Viện Nông nghiệp chủ trì Phòng Phân tích và Thí nghiệm tổ chức Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034

Ngày 10/1, tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Xuân, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) và xã Tân Bình (Như Xuân), Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình trồng thương phẩm giống bơ booth7, bơ 034” thuộc dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034 tại một số huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa” thuộc dự án cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2024.

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034
Các đại biểu tham quan mô hình trồng thương phẩm giống bơ booth7, bơ 034 tại xã Thọ Thanh (Thường Xuân). 

Tham dự hội thảo gồm có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, UBND các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Thạch Thành và các hộ tham gia mô hình.

Tại huyện Thường Xuân, mô hình đã được triển khai tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Xuân và Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên với tổng diện tích 4 ha, cấp 1.735 cây giống cho mô hình.

Tại huyện Thạch Thành, mô hình được triển khai tại thị trấn Vân Du trên tổng diện tích 1 ha với 600 cây giống.

Tại huyện Như Xuân, mô hình được triển khai xã Tân Bình trên tổng diện tích 4 ha với 1.220 cây giống được cấp.

Trong tổng số cây được cấp trồng mô hình thương phẩm tại 3 huyện, có 50% số cây giống được Ban thực hiện dự án ghép tại vườn giống của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034
Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm giống bơ booth7, bơ 034 tại xã Tân Bình (Như Xuân). 

Qua theo dõi thực tế mô hình tại huyện Thạch Thành, trung bình cây cao trên 120-170cm, tán lá tỏa rộng, cây lớn nhất có chiều rộng tán là 1-1,11m. Tại Thường Xuân, số cây trồng đã ổn định, có lực để sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình đạt 1,1m, chiều rộng tán 1 -1,14m. Tại Như Xuân, số cây được trồng đạt tỷ lệ sống trên 95%, chiều cao trung bình đạt 71cm, đang được chủ hộ tiếp tục chăm sóc và theo dõi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả của mô hình cũng như định hướng một số giải pháp để phát triển và nhân rộng mô hình trồng thương phẩm cây bơ tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, qua đó giúp Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và hoàn thiện dự án, định hướng các nội dung công việc tiếp theo trong giai đoạn tới của dự án cũng như mở rộng phương án thực hiện sau dự án.

Hội thảo đầu bờ mô hình trồng thương phẩm cây bơ Booth7, bơ 034
Tại hội thảo đầu bờ, các đại biểu đã có ý kiến thảo luận, đánh giá kết quả của mô hình. 

Mô hình góp phần đưa các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sản phẩm thế mạnh, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu. Qua đó, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân địa phương và giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng chính là định hướng để phát triển ngành trồng trọt tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Thanh Hoá

ST.Phạm Thị Lý
TP.PTTN

Bài viết liên quan