Cởi trói cây dược liệu: Nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng nhiều loại cây dược liệu

Thu hàng nghìn tỉ đồng/năm từ cây dược liệu

Lạng Sơn là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển cây dược liệu. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 616.700 ha (chiếm 74,2% đất tự nhiên), trong đó rừng tự nhiên khoảng 279.888 ha với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu độc đáo.

Lạng Sơn có hơn 30 nghìn ha cây hồi, lớn nhất nước, mỗi năm cho giá trị trên 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Lạng Sơn có hơn 30 nghìn ha cây hồi, lớn nhất nước, mỗi năm cho giá trị trên 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, diện tích rừng nguyên sinh còn khá nhiều và tiềm năng về cây làm thuốc tương đối lớn. Trong đó, có nhiều loại cây thuốc quý như cây hồi, quế, sa nhân, ngũ gia bì gai, củ gió…

Đối với cây dược liệu lâu năm, Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng cây nguyên liệu hồi lớn nhất cả nước với trên 30.000 ha, tập trung ở các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Cao Lộc, Chi Lăng… Sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 10.000 – 14.000 tấn quả hồi khô (còn gọi là hoa hồi), giá trị sản phẩm năm 2020 ước đạt khoảng 1.558 tỷ đồng.

Vùng trồng quế diện tích trên 3.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng trên 800 tấn, phân bố chủ yếu ở các huyện Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn… Hiệu quả kinh tế ước đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Sa nhân hiện có gần 300 ha, sản lượng thu hoạch trên 26 tấn, được trồng chủ yếu tại huyện Đình Lập (203,97 ha) và Tràng Định (77,17 ha)…

Đối với cây dược liệu khác, toàn tỉnh có 788 loài cây thuốc, thuộc 514 chi, 175 họ của 6 ngành thực vật bậc cao (thực vật có mạch) và nhóm nấm.

Ông Vi Văn Phúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nhận định: Bản thân cây dược liệu phát triển tự nhiên và được người dân trồng từ nhiều năm nay nên việc phát triển sản xuất có nền tảng thuận lợi.

Những năm gần đây, người dân bắt đầu ý thức được giá trị kinh tế mà cây dược liệu mang lại. Từ đó, từng bước đã nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, phát triển và khai thác dược liệu một cách bài bản.

Hồi là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho ngành nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Trung Quân.

Hồi là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế chủ lực cho ngành nông nghiệp Lạng Sơn. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Phúc, huyện Đình Lập có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của huyện. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân và hướng tới xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tằng, thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn), người tiên phong đưa cây chè hoa vàng về trồng tại rừng cạnh nhà chia sẻ: Hiện, gia đình ông có 3.500 cây cả mọc tự nhiên và trồng mới, trong đó có 2.000 cây tự trồng. Đến năm 2020, rừng trà hoa vàng trồng mới của ông mới bắt đầu có hoa nên ông mới thu bói được 60 kg. Với giá bán 600.000 – 800.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế bước đầu rất khả quan.

Theo ông Tằng, chè hoa vàng có thể thu cả hoa và lá già làm thuốc. Ngoài ra, cây trồng này có ưu điểm vượt trội hơn so với các cây trồng trên đất đồi và núi khác như keo, thông. Bởi keo, thông trồng 5- 6 năm cho thu hoạch, nhưng sau đó phải trồng mới lại từ đầu. Còn trà hoa vàng chỉ trồng 1 lần và cho thu hoạch lâu dài.

Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng

Tỉnh Lạng Sơn hình thành và phát triển 2 hệ sinh thái rừng khác nhau rất đặc trưng, đó là hệ sinh thái rừng núi đất và hệ sinh thái rừng núi đá với thảm thực vật dưới tán rừng tự nhiên đa dạng các loài cây thảo mộc rất có giá trị trong chữa trị bằng thuốc nam.

Từ năm 1990 đến nay, diện tích rừng tự nhiên núi đất được thay thế bằng các cây lâm nghiệp như bạch đàn, keo và nhiều cây kinh tế khác. Hệ quả là cây thuốc nam vốn sẵn có dưới tán rừng tự nhiên cũng biến mất theo.

Trước nguy cơ cạn kiệt, gần đây, một số người dân tại Lạng Sơn đã bắt đầu gây dựng các vườn nuôi trồng cây dược liệu từ nguồn tự nhiên. Ảnh: Trung Quân. 

Trước nguy cơ cạn kiệt, gần đây, một số người dân tại Lạng Sơn đã bắt đầu gây dựng các vườn nuôi trồng cây dược liệu từ nguồn tự nhiên. Ảnh: Trung Quân. 

Theo ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn: Trước kia, nguồn dược liệu thông dụng thường chỉ bị khai thác nhỏ lẻ, với số lượng ít, theo mùa vụ như các loại: Ba kích, khúc khắc, kê huyết đằng, nhân trần, ích mẫu, thanh hao hoa vàng. Tuy nhiên từ thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ trước trở lại đây, nhiều loài cây dược liệu như cát sâm, kê huyết đằng, thổ phục linh, đỗ trọng nam, sói rừng, lan kim tuyến, bảy lá một hoa… trên địa bàn tỉnh đều bị khai thác thu mua tới cạn kiệt.

Có những loại dược liệu bị khai thác đến cùng kiệt, có khả năng tuyệt chủng như bảy lá một hoa, lan kim tuyến…, một số dược liệu quý chỉ còn là tiêu bản trong phòng thí nghiệm. Khâu chế biến còn non yếu cũng làm cho tình trạng “chảy máu dược liệu” càng nặng nề hơn.

Hầu hết cây dược liệu (trừ hồi, quế) hiện nay được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của các thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền, chưa có diện tích và sản lượng lớn để cung cấp cho công nghiệp sản xuất và chế biến. Công tác chế biến còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là chế biến thô…

Hiện nay, thương lái thu mua đặt hàng từ người dân bằng cách thu hái từ tự nhiên theo thời vụ để cung cấp cho thị trường. Tại các vùng sản xuất hồi, quế chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân trong tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh hiện mới có 2 cơ sở chế biến tinh dầu hồi và 1 cơ sở chế biến cây cà gai leo. Nhìn chung, cơ sở chế biến và công nghệ còn thô sơ, thủ công nên hiệu quả, giá trị sản xuất chưa cao.

Tập trung phát triển 16 loài cây dược liệu

Với tiềm năng vô cùng lớn, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện quy hoạch một số cây dược liệu là cây trồng chủ lực của tỉnh cần quan tâm đầu tư và phát triển.

Năm 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Vườn ươm cây chè hoa vàng của ông Nguyễn Văn Tằng ở thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn). Ảnh: Trung Quân.

Vườn ươm cây chè hoa vàng của ông Nguyễn Văn Tằng ở thôn Khe Dăm, xã Lâm Ca (Đình Lập, Lạng Sơn). Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Lạng Sơn định hướng xây dựng mở rộng vùng dược liệu ba kích tại huyện Đình Lập lên 680 ha, trong đó trồng mới 355 ha, sản lượng dự tính đạt 3.740 tấn củ tươi.

Vùng trồng hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với sản lượng trung bình đạt 15.000 tấn/năm. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu trồng dược liệu dưới tán rừng là 500 ha/năm, mở rộng diện tích cây hồi lên 22.150 ha, trong đó trồng mới 1.240 ha, sản lượng hồi tươi dự tính đạt 57.387 tấn. Sản lượng vỏ quế đạt 3.000 tấn/năm.

Theo ông Vũ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn: Tới đây, Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển 16 loài dược liệu, bao gồm 13 loài bản địa như: Ba kích, đinh lăng, địa liền, hồi, quế, sa nhân tím… và 3 loài nhập nội là bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng (ưu tiên phát triển ba kích, gấc, địa hoàng, duy trì và khai thác bền vững hồi và quế trên diện tích đã có).

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ và bảo tồn các giống cây dược liệu; nghiên cứu và phát triển giống dược liệu mới, do phần lớn bộ giống dược liệu trong nuôi trồng hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương nên năng suất thấp.

Khẩn trương di thực những cây thuốc quý về vườn thuốc của gia đình, các vườn thuốc của trạm y tế xã hay các mô hình vườn thuốc, rừng bảo tồn cộng đồng. Trước hết là bảo tồn, sau đó có cơ hội nhân rộng.

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Trần Anh Đức (st)

Bài viết liên quan