ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HUYỆN MƯỜNG LÁT GIAI ĐOẠN 2011-2022, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM GIAI ĐOẠN 2023-2030

Mường Lát là huyện miền núi cao xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, có vị trí địa lí: Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Quan Hóa; Phía Bắc giáp huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; Phía Tây và Nam giáp hai huyện Viêng Xay và Xốp Pâu, tỉnh Hủa Phăn, Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với 105,5 km đường biên giới.

Diện tích tự nhiên của huyện 81.240,94 ha, trong đó: đất nông nghiệp 77.668,45 ha (đất lúa 1.281,27 ha với 472,2 ha lúa nước; đất lâm nghiệp 74.450,38 ha chiếm 91,6% dt tự nhiên (rừng phòng hộ 23.574,51 ha, rừng đặc dụng 5.728,3 ha, rừng sản xuất 45.147,57 ha), đất nuôi trồng thủy sản 38 ha); Đất phi nông nghiệp và đất khác 16.538,45 ha([1]). Dân số 41.114 người/8.731 hộ (2022), hộ nghèo 4.905 hộ/24.468 khẩu; hộ cận nghèo 1.104 hộ/4.928([2]); mật độ dân số đạt 50 người/km²; trên địa bàn huyện có 6 dân tộc sinh sống là: Thái, H’Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó 2 dân tộc chiếm đa số là Thái (48,25%) và Mông (42,89%).

Huyện Mường Lát, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế – xã hội có một số đặc trưng mang nét riêng khác với 10 huyện miền núi còn lại của tỉnh Thanh Hóa, như: lượng mưa thường thấp so với trung bình toàn tỉnh,  lượng mưa trung bình năm 1.266 mm, lượng mưa cao nhất 1.969 mm, lượng mưa thấp nhất 1.014 mm; chịu ảnh hưởng của hai loại gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió phơn Tây Nam khí hậu khắc nghiệt, khô nóng; nằm ở độ cao từ 650 m trở lên, địa hình phức tạp núi cao, chia cắt mạnh bởi dòng sông Mã và hệ thống thủy văn; sản xuất nông nghiệp chủ yếu trên vùng đất dốc, nương rẫy cũ (chịu hậu quả của tập quán du canh, du cư do lịch sử để lại), tập quán canh tác lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, phần lớn còn thấp, một số người dân còn ỷ lại, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo…vì vậy, sản xuất nông nghiệp có những khó khăn, hạn chế nhất định. Đến nay, huyện Mường Lát đang là huyện nghèo nhất trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa và nghèo nhất cả nước theo Nghị Quyết 30a của Chính phủ([3]).

I. Khái quát tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Lát, giai đoạn 2011-2022

  1. Kết quả trọng tâm đạt được

Mường Lát do chịu nhiều khó khăn khách quan bởi yếu tố tự nhiên đem lại, vì vậy mà huyện được những ưu tiên riêng, ngoài các chương trình phát triển kinh tế – xã hội chung cho vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương và của tỉnh nói chung, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm bố trí thêm những chương trình đề án, dự án cho huyện Mường Lát, riêng lĩnh vực nông nghiệp, đáng quan tâm nhất là việc tỉnh Thanh Hóa thành lập Đoàn chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội huyện Mường Lát chuyên trách, giúp UBND tỉnh, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp huyện Mường Lát giai đoạn 2011-2015([4]); phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất lâm, nông nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững huyện Mường Lát, giai đoạn 2011 – 2015 với tổng vốn 144,294 tỷ đồng([5]), nhờ đó trong giai đoạn 2011-2015, kinh tế huyện Mường Lát có tốc độ tăng trưởng khá; nhiều mô hình sản xuất nông lâm nghiệp có hiệu quả được nhân rộng; công tác trồng rừng đã đạt nhiều kết quả tích cực, đã trồng được trên 12.000 ha (chủ yếu là Xoan, Lát, Luồng); diện tích gieo cấy lúa nước được quan tâm mở rộng; chăn nuôi gia súc, gia cầm được đẩy mạnh, hàng năm toàn huyện có 13.000 – 15.000 con trâu, đàn lợn trên 14.000 con và khoảng 80.000 con gia cầm; mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm dưới tán rừng phát huy hiệu quả([6])

Giai đoạn 2015 – 2020, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục giữ được quy mô sản xuất và phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất bình quân ngành trồng trọt đạt 103 tỷ đồng/năm, tăng 18,3% so với đầu nhiệm kỳ([7]).

Về ứng dụng khoa học trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2016-2021, trên địa bàn huyện Mường Lát được Trung ương hỗ trợ triển khai xây dựng 31 mô hình sản xuất nông nghiệp (10 mô hình cây trồng, 10 mô hình vật nuôi, 01 mô hình dược liệu (sa nhân tím), 10 mô hình sản phẩm lợi thế). Tổng kinh phí thực hiện 7.288 triệu đồng (NSNN 6.278 triệu đồng, đối ứng của hộ gia đình 1.010 triệu đồng). Tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng 11 mô hình sản xuất nông nghiệp (03 mô hình cây trồng, 06 mô hình vật nuôi, 02 mô hình sản phẩm lợi thế). Tổng kinh phí thực hiện 3.061 triệu đồng (NSNN 1.564 triệu đồng, kinh phí đối ứng của hộ gia đình 1.497 triệu đồng). Mức hỗ trợ xây dựng các mô hình: Hỗ trợ giống trâu, bò cái sinh sản, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 07 triệu đồng/hộ nghèo); hỗ trợ giống gia súc khác (dê cái hoặc lợn nái…), mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 3,5 triệu đồng/hộ nghèo); hỗ trợ chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vắc xin tiêm phòng, máy móc, công cụ sản xuất, mức hỗ trợ không quá 02 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 1,4 triệu đồng/hộ nghèo). Hỗ trợ giống, thức ăn gia cầm, vắc xin tiêm phòng, máy móc, công cụ sản xuất, mức hỗ trợ không quá 05 triệu đồng/hộ nghèo và không thấp hơn 70% mức này (tương đương 3,5 triệu đồng/hộ nghèo). Một số mô hình triển khai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, năng xuất và hiệu quả kinh tế mang lại tăng khoảng 1,5-2 lần so với sản xuất truyền thống; giúp người dân hình thành một nghề phát triển sản xuất, giải quyết một số việc làm cho người dân lao động thực hiện dự án, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn([8]). Đến nay, huyện Mường Lát có 01 sản phẩm – Gạo nếp Cay Nọi của Hợp tác xã nông lâm Chung Thành (bản Pùng, xã Quang Chiểu) được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao([9]).

  1. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại hạn chế

– Sản xuất cây trồng huyện Mường Lát còn lạc hậu, canh tác quảng canh, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nước trời là chính; chưa có ứng dụng nhiều cơ giới hóa, chưa quan tâm đến chăm sóc, bón phân; chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả rông là chính, chưa có nuôi nhốt và chủ động nguồn thức ăn…do vậy năng suất, hiệu quả thấp. Lâm nghiệp mặc dù được quan tâm nhưng tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc còn thấp, chưa có cơ cấu cây trồng thực sự mang lại hiệu quả.

– Trong thời gian qua, khi triển khai các chương trình dự án công tác khảo sát lựa chọn mô hình đôi khi chưa sát với tình hình thực tế, phong tục tập quán của người dân, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương; vốn cấp thực hiện dự án muộn, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện mô hình và hiệu quả mang lại cho người dân; đôi khi nguồn vốn về đã hết khung thời vụ hoặc vào giai đoạn không thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện dự án; thủ tục đấu thầu mua bán làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

– Việc phát triển và nhân ra diện rộng sau khi kết thúc mô hình phát triển sản xuất chưa thực sự có hiệu quả.

2.2. Nguyên nhân

– Tập quán canh tác còn lạc lậu, diện tích manh mún, phân tán và độ dốc lớn nên khó áp dụng cơ giới hóa, còn mang nặng tính bản năng, tập quán, kinh nghiệm.

– Các chương trình, dự án, mô hình nhà nước thời gian qua mới chỉ hỗ trợ cây giống, con giống cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, chưa quan tâm đến chuyển giao khoa học, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi; hạn mức hỗ trợ thấp, quy mô nhỏ nên chưa tạo ra được hàng hóa và hình thành mô hình sinh kế cho người dân; kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất về chậm, các thủ tục mua bán đấu thầu kéo dài dẫn đến không đúng thời vụ, thời điểm để phát triển sản xuất ngành nông nghiệp. Phần lớn mới chỉ cấp cây giống, con giống, chưa quan tâm bố trí lượng cán bộ có chuyên môn, tâm huyết xuống cơ sở để hướng dẫn, triển khai và đồng hành với bà con nông dân trong việc triển khai thực hiện.

– Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo còn cao, họ không có tư liệu sản xuất, còn trông chờ, ỷ lại chính sách của nhà nước, chưa chủ động đầu tư sản xuất.

– Thị trường đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân và cung cấp nội vùng xã, huyện; chưa có sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường ngoài huyện.

  1. Đánh giá chung

Huyện Mường Lát với rất nhiều khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp: Khí hậu khô nóng, đất canh tác nông nghiệp độ dốc lớn, trình độ canh tác, hủ tục của người dân lạc hậu, khó áp dụng cơ giới hóa, vấn đề chuyển dịch cơ cấu ngày càng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp (nhất là lao động qua đào tạo), đường xá xa xôi, cước vận chuyển cao… dẫn đến sức cạnh tranh nền nông nghiệp rất yếu, trong khi năng suất thấp, quy mô nhỏ chưa mang lại hiệu quả và sinh kế cho người dân. Mặc dù được sự quan tâm đặc biệt của nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Mường Lát đến nay còn nhiều hạn chế, vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh và cả nước; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kết quả các chương trình, dự án, đề án được đầu tư, hỗ trợ của nhà nước bước đầu mới làm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp là chính, hiệu quả kinh tế và sản xuất nông nghiệp của huyện chưa có nhiều chuyển biến …

  1. Bài học kinh nghiệm

Một là: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cần phải thật sự sâu sát cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất, hoạt động đầu tư, hỗ trợ của nhà nước đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa phương.

Hai là: Các chương trình, đề án, dự án khi lựa chọn các đối tượng, quy mô sản xuất cần phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ chuyển giao kỹ thuật sâu sát với người dân, kỹ thuật áp dụng phù hợp với khả năng tiếp thu, năng lực và trình độ sản xuất của người dân sở tại.

Ba là: Do quy mô thửa đất nhỏ, manh mún cần bố trí nhiều vùng liên kết để tạo ra quy mô sản xuất đủ lớn, tạo ra được hàng hóa, từ đó mới tạo được nguồn thu nhập, sinh kế cho người dân.

Bốn là: Trong khó khăn về mọi mặt đối với huyện Mường Lát, nhưng bên cạnh đó tiềm ẩn những tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, như: có những nguồn gen bản địa quý hiếm (lúa Cay Nọi, Bí Phấn, Khoai mán ruột vàng, Mận, Đào, Gà Mông, vịt bầu cổ rụt, lợn đen, cánh kiến, dược liệu…) cần quan tâm khai thác, phát triển thành hàng hóa đặc sản, giá trị kinh tế cao, hạn chế sản xuất những đối tượng thông thường, đại trà như các vùng miền xuôi (sức cạnh tranh và giá thành sản phẩm thấp).

Năm là: Để thay đổi được nền sản xuất cũ sang hướng canh tác sản xuất mới, tiến bộ hơn cần phải có vai trò của khoa học công nghệ, giúp đánh giá, nghiên cứu, khảo nghiệm, hoàn thiện các quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm, quy trình quản lý, xây dựng các mô hình để người dân học tập, nhân rộng; quy hoạch mở rộng vùng sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất.

II. Phương hướng nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Mường Lát, giai đoạn 2022-2030.

       Trên cơ sở mục tiêu của huyện Mường Lát: Đến năm 2030, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 02 lần so với năm 2020 đạt 349 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng, để đưa độ che phủ rừng đạt trên 80%. Giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác bình quân trên 70 triệu đồng/ha. Có 07/07 xã về đích nông thôn mới, có ít nhất 01 xã được công nhận NTM nâng cao và có từ 02 bản được công nhận NTM kiểu mẫu. Thành lập thêm được ít nhất 05 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện có trên 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP  hạng 3 sao, trong đó có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh. Có 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, trong đó có ≥ 45% hộ dân được sử dụng nước sạch. Có 100% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 100% nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển([10])… Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đề xuất một số phương hướng nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

  1. Lĩnh vực trồng trọt

Đối với đất lúa 1.281,27 ha: Cần tập trung tổ chức thâm canh 472,2 ha lúa nước bằng những giống lúa đặc sản, giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hướng hữu cơ (lúa Cay Nọi và khảo nghiệm bổ sung một số giống lúa chất lượng, năng suất cao); diện tích còn lại đẩy mạnh khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang, phát triển thủy lợi để tăng diện tích lúa thâm canh; nghiên cứu, khảo nghiệm bộ giống lúa chịu hạn và canh tác tổng hợp trồng xen với cây khác (nhất là cây dược liệu) để cải tạo đất và hạn chế xói mòn, rửa trôi đất.

Đẩy mạnh phát triển vùng trồng cây làm thức ăn chăn nuôi (cho gia súc, gia cầm và thủy sản), lấy cây trồng là sản phẩm trung gian (cung cấp nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi là chính), quan tâm vào các sản phẩm đầu cuối có giá trị để tạo thu nhập cho người dân (sản phẩm con nuôi đặc sản); quan tâm phát triển các sản phẩm rau mầu bản địa, đặc sản, canh tác hữu cơ, như: rau cải Mông, rau, đậu các loại, rau dược liệu và một số cây trồng bản địa mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.

Tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển mô hình gia trại vườn đồi tổng hợp (kết hợp trồng cây ăn quả xen cây rau mầu và chăn nuôi nông hộ có kiểm soát).

  1. Lĩnh vực lâm nghiệp

– Tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên; chú trọng làm giàu rừng (trồng bổ sung hoặc sử dụng máy bay gieo hạt trực tiếp giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động trồng rừng); quan tâm đầu tư phát triển dược liệu dưới tán rừng phát huy cao nhất giá trị môi trường rừng, đồng thời giải quyết được vấn đề hạn chế về quỹ đất sản xuất của huyện Mường Lát (phát triển dược liệu dưới tán rừng không đòi hỏi phải quỹ đất).

– Đẩy mạnh trồng rừng mới trên đất trống, đồi núi trọc, trong đó chú trọng phát triển cây lâm nghiệp đặc sản, cây đa tác dụng; đối với cây lấy gỗ cần ưu tiên những cây có giá trị và chu kỳ kinh doanh dài kết hợp phát triển dược liệu và lâm sản ngoài gỗ khác dưới tán rừng, nhằm hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, lũ ống, lũ quét, tạo nguồn sinh thủy cho vùng thượng nguồn của tỉnh.

  1. Lĩnh vực con nuôi

– Đẩy mạnh khai thác, phát triển các nguồn gen gia súc, gia cầm bản địa như (trâu, bò sinh sản, lợn đen, vịt Bầu cổ rụt, ngan bản địa, gà Mông (gà da đen, xương đen), gà Ri,…); chuyển giao một số mô hình con nuôi mới có giá trị kinh tế cao và khai thác được nguồn vật liệu thức ăn tại chỗ (như Dúi, Hươu lấy nhung, Dê, ong mật…)

– Tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản ở các khu vực gần khe suối, nhất là nuôi lồng bè trên sông và lòng hồ thủy điện kết hợp với khai thác đánh bắt tự nhiên.

  1. Công tác chế biến và tiêu thụ sản phẩm

Cần làm tốt công tác quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với chế biến;  quan tâm đầu tư xây dựng chợ, cơ sở đầu mối thu mua, chế biến nông sản: chế biến lúa gạo, chế biến các sản phẩm lợi thế (măng) và chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản; đóng gói hàng hóa và cung cấp theo chuỗi.

  1. Thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp

Tăng cường trồng cây phân tán, cây cảnh quan góp phần khai thác quỹ đất phân tán, nhỏ lẻ manh mún nhưng sản phẩm tạo ra là rất lớn; trồng cây cảnh quan đường phố và trong sản xuất nông nghiệp cần bố trí canh tác quan tâm đến cảnh quan (ruộng bậc thang, vườn cây ăn quả, vườn đào…) sẽ tạo ra tiềm năng du lịch rất lớn, đây cũng là mô hình mang lại thu nhập cho người dân và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản.

III. Kiến nghị đề xuất

  1. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và PTNT

– Quan tâm cho phép Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện dự án thí điểm làm giàu rừng, phục hồi rừng trên địa bàn huyện Mường Lát sử dụng phương pháp gieo hạt giống bằng thiết bị bay không người lái (Drone).

– Cho phép Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện dự án khuyến nông từ năm 2023-2030 giúp người dân được hỗ trợ vật tư, cây giống tốt, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

  1. Đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa

– Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi (nhất là các công trình thủy lợi nhỏ, nước tự chảy đến chân ruộng); hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi (vốn hỗ trợ của nhà nước và tiếp cận vay vốn chính sách ưu đãi);

– Giao cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ đặt hàng công ích nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, khảo nghiệm xây dựng bộ giống lúa, giống rau, giống dược liệu, cây lâm nghiệp, vật nuôi chủ lực cho huyện Mường Lát; xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật xuống đến người dân huyện Mường Lát, giai đoạn 2023-2030./.

[1] Nguồn số liệu Quy hoạch đất đai đến năm 2030, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa

[2] Công văn số 7747 /UBND-VX ngày 02/6/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa v/v báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh năm 2022

[3] Trang thông tin điện tử Truyền hình Thanh Hóa (https://truyenhinhthanhhoa.vn/ban-chi-dao-901-khao-sat-tai-huyen-muong-lat-1808387783.htm)

[4] QĐ số 2386/QĐ-UBND, ngày 22/7/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

[5] QĐ số 2772/QĐ-UBND, ngày 24/8/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

[6] Thông báo số 85/TB-UBND, ngày 16/6/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

[7] Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện Mường Lát, nhiệm kỳ 2015-2020.

[8] CV số 1747/UBND-DT ngày 02/8/2021 của UBND huyện Mường Lát

[9] Trang thông tin điện tử huyện Mường Lát (https://muonglat.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2021-12-10/Muong-Lat-Xay-dung-lua-nep-Cay-Noi-tro-thanh-san-ps0rz6b.aspx)

[10] Báo cáo tham luận của UBND huyện Mường Lát

 

TS. Nguyễn Đình Hải
Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Bài viết liên quan