải pháp "Sử dụng công nghệ lai tạo và một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa". Thực hiện giải pháp đã cho tỷ lệ đậu thai đạt 50%, Nghé lai F1 sinh ra có khả năng sinh trưởng, thích nghi rất tốt với điều kiện chăn nuôi của Thanh Hóa, cho tỷ lệ sinh trưởng cao hơn 15 % khối lượng cơ thể so với giống trâu nội. Giải pháp đã đạt giải nhì toàn quốc tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc VIFOTECK năm 2011. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản suất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại  Thanh Hoá” đã đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị và du nhập trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh trâu đông lạnh, sản phẩm tinh trâu đông lạnh được thí nghiệm phối giống cho đàn trâu cái nội tại huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Kết quả đã tạo được sản phẩm nghé lai F1 sinh ra có ngoại hình mang đặc trưng của giống Murrah, khối lượng tăng cao hơn so với  trâu nội 15%. Từ kết quả có được, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho người dân chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh về công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) bằng tinh trâu cọng rạ giống Murrah, sau 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) áp dụng công nghệ tỷ lệ đàn trâu lai trên địa bàn tỉnh đã đạt 30% (Tổng đàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 180.000 con, trong đó có 54.000 trâu lai).

Với đàn bò lai, kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của bê lai F1 đực BBB x Cái lai Zebtrên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, giai đoạn 2015 – 2018 đã tạo Bò lai F1 BBB được thị trường ưu chuộng, hiệu quả  kinh tế cao hơn giống bò Brahman 25%. Đến nay đã đào tạo nhiều kỹ thuật viên dẫn tinh làm công tác TTNT, tập huấn nhiều đợt cho người dân chăn nuôi bò cái sinh sản kỹ thuật TTNT bằng tinh đông lạnh giống bò đực BBB nhập khẩu. Kết quả bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh (tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh khoảng 204.000 con) trong đó, đặc biệt đã lại tạo được giống bò lai cao sản chiếm 10% ( khoảng 20.000 con) bằng các giống bò thịt như Droughmaster và BBB.

Việc ứng dụng phương pháp TTNT đã và đang giúp nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò nâng cao được tầm vóc con nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Chẳng hạn, gia đình bà Lê Thị Mận, xã Xuân Thành, huyện Thường Xuân cho thấy: trước đây, đàn bò cái của gia đình bà đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình bà đã sử dụng tinh bò Brahman để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối có chửa, gia đình bà kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương. Tại huyện Thiệu Hóa, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Bê lai có chất lượng thịt thơm, ngon, mềm. Để đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tinh trâu, tinh bò ngoại cho các hộ chăn nuôi phối bằng phương pháp TTNT với giống trâu, bò cái địa phương để tạo ra con lai có tầm vóc, năng suất cao. Đồng thời, hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các hộ dân mua bò đực lai F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, trọng lượng đạt từ 280 kg trở lên để phối giống.

Từ những thành công trên, ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4435/QĐ-UBND về việc nhập khẩu bò đực sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh phục vụ chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại đã nhập khẩu bò đực nuôi tân đáo tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Với trang thiết bị hiện đại được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư phục vụ công tác lưu giữ, sản xuất tinh cọng rạ. Dự kiến năm 2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30.000 liều tinh trâu và 200.000 liều tinh bò thịt chất lượng cao và tiếp tục đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh cho cán bộ khuyến nông, thú y trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Một số hình ảnh trâu, bò đực giống và các con lai được lại tạo tại Thanh Hóa

Trâu đực giống Murrah đang được khai thác sản xuất tinh đông lạnh tại Thanh Hóa
Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bò đực giống Brahman được nhập khẩu từ Mỹ hiện đang nuôi dưỡng tại Thanh Hóa

 

 

Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bê lai Brahman ( Cái Zebu x đực Brahman) sinh ra tại Thanh Hóa

 

TS. Nguyễn Đình Hải

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Bài viết liên quan