Hàng loạt giải pháp tiêu thụ nông sản trong mùa dịch của Bộ NN-PTNT

Nông dân Bắc Giang sơ chế vải thiều trước khi đem bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Nông dân Bắc Giang sơ chế vải thiều trước khi đem bán. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản (đặc biệt những địa phương có những nông sản đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch), Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương chuẩn bị vào vụ thu hoạch nông sản (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít…), bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid- 19.

Từ đó, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương triển khai kế hoạch tiêu thụ tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên…

Đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee,… chủ động tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều.

Với thị trường quốc tế, các đơn vị của Bộ đã đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU,… tháo gỡ khó khăn, phòng vệ thương mại tại thị trường trọng điểm  như Mỹ, Trung Quốc.

Cụ thể, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện đầu tư các dự án lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản. Ngoài ra, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030. Tổ chức công bố trình độ và năng lực công nghệ chế biến một số ngành hàng nông sản.

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, Bộ NN-PTNT tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ chỉ đạo điều hành của Bộ, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.

Chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ các các địa phương, ngành hàng triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay.

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ chuẩn bị tổ chức các Hội thảo, diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Tổ chức phối hợp với Bộ Công Thương triển khai phương án điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) năm 2021 theo cam kết quốc tế trong WTO.

Nguồn: Báo Nông nghiệp

Trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho năng suất cao tại Viện Nông nghiệp

Bắt đầu từ tháng 2/2021 , Phòng Phân tích và Thí nghiệm thuộc Viện Nông nghiệp đã triển khai mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu công nghệ cao ngay tại nhà lưới của trụ sở Viện.

Giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có nguồn gốc từ Thái Lan được Phòng Phân tích và Thí nghiệm trồng thử nghiệm bằng phương pháp hữu cơ ở điều kiện nhà lưới. Qua quá trình khảo nghiệm cho thấy giống dưa sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết của tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh nhà lưới trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu của Viện Nông nghiệp

Thông thường, thời gian sinh trưởng của dưa Kim Hoàng Hậu và dưa lê hữu cơ dao động từ 75 – 80 ngày, nhưng nếu do tình hình thời tiết khắc nghiệt sẽ kéo dài tới 90 ngày. Do dưa phản ứng rất mạnh với ánh sáng nên với cường độ ánh sáng yếu, cây dưa sẽ sinh trưởng chậm. Ngoài ra, dưa còn ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, nếu trong điều kiện thời tiết cực lạnh sẽ gây bất lợi lớn cho việc sinh trưởng, phát triển của dưa.

Chăm sóc dưa lê Kim Hoàng Hậu
Khi trồng trong nhà lưới, giống dưa lê Kim Hoàng Hậu có thể đậu trái đến 98%, có thể điều tiết được dinh dưỡng đầu vào để cho mật độ, cân nặng, cũng như hàm lượng đường của quả theo nhu cầu của thị trường. Đây chính là yếu tố sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh đang hướng tới.
Thời gian trồng dưa thường kéo dài từ cuối tháng 2 đến khoảng đầu tháng 9 hàng năm. Do đó, mỗi năm có thể trồng từ 3 – 4 vụ dưa liên tục. Thu nhập đối với 500m2 dưa khoảng 25 – 30 triệu đồng/vụ, trung bình mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng/500m2.
Dưa lê Kim Hoàng Hậu khi chín
Dưa Kim Hoàng Hậu là một loại dưa vỏ có màu vàng tươi hoặc nhạt, Khi dưa kim hoàng hậu mới cắt thì màu của vỏ dưa còn vàng nhạt để lâu thì chuyển sang màu vàng sậm hơn. Kích cỡ của một trái dưa kim hoàng hậu thường không to bằng dưa hấu hay như một số loại dưa khác. Trung bình mỗi trái nặng tầm 1 cân đến 1,5 cân mà thôi. Dưa vàng Kim Hoàng Hậu có hình oval, vỏ thuộc loại trơn, nhẵn, ít khi bị rạn sần. Dưa Hoàng Hậu được người tiêu dùng đánh giá ngọt hơn dưa hấu đỏ và dưa lê Hoàng kim. Hiện tại dưa Kim Hoàng Hậu được gieo trồng ở rất nhiều tỉnh thành và đều theo tiêu chuẩn của VietGap.

Giống như những loại hoa quả giàu giá trị dinh dưỡng khác, dưa Kim Hoàng Hậu cũng mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe của chúng ta, cùng tìm hiểu xem đó là những tác dụng gì nhé!

  • Do bên trong dưa Kim Hoàng Hậu chất lycopene – chất có vai trò chống oxy hóa có chứa rất nhiều trong đó, nên dưa Kim Hoàng Hậu có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa các bệnh về ung thư, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.
  • Chất arginine có chứa trong dưa Kim Hoàng Hậu giúp cho làm giảm lượng glucose có trong máu, giúp ích cho những người bị bệnh tiểu đường và những người mắc bệnh tim.
  • Lượng vitamin A dồi dào có trong dưa lê Hoàng Hậu giúp cho mắt bạn sẽ dáng và tốt hơn, giúp ngăn ngừa tình trạng thoái hóa điểm vàng.
  • Vitamin C có trong dưa lê Kim Hoàng Hậu giúp cho các vết thương được làm lành nhanh chóng, tăng cường được hệ miễn dịch.
  • Lượng chất xơ có trong dưa Hoàng Hậu giúp ích cho việc ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như lão hóa xương. Đồng thời giúp cho tình trạng táo bón được cải thiện.
  • Chất beta- carotene có trong dưa hoàng hậu giúp cho ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính khi được kết hợp với vitamin C có trong nó.
  • Giúp điều hòa huyết áp nhờ vào lượng Kali có trong dưa hoàng hậu.
  • Tốt cho phụ nữ mang thai, và thai nhi
  • Nạp năng lượng cho ngày hè
  • Tốt cho làn da, giúp da được tươi sáng hơn nhờ lượng vitamin có trong dưa kim hoàng hậu.
Hiện tại, Phòng Phân tích và Thí nghiệm đang tích cực hoàn tất các bước để nghiệm thu, từng bước đưa giống, kĩ thuật trồng dưa lê Kim Hoàng Hậu cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, nếu chủ động được sản lượng, mẫu mã và đảm bảo an toàn sinh học thì giống dưa lê này sẽ có đầu ra ổn định, với giá bán cao hơn các loại dưa lê thông thường.
Trần Anh Đức

Tiêu huỷ gần 1.000 con lợn nhập từ Thái Lan vì mắc dịch tả châu Phi

Lô lợn gần 1.000 con nhập từ Thái Lan bị buộc tiêu huỷ vì mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: CL.

Lô lợn gần 1.000 con nhập từ Thái Lan bị buộc tiêu huỷ vì mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: CL.

Ngày 23/5, Chi Cục Thú y vùng III phối hơp với các đơn vị chức năng tỉnh Quảng Trị vừa tiến hành tiêu huỷ gần 1.000 con lợn nhập khẩu từ Thái Lan.

Cụ thể, 980 con lợn được Công ty TNHH Một thành viên Senat (địa chỉ xóm Quán, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào ngày 19/5.

Sau khi nhập khẩu, lợn được đưa về cách ly tại một trang trại nằm ở thôn Tân Định, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Kết quả kiểm tra, xét nghiệm cho thấy, số lợn này dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả Châu Phi.

Vào ngày 21/5, Cục Thú y đã có quyết định xử phạt Công ty TNHH Một thành viên Senat số tiền 100 triệu đồng vì nhập khẩu lợn bị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Do số lượng lợn quá nhiều, đến 2h ngày 22/5, việc tiêu huỷ mới hoàn thành do số lượng lợn mắc bệnh nhiều.

Nguồn: Báo Nông nghiệp

Cởi trói cây dược liệu: Nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng nhiều loại cây dược liệu

Thu hàng nghìn tỉ đồng/năm từ cây dược liệu

Lạng Sơn là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 616.700 ha (chiếm 74,2% đất tự nhiên), trong đó rừng tự nhiên khoảng 279.888 ha với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu độc đáo.

Lạng Sơn có hơn 30 nghìn ha cây hồi, lớn nhất nước, mỗi năm cho giá trị trên 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Lạng Sơn có hơn 30 nghìn ha cây hồi, lớn nhất nước, mỗi năm cho giá trị trên 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, diện tích rừng nguyên sinh còn khá nhiều và tiềm năng về cây làm thuốc tương đối lớn. Trong đó, có nhiều loại cây thuốc quý như cây hồi, quế, sa nhân, ngũ gia bì gai, củ gió…

Đối với cây dược liệu lâu năm, Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng cây nguyên liệu hồi lớn nhất cả nước với trên 30.000 ha, tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng… Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 10.000 – 14.000 tấn quả hồi khô (còn gọi là hoa hồi), giá trị sản phẩm năm 2020 ước đạt khoảng 1.558 tỷ đồng.

Vùng trồng quế diện tích trên 3.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng trên 800 tấn, phân bố chủ yếu ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn… Hiệu quả kinh tế ước đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Sa nhân hiện có gần 300 ha, sản lượng thu hoạch trên 26 tấn, được trồng chủ yếu tại huyện Đình Lập (203,97 ha) và Tràng Định (77,17 ha)…

Đối với cây dược liệu khác, toàn tỉnh có 788 loài cây thuốc, thuộc 514 chi, 175 họ của 6 ngành thực vật bậc cao (thực vật có mạch) và nhóm nấm.

Ông Vi Văn Phúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nhận định: Bản thân cây dược liệu phát triển tự nhiên và được người dân trồng từ nhiều năm nay nên việc phát triển sản xuất có nền tảng thuận lợi.

Những năm gần đây, người dân bắt đầu ý thức được giá trị kinh tế mà cây dược liệu mang lại. Từ đó, từng bước đã nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát triển và khai thác dược liệu một cách bài bản.

Hồi là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho ngành nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Trung Quân.

Hồi là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho ngành nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Phúc, huyện Đình Lập có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân và hướng tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn), người tiên phong đưa cây chè hoa vàng về trồng tại rừng cạnh nhà chia sẻ: Hiện, gia đình ông có 3.500 cây cả mọc tự nhiên và trồng mới, trong đó có 2.000 cây tự trồng. Đến năm 2020, rừng trà hoa vàng trồng mới của ông mới bắt đầu có hoa nên ông mới thu bói được 60 kg. Với giá bán 600.000 – 800.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế bước đầu rất khả quan.

Theo ông Tằng, chè hoa vàng có thể thu cả hoa và lá già làm thuốc. Ngoài ra, cây trồng này có ưu điểm vượt trội hơn so với các cây trồng trên đất đồi và núi khác như keo, thông. Bởi keo, thông trồng 5- 6 năm cho thu hoạch, nhưng sau đó phải trồng mới lại từ đầu. Còn trà hoa vàng chỉ trồng 1 lần và cho thu hoạch lâu dài.

Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng

Tỉnh Lạng Sơn hình thành và phát triển 2 hệ sinh thái rừng khác nhau rất đặc trưng, đó là hệ sinh thái rừng núi đất và hệ sinh thái rừng núi đá với thảm thực vật dưới tán rừng tự nhiên đa dạng các loài cây thảo mộc rất có giá trị trong chữa trị bằng thuốc nam.

Từ năm 1990 đến nay, diện tích rừng tự nhiên núi đất được thay thế bằng các cây lâm nghiệp như bạch đàn, keo và nhiều cây kinh tế khác. Hệ quả là cây thuốc nam vốn sẵn có dưới tán rừng tự nhiên cũng biến mất theo.

Trước nguy cơ cạn kiệt, gần đây, một số người dân tại Lạng Sơn đã bắt đầu gây dựng các vườn nuôi trồng cây dược liệu từ nguồn tự nhiên. Ảnh: Trung Quân. 

Trước nguy cơ cạn kiệt, gần đây, một số người dân tại Lạng Sơn đã bắt đầu gây dựng các vườn nuôi trồng cây dược liệu từ nguồn tự nhiên. Ảnh: Trung Quân. 

Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn: Trước kia, nguồn dược liệu thông dụng thường chỉ bị khai thác nhỏ lẻ, với số lượng ít, theo mùa vụ như các loại: Ba kích, khúc khắc, kê huyết đằng, nhân trần, ích mẫu, thanh hao hoa vàng. Tuy nhiên từ thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nhiều loài cây dược liệu như cát sâm, kê huyết đằng, thổ phục linh, đỗ trọng nam, sói rừng, lan kim tuyến, bảy lá một hoa… trên địa bàn tỉnh đều bị khai thác thu mua tới cạn kiệt.

Có những loại dược liệu bị khai thác đến cùng kiệt, có khả năng tuyệt chủng như bảy lá một hoa, lan kim tuyến…, một số dược liệu quý chỉ còn là tiêu bản trong phòng thí nghiệm. Khâu chế biến còn non yếu cũng làm cho tình trạng “chảy máu dược liệu” càng nặng nề hơn.

Hầu hết cây dược liệu (trừ hồi, quế) hiện nay được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của các thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền, chưa có diện tích và sản lượng lớn để cung cấp cho công nghiệp sản xuất và chế biến. Công tác chế biến còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là chế biến thô…

Hiện nay, thương lái thu mua đặt hàng từ người dân bằng cách thu hái từ tự nhiên theo thời vụ để cung cấp cho thị trường. Tại các vùng sản xuất hồi, quế chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân trong tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 2 cơ sở chế biến tinh dầu hồi và 1 cơ sở chế biến cây cà gai leo. Nhìn chung, cơ sở chế biến và công nghệ còn thô sơ, thủ công nên hiệu quả, giá trị sản xuất chưa cao.

Tập trung phát triển 16 loài cây dược liệu

Với tiềm năng vô cùng lớn, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện quy hoạch một số cây dược liệu là cây trồng chủ lực của tỉnh cần quan tâm đầu tư và phát triển.

Năm 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Vườn ươm cây chè hoa vàng của ông Nguyễn Văn Tằng ở thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn). Ảnh: Trung Quân.

Vườn ươm cây chè hoa vàng của ông Nguyễn Văn Tằng ở thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn). Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Lạng Sơn định hướng xây dựng mở rộng vùng dược liệu ba kích tại huyện Đình Lập lên 680 ha, trong đó trồng mới 355 ha, sản lượng dự tính đạt 3.740 tấn củ tươi.

Vùng trồng hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với sản lượng trung bình đạt 15.000 tấn/năm. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu trồng dược liệu dưới tán rừng là 500 ha/năm, mở rộng diện tích cây hồi lên 22.150 ha, trong đó trồng mới 1.240 ha, sản lượng hồi tươi dự tính đạt 57.387 tấn. Sản lượng vỏ quế đạt 3.000 tấn/năm.

Theo ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn: Tới đây, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển 16 loài dược liệu, bao gồm 13 loài bản địa như: Ba kích, đinh lăng, địa liền, hồi, quế, sa nhân tím… và 3 loài nhập nội là bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng (ưu tiên phát triển ba kích, gấc, địa hoàng, duy trì và khai thác bền vững hồi và quế trên diện tích đã có).

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ và bảo tồn các giống cây dược liệu; nghiên cứu và phát triển giống dược liệu mới, do phần lớn bộ giống dược liệu trong nuôi trồng hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương nên năng suất thấp.

Khẩn trương di thực những cây thuốc quý về vườn thuốc của gia đình, các vườn thuốc của trạm y tế xã hay các mô hình vườn thuốc, rừng bảo tồn cộng đồng. Trước hết là bảo tồn, sau đó có cơ hội nhân rộng.

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Trần Anh Đức (st)

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ VĂN PHÒNG VIỆN

  • Chiều ngày 23/4/2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý Văn phòng Viện. Chủ trì buổi lễ là đồng chí Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Viện Nông nghiệp đã công bố Quyết định 168/QĐ-VNN ngày 07/4/2021 của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về việc tiếp nhận và bổ nhiệm Ông Bùi Tuấn Anh: được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Viện Nông nghiệp.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định và tặng hoa cho đồng chí Bùi Tuấn Anh, tân Chánh Văn phòng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp mong rằng đồng chí Bùi Tuấn Anh tiếp tục cố gắng nỗ lực, rèn luyện tu dưỡng, bám sát nhiệm vụ của Viện, của tỉnh để làm tốt công tác quản lý; tăng cường sự đoàn kết nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, cùng với đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải phát biểu tại buổi lễ

Tham dự buổi lễ còn có đại diện của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Xương và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương là nơi đồng chí Bùi Tuấn Anh từng công tác.

Đồng chí Hà Thế Anh đại diện phát biểu

Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Bùi Tuấn Anh tiếp thu những ý kiến giao nhiệm vụ của cấp trên, đồng thời hứa trước lãnh đạo Viện Nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ vững truyền thống của Viện, xây dựng đoàn kết nội bộ, cùng tập thể, lãnh đạo sở và cán bộ trong ngành hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong thời gian tới.

Đồng chí Bùi Tuấn Anh phát biểu trong buổi lễ

 

 

Trần Anh Đức

Chuyên viên, Văn phòng Viện

LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH BỔ NHIỆM CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC PHÒNG VÀ TRUNG TÂM TRỰC THUỘC VIỆN NÔNG NGHIỆP

  • Sáng ngày 05/4/2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hoá đã tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc. Chủ trì buổi lễ là đồng chí Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Viện Nông nghiệp đã công bố Quyết định của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về việc bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc có tên sau đây:

Ông Lê Xuân Bắc: được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, phòng Kế hoạch, Tổng hợp và Hợp tác Quốc tế;

Ông Phạm Xuân Thanh: được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng phòng, phòng Quản lý Khoa học;

Ông Lê Anh Tùng: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng phòng, phòng Phân tích và Thí nghiệm;

Ông Lê Chí Giang: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung Tâm Tư Vấn quy hoạch thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp;

Bà Nguyễn Thị Duyên: được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung Tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và dịch vụ cây trồng.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm
Viện trưởng Nguyễn Đình Hải phát biểu tại buổi lễ

Trao Quyết định, tặng hoa chúc mừng và phát biểu giao nhiệm vụ, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Nguyễn Đình Hải nhấn mạnh: Đây là một bước phát triển mới trong quá trình công tác của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng và trung tâm trực thuộc, với tính chất và mức độ công việc sẽ nhiều khó khăn, vất vả. Do vậy, các đồng chí trên cương vị mới, cần sớm tiếp cận và triển khai công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải trao Quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm

Đồng thời, lưu ý toàn thể cán bộ, chuyên viên toàn Viện đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Hai Phó Viện trưởng và các cán bộ được bổ nhiệm
Đồng chí Phạm Xuân Thanh đại diện cho các cán bộ được bổ nhiệm phát biểu

Đại diện cho các cán bộ được bổ nhiệm, đồng chí Phạm Xuân Thanh cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Viện ; đồng thời hứa sẽ cùng với tập thể cán bộ, công chức, viên chức phát huy truyền thống và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trần Anh Đức
Phòng KHTH.HTQT

Ứng dụng KHCN trong thụ tinh nhân tạo để cải tạo nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò

Ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn trâu, bò đã và đang giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp TTNT đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20-30%. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp tăng nhanh đàn trâu, bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi.

Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Chăn nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (nay là Trung tâm Khảo Nghiệm và Dịch vụ vật Nuôi trực thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) đã nghiên cứu sáng tạo giải pháp "Sử dụng công nghệ lai tạo và một số giải pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của đàn trâu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa". Thực hiện giải pháp đã cho tỷ lệ đậu thai đạt 50%, Nghé lai F1 sinh ra có khả năng sinh trưởng, thích nghi rất tốt với điều kiện chăn nuôi của Thanh Hóa, cho tỷ lệ sinh trưởng cao hơn 15 % khối lượng cơ thể so với giống trâu nội. Giải pháp đã đạt giải nhì toàn quốc tại Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật toàn quốc VIFOTECK năm 2011. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản suất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu tại  Thanh Hoá” đã đầu tư cở sở vật chất, trang thiết bị và du nhập trâu đực giống Murrah để huấn luyện khai thác tinh trâu đông lạnh, sản phẩm tinh trâu đông lạnh được thí nghiệm phối giống cho đàn trâu cái nội tại huyện Thọ Xuân và thị xã Bỉm Sơn. Kết quả đã tạo được sản phẩm nghé lai F1 sinh ra có ngoại hình mang đặc trưng của giống Murrah, khối lượng tăng cao hơn so với  trâu nội 15%. Từ kết quả có được, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn cho người dân chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh về công nghệ thụ tinh nhân tạo (TTNT) bằng tinh trâu cọng rạ giống Murrah, sau 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) áp dụng công nghệ tỷ lệ đàn trâu lai trên địa bàn tỉnh đã đạt 30% (Tổng đàn toàn tỉnh hiện nay khoảng 180.000 con, trong đó có 54.000 trâu lai).

Với đàn bò lai, kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học Công nghệ cấp tỉnh “Đánh giá khả năng sinh trưởng và chống chịu bệnh của bê lai F1 đực BBB x Cái lai Zebtrên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, giai đoạn 2015 – 2018 đã tạo Bò lai F1 BBB được thị trường ưu chuộng, hiệu quả  kinh tế cao hơn giống bò Brahman 25%. Đến nay đã đào tạo nhiều kỹ thuật viên dẫn tinh làm công tác TTNT, tập huấn nhiều đợt cho người dân chăn nuôi bò cái sinh sản kỹ thuật TTNT bằng tinh đông lạnh giống bò đực BBB nhập khẩu. Kết quả bò lai chiếm hơn 60% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh (tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh khoảng 204.000 con) trong đó, đặc biệt đã lại tạo được giống bò lai cao sản chiếm 10% ( khoảng 20.000 con) bằng các giống bò thịt như Droughmaster và BBB.

Việc ứng dụng phương pháp TTNT đã và đang giúp nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò nâng cao được tầm vóc con nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Chẳng hạn, gia đình bà Lê Thị Mận, xã Xuân Thành, huyện Thường Xuân cho thấy: trước đây, đàn bò cái của gia đình bà đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2016, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình bà đã sử dụng tinh bò Brahman để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối có chửa, gia đình bà kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương. Tại huyện Thiệu Hóa, việc phối tinh bò BBB với bò cái nền zebu đã giúp tỷ lệ phối giống đạt cao, bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Bê lai có chất lượng thịt thơm, ngon, mềm. Để đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò trên địa bàn, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tinh trâu, tinh bò ngoại cho các hộ chăn nuôi phối bằng phương pháp TTNT với giống trâu, bò cái địa phương để tạo ra con lai có tầm vóc, năng suất cao. Đồng thời, hỗ trợ 1 phần kinh phí cho các hộ dân mua bò đực lai F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, trọng lượng đạt từ 280 kg trở lên để phối giống.

Từ những thành công trên, ngày 29/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 4435/QĐ-UBND về việc nhập khẩu bò đực sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh phục vụ chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại đã nhập khẩu bò đực nuôi tân đáo tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Với trang thiết bị hiện đại được UBND tỉnh Thanh Hóa đầu tư phục vụ công tác lưu giữ, sản xuất tinh cọng rạ. Dự kiến năm 2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 30.000 liều tinh trâu và 200.000 liều tinh bò thịt chất lượng cao và tiếp tục đào tạo kỹ thuật viên dẫn tinh cho cán bộ khuyến nông, thú y trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

Một số hình ảnh trâu, bò đực giống và các con lai được lại tạo tại Thanh Hóa

Trâu đực giống Murrah đang được khai thác sản xuất tinh đông lạnh tại Thanh Hóa
Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bò đực giống Brahman được nhập khẩu từ Mỹ hiện đang nuôi dưỡng tại Thanh Hóa

 

 

Nghé lai F1Murrah được sinh ra từ tinh trâu đực giống Murrah bằng phương pháp TTNT
Bê lai Brahman ( Cái Zebu x đực Brahman) sinh ra tại Thanh Hóa

 

TS. Nguyễn Đình Hải

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ

Ngày 23/09/2020, Viện nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ.

Đón tiếp đoàn về phía Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn. Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ do ông Tuấn Anh – Viện Trưởng làm trưởng đoàn.


Tại buổi làm việc hai bên đã giới thiệu những thông tin chung về tổ chức, hoạt động và các kết quả nghiên cứu đã đạt được. Bên cạnh đó Viện Nông nghiệp Thanh Hóa và Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ thống nhất hợp tác các vấn đề, bao gồm:

(i) Thực hiện khảo nghiệm, đánh giá một số mô hình về giống mới cây lâm nghiệp (cây keo lai, keo tai tượng, cây bạch đàn);

(ii) Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp như chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô các giống cây lâm nghiệp (keo lai, bạch đàn) phục vụ sản xuất;

(iii) Hợp tác về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ cao trong nhân giống cây lâm nghiệp;

(iv) Hợp tác về tư vấn, quy hoạch cơ sở sản xuất giống, nhân giống phục vụ cho công tác sản xuất giống.

Hai bên thống nhất sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác cho các hoạt động trên.


Một số hình ảnh làm việc giữa Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Viện Nghiên cứu nguyên liệu giấy Phú Thọ

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải đang phát biểu

 

Lê Hương

Phòng Quản lý khoa học, Viện Nông nghiệp

2020-09-28

Viện nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.

Ngày 25/08/2020, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.

Đón tiếp đoàn về phía Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có ông Nguyễn Đình Hải cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban chuyên môn. Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng do ông Nguyễn Xuân Nguyên- Phó tổng giám đốc làm trưởng đoàn.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên

Hai bên đã giới thiệu khái quát về tổ chức hoạt động và các kết quả nghiên cứu đã đạt được.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng đã đề nghị Viện Nông nghiệp Thanh Hóa hợp tác các vấn đề:

– Tư vấn, khảo sát, đánh giá được hiện trạng rừng gỗ tại 5 huyện: Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc và Lang Chánh phục vụ phát triển vùng nguyên liệu giấy và bột giấy Hokuetsu- Lee&Man tỉnh Thanh Hóa.

– Xây dựng lại hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý bằng thông tin.

– Tư vấn xây dựng vùng nguyên liệu, giám sát từ khâu giống đến trồng, theo dõi, chăm sóc, đưa vào khai thác giúp Công ty có được vùng nguyên liệu gỗ và các lâm sản khác.

– Xây dựng một số mô hình sản xuất lâm sản phục  vụ nguyên liệu giấy và bột giấy Hokuetsu- Lee&Man tỉnh Thanh Hóa.

– Đề xuất hỗ trợ cho người trồng rừng gồm: Hỗ trợ thu mua dọn dẹp rừng để trồng lại; Hỗ trợ trồng rừng; Hỗ trợ nuôi ong và thu mua mật ong

– Phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực trồng trọt và nuôi ong lấy mật.

 

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa làm việc với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Ngôi Sao Vàng- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.

Tại buổi làm việc, 2 bên đã nhất trí  và hợp tác các hoạt động nêu trên.

Lê Khánh

Phòng Quản lý khoa học, Viện Nông nghiệp

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm và làm việc tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Ngày 20-8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phát triển sản xuất tại Thanh Hoá
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình liên kết sản xuất lúa tại xã Quảng Hòa (Quảng Xương).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khí hậu, dịch bệnh diễn biễn phức tạp, nhất là dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả, linh hoạt các giải pháp duy trì và phát triển ổn định, nên ngành nông nghiệp trong tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đoàn công tác do Đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp làm trưởng đoàn và Đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã đến thăm và làm việc với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, đón tiếp đoàn công tác là đại diện Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Viện trưởng Nguyễn Đình Hải đã đưa Đoàn và Đồng chí Thứ trưởng đi thăm quan Trung tâm nuôi cấy mô của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phát triển sản xuất tại Thanh Hoá
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đoàn công tác đến thăm Trung tâm nuôi cấy mô của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phát triển sản xuất tại Thanh Hoá
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm phòng nuôi sản phẩm đông trùng hạ thảo của Viện Nông nghiệp
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm phòng nuôi sản phẩm đông trùng hạ thảo của Viện Nông nghiệp
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thăm phòng nuôi sản phẩm đông trùng hạ thảo của Viện Nông nghiệp
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

 

Trần Anh Đức

Phòng KH,TH&HTQT