Sở hữu trí tuệ – Động lực phát triển kinh tế xã hội

Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của địa phương và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực hỗ trợ các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hàng trăm sản phẩm công nghiệp nông thôn để nhận diện thương hiệu cũng như khẳng định vị thế trên thị trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của tỉnh đã có sức cạnh tranh, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước và một số sản phẩm đã tham gia xuất khẩu.

Nhiều năm qua, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã trở thành một tổ chức khoa học công nghệ có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án góp phần phục vụ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, các trung tâm, phòng chuyên môn trực thuộc Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện trên 70 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiều loại giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã làm chủ 28 quy trình công nghệ. Do vậy, để thương mại hóa sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu khoa học, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng đến quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã có gần 10 sản phẩm được đăng ký bảo hộ.

Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 1.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Tiến sỹ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Viện Nông nghiệp nhận thấy một trong những hoạt động cần tập trung là hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với việc thực hiện chứng nhận các sản phẩm khoa học công nghệ. Cùng với việc nâng cao về chất lượng, phải từng bước xác nhận chỉ dẫn địa lý cũng như xác nhận của các tổ chức cho việc đánh giá sản phẩm từ các đề tài”.

Cùng với các tổ chức khoa học công nghệ, trên địa bàn tỉnh có 31 đơn vị và 1 chi nhánh doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Điểm nổi bật của doanh nghiệp khoa học công nghệ đó là các doanh nghiệp dùng đòn bẩy cho sự phát triển và tăng trưởng thông qua kết quả nghiên cứu khoa học được tạo ra bởi chất xám và nguồn lực rất lớn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, bảo vệ tài sản trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ bảo đảm việc xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa hành vi xâm phạm, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có tác dụng kích thích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và lành mạnh.

Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông là 1 doanh nghiệp khoa học công nghệ và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm của công ty có hàm lượng nghiên cứu cao. Vì vậy, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm được doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 2.
Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Khoa học và công nghệ Tiến Nông, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Khoa học và công nghệ Tiến Nông, Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong nhiều năm qua, Tiến Nông luôn theo đuổi tầm nhìn là đơn vị sáng tạo hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam. Nghiên cứu sáng tạo luôn đi đôi với bảo hộ sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền của mình với thương hiệu cũng như các giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu mà doanh nghiệp đã đạt được trong nhiều năm vừa qua. Điều đó cũng góp phần hạn chế tình trạng hàng giả hàng nhái trên thị trường đối với những sản phẩm mà Tiến Nông đã đạt được”.

Xác định xây dựng và bảo vệ “thương hiệu” là “chìa khóa” để các sản phẩm khẳng định chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Công nghệ Tân Thanh Phương, Thành Phố Thanh Hóa cũng đã đăng ký bản quyền tác giả, bảo hộ nhãn hiệu để nhận diện thương hiệu cũng như khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện nay, Công ty đã có 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ cấp giấy chứng đăng ký nhãn hiệu.

Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 4.
Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư phát triển Công nghệ Tân Thanh Phương, Thành Phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Viết Thanh, Giám đốc Công ty đầu tư phát triển Công nghệ Tân Thanh Phương, Thành Phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Khi chúng tôi đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, trong vòng 2 năm, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp nhãn hiệu độc quyền cho chúng tôi. Sau khi được cấp, uy tín thương hiệu sản phẩm tăng lên rất nhiều, khẳng định được chất lượng cũng như dịch vụ sản phẩm hàng hóa mà chúng tôi được bảo hộ”.

Xác định được tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, các Sở ngành, liên quan phối hợp với cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiêp trên địa bàn tỉnh đối với sở hữu trí tuệ. Đồng thời hỗ trợ kinh phí thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với chương trình OCOP của tỉnh dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Sở hữu trí tuệ - Động lực phát triển kinh tế xã hội- Ảnh 6.

Theo thống kê của Sở Khoa học và công nghệ, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 4 bằng độc quyền sáng chế; 45 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 553 giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ bước đầu đã khẳng định được giá trị trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu tới một số thị trường “khó tính” trên thế giới. Năm 2023, Thanh Hóa có 3 sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ đối với Nhãn hiệu tập thể, đó là nhãn hiệu tập thể “Cải làng Lê” cho sản phẩm rau cải của huyện Yên Định; Nhãn hiệu tập thể “Dưa hấu Mai Am Tiêm” cho sản phẩm dưa hấu của huyện Nga Sơn và nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bắc Lương huyện Thọ Xuân.

Để việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, trong thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp phát triển nhãn hiệu, thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm đặc thù. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Và chỉ khi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ được nâng cao, thì tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ giảm, và đó là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh tế – xã hội.

Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn

ST: Viện trưởng Nguyễn Đình Hải

Bài viết liên quan