NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT CHẾ PHẨM Tricho-VNNTH TẠI VIỆN NÔNG NGHIỆP THANH HÓA

Trichoderma là giống nấm thuộc nhóm nấm bất toàn, thuộc họ Choanophoraceae, bộ Murcorales, lớp Phycomytes. Nấm Trichoderma là một chủng nấm đối kháng có tác dụng cao trong việc tấn công, ký sinh và ức chế nhiều loại bệnh trên cây trồng, rau màu. Khuẩn lạc nấm thường có dạng bông xốp màu trắng, sau có thể chuyển sang màu vàng lục hoặc lục tươi sau chuyển sang lục sẫm. Một số loài làm môi trường nuôi cấy chuyển sang màu vàng do tiết kháng sinh. Cuống bào tử phân nhánh mạnh, thể bình hình chai, đứng riêng lẻ thành từng nhóm, bào tử màu xanh sáng. Nấm Trichoderma phát triển nhanh ở 25 – 300C có một số ít loài Trichoderma tăng trưởng được ở 450C. Mỗi dòng nấm Trichoderma spp. khác nhau sẽ yêu cầu nhiệt độ và độ ẩm khác nhau.

Hình 1: Hình thái từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm Trichoderma

Vòng đời của chủng nấm này khá dài, có thể tồn tại 18 tháng trong môi trường có điều kiện phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, nếu bị phơi suốt 2 giờ dưới ánh nắng gay gắt hoặc bị ướt mưa nhiều ngày, chúng vẫn có thể bị hủy diệt một cách dễ dàng.

Cơ chế tác động của nấm Trichoderma và tác dụng của chế phẩm Tricho -VNNTH

Nấm Trichoderma tiết ra một loại enzyme đặc biệt, giúp phá hủy lớp vỏ tế bào của các loại nấm gây hại, tấn công sau vào bên trong và biến chúng thành chất dinh dưỡng. Điều này cho phép Trichoderma vừa có thể bảo vệ cây trồng khỏi các bệnh như chết nhanh chết chậm, bệnh lở cổ rễ, bệnh xì mủ, thối rễ,… vừa phục hồi, tái tạo lại những phần rễ đang bị tổn thương.

Khi được bón vào đất, nấm Trichoderma sẽ tiết ra nhiều chất kích thích để rễ cây ăn sâu vào lòng đất, giúp rễ luôn chắc chắn, đẩy mạnh khả năng hút dinh dưỡng cũng như phòng vệ.

Cộng sinh tốt với mọi loài sinh vật có lợi trong đất, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các vi sinh vật có ích như vi sinh vật phân giải lân, cố định đạm (khuẩn lạc),… giúp đất gia tăng độ tơi xốp.

Trichoderma có khả năng tiết ra enzyme phân hủy các loại phân hữu cơ, rễ cây, mùn và chuyển hóa thành dạng chất mà cây có thể hấp thụ được như: amylase, pectinase, protease, chitinase, enzyme cellulase.

Khi được trộn chung với các loại phân hữu cơ từ xác động vật, phân chuồng trong quá trình ủ, nấm Trichoderma có tác dụng giảm bớt mùi hôi cũng như thúc đẩy tiến trình phân giải, qua đó tiết kiệm được phần lớn thời gian ủ phẩn.

Hình 2: Giải pháp diệt tuyến trùng và nấm bệnh thúc đẩy sự phát triển của cây

Nhận thấy tác dụng và nhu cầu phát triển bền vững của nền nông nghiệp trong tỉnh và trên cả nước, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã nghiên cứu sản xuất chế phẩm Tricho –VNNTH và ứng dụng thành công đã được thông qua hội đồng khoa học xét duyệt TCCS cho chế phẩm.

Hình 3: Sản xuất chế phẩm Trichoderma tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Hình 3: Sản xuất chế phẩm Trichoderma tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Hình 4: Sản phẩm được đóng gói với bao bì đẹp mắt, thân thiện với môi trường

Hình 4: Sản phẩm được đóng gói với bao bì đẹp mắt, thân thiện với môi trường

Trên thực tế, việc sử dụng chế phẩm sinh học sản xuất từ nấm Trichoderma ủ phân hữu cơ để bón cho cây giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất; chuyển đổi các chất hữu cơ thành dạng dễ hấp thụ, chất lượng phân tốt hơn. Với cây trồng khi sử dụng phân bón từ chế phẩm sinh học sẽ giảm một nửa việc bón phân NPK phân hóa học, tăng hàm lượng Silic trong thân và hạt, làm tăng năng suất lúa và cải thiện độ phì nhiêu cho đất canh tác.

Cách sử dụng chế phẩm Tricho- VNNTH như sau:

– Ủ phân hữu cơ và xử lý giá thể: 1kg chế phẩm trộn với 1 tấn phân chuồng, chất thải hữu cơ, trộn đều, giữ ẩm đống ủ.

– Xử lý đất trước khi trồng: 2 kg chế phẩm xử lý cho 500 m2 đất trồng. Trộn với phân hữu cơ hoai mục hoặc đất bề mặt để bón cho đất trước khi trồng. Giữ ẩm đất trồng (60-70%)

– Tưới trực tiếp vào gốc: 1-2 kg chế phẩm hòa tan vào 200 lít nước tưới vào gốc.

Khi phối trộn chế phẩm Tricho-VNNTH với phân bón hữu cơ cho hiệu quả phòng trừ bệnh cao hơn, góp phần vào định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững. Hiện nay chúng tôi hoàn toàn có thể làm chủ quy trình tạo chế phẩm và chuyển giao cho người sản xuất.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã được đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm chuyên hoạt động về lĩnh vực vi sinh. Trong đó, có hệ thống trang thiết bị thực hiện việc nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh TrichoVNNTH. Vì vậy sáng kiến đã góp phần hoàn thiện và xác nhận giá trị sử dụng của chế phẩm Tricho-VNNTH phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện có. Từ đó sử dụng nguồn nhân lực, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện các nhiệm vụ và dịch vụ chế phẩm Tricho-VNNTH trong đất cho các trang trại, các hộ gia đình sử dụng thay phân bón hoá học.

Đặc biệt Sản phẩm đã được trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023. Thực hiện Công văn số 5200/SNN&PTNT- QLCL, ngày 05/10/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 02/6/2023 của UBND tỉnh về tổ chức Hội nghị kết nối cung- cầu và trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hoá. Được sự ghé thăm và chỉ đạo của đồng chí Phó chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang.

 Đ/c Phó chủ tịch tỉnh Lê Đức Giang cùng các đồng chí lãnh đạo ghé thăm gian hàng.

Từ kết quả nghiên cứu, trong thời gian tới, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất chế phẩm Tricho-VNNTH phục vụ nhu cầu cho các trang trại, hộ gia đình… sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trichoderma không chỉ cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường đất canh tác, an toàn cho người sử dụng, tạo nên thương hiệu Tricho -VNNTH viện Nông nghiệp Thanh Hóa uy tín chất lượng, nâng tầm vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ths. Ngô Thị Ánh
Chuyên viên phòng Phân tích và thí nghiệm

Bài viết liên quan