Một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Viện Nông nghiệp cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện góp phần thực hiện thành công Khâu đột phá về Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 58 – NQ/TW ( ngày 5/8/2020) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đề ra 8 nội dung chương trình trên từng lĩnh vực cụ thể, trong đó, Xây dựng và triển khai thực hiện khâu đột phá “ Khâu đột phá Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật; chủ động, tích tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 – 2025”, tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN, xây dựng đề án Khu công nghệ cao, đề án ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN của Viện Nông nghiệp. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2030, tẩm nhìn đến 2045 xác định Nông nghiệp cùng với công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch được xác định là 3 trụ cột phát triển; các khâu đột phá phát triển, trong đó tiếp tục xác định “ Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng tâm, trọng điểm của tỉnh ”. Quy hoạch đã xác định nhiệm vụ Phát triển hạ tâng khoa học và công nghệ: Tập trung xây dựng Trường đại học Hồng Đức, Trường đại học Văn Hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Nông nghiệp Thanh Hóa thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu lớn của khu vực Miền Trung.

Từ kết quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức – nhận diện đầy đủ các nội hàm nhiệm vụ “ Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật; chủ động, tích tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững” trên lĩnh vực nông nghiệp của Nghị Quyết Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa Lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra ( Sau đây được gọi là Khâu đột phá). Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp gắn thực hiện Khâu đột phá, thời gian tới và trước mắt trong giai đoạn 2021 – 2025 Viện cần tập trung tổ chức nhận diện, thực hiện có hiệu quả một số chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể dưới đây:

  1. Các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025

1.1. Nhóm chỉ tiêu cần nhận diện và lượng hóa: (1) năng suất cây trồng và vật nuôi: Tăng trưởng năng suất ở các vùng nghiên cứu mà viện hỗ trợ. (2) Số giống mới được phát triển: Đặc biệt là những giống có khả năng kháng bệnh, chịu hạn, và phản ứng tốt với biến đổi khí hậu. (3) Số đề tài, dự án KH&CN được thực hiện: Số lượng và quy mô của các dự án nghiên cứu và phát triển do viện thực hiện. (4) Số lượng và diện tích áp dụng công nghệ mới: Kết quả của việc truyền đạt và đào tạo cho người nông dân về công nghệ mới ( chuyển giao khoa học công nghệ). (5) Tổng số người được đào tạo và huấn luyện: Số nông dân, kỹ sư và chuyên viên được đào tạo tại viện hoặc thông qua các chương trình của viện. (6) Tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ở khu vực hỗ trợ: So với các khu vực không nhận sự hỗ trợ từ viện. (7) Số bài báo khoa học được công bố: Sự đóng góp của viện vào cộng đồng nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. (8) Số chứng chỉ và giấy phép liên quan đến KH&CN: Như bằng sáng chế, quyền lai tạo giống mới, và các giấy phép khác. (9) Tổng vốn đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới: Từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân, và các nguồn vốn quốc tế. (10) Tác động xã hội: Sự thay đổi về mức sống, giáo dục và y tế ở khu vực hỗ trợ, cũng như tác động đối với môi trường và bền vững.

1.2. Nhóm các mục tiêu cụ thể

a. Nhóm nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi là chọn tạo và phát triển được các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và các vùng sinh thái khác nhau trong đó: (i) Giống cây nông nghiệp: 1 – 2 giống lúa, 1 – 2 giống ngô lai, 1 – 2 giống khoai lang, 2 – 3 giống rau, 1 – 2 giống nấm mỗi loại và chọn tạo các cây ăn quả, cây công nghiệp (đậu, lạc), cây hoa mỗi nhóm từ 2 – 3 giống. (ii) Giống cây lâm nghiệp: 2 – 3 giống cây lấy gỗ, 1 – 2 giống cây lâm sản ngoài gỗ, 2 – 3 giống cây dược liệu, tập đoàn 15 – 20 loài cây phù hợp cho trồng cây phân tán và cây đô thị, ( iii) Giống chăn nuôi chủ lực, giống có năng suất, chất lượng cao (lợn hướng nạc, giống gà lông màu, bò ngoại hướng thịt, trâu hướng thịt, dê hướng thịt). (iv) Giống thủy sản chủ lực và giống có đàn bố mẹ hậu bị có chất (tôm chân trắng, ngao Bến Tre).

b. Nhóm nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong xây dựng quy trình kx thuật, tiếp nhận công nghệ mới tập trung ưu tiên là xây dựng được các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp; tiếp nhận các công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp đổi mới, hiện đại hóa công nghệ truyền thống: (1) Số lượng quy trình, công nghệ chuyển giao được vào thực tiễn: 5 – 8 quy trình công nghệ mới, trong đó có 2 – 3 quy trình công nghệ tiếp nhận từ nước ngoài. (2) Số nhiệm vụ khoa học và công nghệ thu hút được hàng năm: 1 – 2 đề tài/dự án cấp bộ, 3 – 5 đề tài/dự án cấp tỉnh và đề xuất, tổ chức thực hiện 8 – 10 đề tài cấp cơ sở. (3) Ứng dụng và hoàn thiện được quy trình sản xuất bằng: Hệ thống canh tác sạch, như hệ thống canh tác không đất, hydroponics ( công nghệ trồng thủy canh), và khí canh (controlled atmosphere technology); quy trinhg canh tác trên giá thể nhân tạo kháng sâu bệnh; Tiếp nhận, chuyển giao được từ 1 – 2 mô hình như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng không tái tạo, 1 – 2 mô hình tối ưu hóa việc sử dụng nước và tái sử dụng nước thải sau khi xử lý, sử dụng thuốc trừ sâu tự nhiên, giảm việc sử dụng các chất hóa học gây hại cho môi trường.

c. Chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật: (1) Tổ chức các buổi tập huấn với ít nhất 10 cuộc/ năm; hội thảo chuyên đề 15 – 20 hội thảo các cấp/ năm; chương trình tư vấn để chuyển giao công nghệ và kiến thức mới tới người nông dân với ít nhất 1-2 lần/tháng/ năm. (2) Hỗ trợ tài chính gắn mô hình hợp tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới từ tối thiểu 5 mô hình/ năm. (3) hàng năm ký kết từ 1-2 tổ chức viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức liên quan trong mạng lưới hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng giải pháp mới.

d.Tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nông nghiệp: ( 1) Tiếp nhận công nghệ, xây dựng 2 – 3 mô hình ứng dụng công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý, điều khiển các điều kiện môi trường; quản lý và phòng trừ sâu bệnh, dịch hại. (2) Xây dựng được 1 – 2 mô hình Áp dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn để tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ lựa chọn giống, quản lý đất, tới thu hoạch, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

đ. Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững: (1) Ứng dựng được 1 – 2 mô hình Áp dụng các giải pháp tự động hóa, máy móc giúp tăng năng suất và giảm lượng lao động. (2) Ứng dụng được 2 -3 mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hợp tác hoặc nông nghiệp kết hợp. (3) Xây được được 1-2 mô hình Khuyến khích hợp tác và liên kết giữa nông dân, nhà chế biến, và người tiêu thụ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng. (4) Xây dựng được 1 – 2 mô hình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu về tìm kiếm và kết nối với các đối tác nước ngoài, tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế. (5) xây dựng 1 -2 mô hình phát triển nông nghiệp hợp sinh về ứng dụng canh tác xen canh, canh tác kết hợp giữa cây trồng và chăn nuôi để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực.

e. Phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ

* Đào tạo trong nước: Tiến sỹ 1 – 2 người, Thạc sỹ 5 – 7 người; đào tạo ở nước ngoài: Tiến sỹ 1 – 2 người, Thạc sỹ 2 – 3; đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh): 2 – 3 người; đào tạo nhân viên phân tích – thí nghiệm và công nghệ sinh học: 8 – 10 người; thu hút chuyên gia, cộng tác viên bổ sung nguồn nhân lực nghiên cứu cho Viện; tuyển dụng 3 – 5 nhân lực chất lượng cao được đào tạo theo chương trình tiên tiến về nông nghiệp có trình độ Thạc sỹ trở lên.

* Phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật: (1) Xây dựng phương án quy hoạch, sử dụng đất đai đáp ứng các nhiệm vụ nghiên cứu, thí nghiệm, khảo nghiệm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên diện tích đất nông, lâm nghiệp tại trụ sở Viện và các Trung tâm trực thuộc. (2) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng bao gồm: vườn ươm kết hợp khu khảo nghiệm giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp; vườn cây đầu dòng; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới và các khu chức năng phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản,…(3) Đầu tư bổ sung máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

* Phát triển nguồn lực tài chính: Tăng quy mô và đa dạng hóa nguồn lực tài chính; phấn đấu cơ cấu nguồn thực hiện nhiệm vụ đặc thù từ ngân sách nhà nước chi thường xuyên đạt 18 – 20 tỷ đồng/năm; nguồn đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp đạt 10 – 12 tỷ đồng/năm; nguồn sản xuất, dịch vụ, liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác đạt 20 – 25 tỷ đồng/năm.

2. Nhiệm vu trọng tâm

2.1. Chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi: (i) Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi: (1) Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao và các nguồn gen đặc sản, đặc hữu của Thanh Hóa, đồng thời lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế. (2) Đánh giá chất lượng giống và phục tráng một số giống cây nông nghiệp đặc sản; cây ăn quả có tiềm năng, lợi thế. (3) Du nhập bổ sung các giống cây trồng, vật nuôi mới từ các địa phương trong nước và nước ngoài có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và khả năng kháng sâu bệnh, phù hợp điều kiện sinh thái Thanh Hóa và vùng Bắc Trung Bộ. (ii) Chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới: (1) Trồng trọt: Chọn tạo và khảo nghiệm giống cây lương thực (lúa, ngô, sắn); cây thực phẩm (rau, nấm); cây công nghiệp (mía, lạc, đậu); cây ăn quả (cây có múi, dứa, thanh long); cây hoa (hoa bản địa, hoa nhập nội) và cây làm thức ăn gia súc. (2) Lâm nghiệp: Nghiên cứu chọn giống, khảo nghiệm giống cây lâm nghiệp nhập nội (keo, thiên ngân) và cây lâm nghiệp bản địa (lim xanh, lát hoa, vạng trứng, tếch…) chủ lực làm gỗ lớn; cây lâm sản ngoài gỗ (tre luồng, mây nếp, song mật, lùng, …) và cây dược liệu có năng suất, chất lượng, có lợi thế cạnh tranh cho một số vùng kinh tế lâm nghiệp trọng điểm; nghiên cứu tuyển chọn tập đoàn cây trồng rừng trồng kinh tế, cây trồng phân tán và cây đô thị. (3) Chăn nuôi: Nghiên cứu chọn lọc, lai tạo, nhân nhanh các dòng lợn mới có năng suất, chất lượng cao; chọn giống gia cầm (gà, vịt) chuyên thịt, chuyên trứng theo hướng công nghiệp; giống con nuôi đặc sản (bò vàng, vịt cổ lũng, ngan sen); nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần và lai tạo giống bò thịt, bò sữa, trâu và một số gia súc ăn cỏ khác phù hợp với điều kiện sinh thái và điều kiện chăn nuôi. (4) Thủy sản: Du nhập một số giống cá nước mặn, nước lợ và nước ngọt giá trị kinh tế cao (tôm, cá, cua); nghiên cứu chọn tạo giống các loài chủ lực (tôm, ngao) và một số loài thủy đặc sản (ngao dầu, phi tiến vua) theo các tính trạng: tăng trưởng nhanh, kháng bệnh thường gặp và tăng khả năng thích nghi với thay đổi độ mặn, nhiệt độ.

2.2. Xây dựng quy trình kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới: (i) Xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật: (1) Trồng trọt: Xây dựng được các quy trình kỹ thuật tiên tiến, phù hợp, phục vụ phát triển sản xuất bền vững các cây trồng chủ lực; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật thâm canh, công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng; nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, giảm phát thải nhà kính. (2) Lâm nghiệp: Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng trồng rừng trọng điểm; nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng thâm canh cây gỗ lớn phù hợp với đặc điểm, chức năng của rừng và điều kiện tự nhiên kinh tế – xã hội. (3) Chăn nuôi: Nghiên cứu phát triển và áp dụng các phương thức, hình thức liên kết, quy trình chăn nuôi tiên tiến, phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại, công nghiệp và gia trại. (4) Thủy sản: Nghiên cứu quy trình công nghệ tiên tiến, ưu tiên công nghệ cao phục vụ sản xuất giống, nuôi trồng thâm canh các loài chủ lực và thủy đặc sản hiệu quả, bền vững và đảm bảo an toàn sinh học; sử dụng các chế phẩm sinh học phù hợp các giai đoạn sinh trưởng, cải thiện chất lượng thịt, xử lý môi trường, phòng trị bệnh, thay thế các chất kháng sinh, giảm hệ số thức ăn. (ii) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp: (1) Lựa chọn, tiếp nhận và làm chủ các công nghệ tiên tiến nhập từ bên ngoài, kết hợp với cải tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; nâng cao trình độ công nghệ; ứng dụng vào sản xuất; tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là chất lượng các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tạo và nhân nhanh giống mới; phát triển cây, con giống có chất lượng cao; tạo ra các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, bảo vệ cây trồng, vật nuôi; Tiếp nhận và triển khai công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp kết hợp nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài; Xây dựng mô hình ứng dụng các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 trong việc nhân giống, quản lý, giám sát, điều khiển tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu, bệnh; quản lý sản phẩm theo chuỗi giá trị; truy xuất nguồn gốc và bảo vệ thương hiệu sản phẩm đối với một số loại cây rau màu, cây ăn quả, cây hoa để tạo ra các sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến và xuất khẩu. (2) Nghiên cứu ứng dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp và phát triển công nghệ bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

2.3. Phát triển sản phẩm nông nghiệp thương hiệu địa phương: (1) Điều tra, khảo sát tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp (nhóm cây, con chủ lực và nhóm cây, con đặc sản) để lựa chọn sản phẩm cây, con xây dựng thương hiệu; ưu tiên sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng về năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và có lợi thế cạnh tranh. (2) Đánh giá tính phù hợp của cây trồng, vật nuôi với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của tỉnh; xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản phẩm mang thương hiệu địa phương, đồng thời lựa chọn, phát triển sản phẩm mang thương hiệu Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở thương mại hóa một số sản phẩm có tiềm năng lợi thế của Viện (như lúa năng suất chất lượng cao; nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, lan kim tuyến. (3) Lựa chọn các giống mới, giống nhập từ nước ngoài; tổ chức sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình, công nghệ và chuyển giao vào sản xuất hàng hóa, xây dựng, thương hiệu sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ; đồng thời nghiên cứu tiềm năng phát triển của nhóm cây trồng, vật nuôi đặc sản, bản địa, có lợi thế phục vụ chọn tạo giống, phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. (4) Nghiên cứu quy hoạch sản xuất trồng trọt theo hướng phát triển diện tích các vùng sản xuất nông sản hàng hóa được cấp chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ và các tiêu chuẩn khác. Đẩy mạnh dịch vụ về giống vật nuôi phục vụ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm. (5) Nghiên cứu hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu cấp tỉnh, cấp quốc gia, hướng tới thị trường quốc tế; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng địa bàn.

2.4. Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp: (1) Trồng trọt: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, giống bản địa sạch bệnh, quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, theo hướng GAP, quy mô hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao (rau, hoa, quả…); mô hình chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng, đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn phù hợp với vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. (2) Lâm nghiệp: Chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật trồng rừng cung cấp gỗ lớn; tiến bộ kỹ thuật trồng rừng thâm canh tập trung, trồng dược liệu dưới tán rừng hoặc trồng phân tán trong vườn hộ.

(3) Chăn nuôi: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng một số giống gia súc, gia cầm năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi nông hộ, trang trại; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng, phổ biến quy trình kỹ thuật chăn nuôi hướng VietGAP. (4) Thủy sản: Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và quản lý (theo hướng VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP,…) trong sản xuất giống, nuôi trồng thương phẩm (tôm chân trắng, tôm sú, cá rô phi, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và cá biển). (5) Ứng dụng công nghệ sinh học: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và làm chủ công nghệ chọn tạo các giống cây trồng sạch bệnh; sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vi nhân giống một số loại cây trồng nông, lâm nghiệp cung cấp giống chất lượng cho sản xuất. (6) Dịch vụ phân tích – thí nghiệm. (7) Xúc tiến thương mại, đầu tư trong nông nghiệp

2.5. Phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ: (ii) Phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật: (1) Xây dựng phương án quy hoạch, sử dụng đất đai đáp ứng các nhiệm vụ nghiên cứu, thí nghiệm, khảo nghiệm và dịch vụ khoa học và công nghệ trên diện tích đất nông, lâm nghiệp tại trụ sở Viện và các Trung tâm trực thuộc. (2) Xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng bao gồm: vườn ươm kết hợp khu khảo nghiệm giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp; vườn cây đầu dòng; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới và các khu chức năng phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. (3) Đầu tư bổ sung máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. (4) Đối với việc đề xuất đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. (ii) Phát triển nguồn lực tài chính: Tăng quy mô và đa dạng hóa nguồn lực tài chính; phấn đấu cơ cấu nguồn thực hiện nhiệm vụ đặc thù từ ngân sách nhà nước chi thường xuyên đạt 18 – 20 tỷ đồng/năm; nguồn đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp đạt 10 – 12 tỷ đồng/năm; nguồn sản xuất, dịch vụ, liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác đạt 20 – 25 tỷ đồng/năm. (iii) Phát triển nguồn nhân lực (1) Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đồng bộ, cân đối theo lĩnh vực đảm bảo phát huy năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ, viên chức; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có tâm huyết, đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mang tính chuyên môn hóa cao, có kinh nghiệm, có kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả. (3) Xây dựng 6 nhóm chuyên gia ở các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học và dịch vụ. Các nhóm chuyên gia có cơ cấu lĩnh vực phù hợp từ nguồn cán bộ của Viện, các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ thuộc sở, ngành liên quan và nguồn cán bộ từ các doanh nghiệp. (4) Hình thành và phát triển mạng lưới chuyên gia thông qua mối quan hệ cộng tác và hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học, các chuyên gia; cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

3. Giải pháp chủ yếu

3.1. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ:

(i) Đổi mới tư duy quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra, gắn với thị trường và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội: (1) Đổi mới cơ chế, phương thức quản lý, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả ứng dụng gắn với dịch vụ. (2) Thực hiện hiệu quả cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; đẩy mạnh hoạt động đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. (3) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ: tập trung nghiên cứu chuyển giao các công nghệ tiên tiến có khả năng tạo đột phá trong công tác giống và phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh. (ii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, dịch vụ: (1) Tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hợp tác xã để phát triển dịch vụ, chuyển giao công nghệ, gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi cung ứng; ưu tiên phát triển hợp tác với các doanh nghiệp khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp, các huyện trọng điểm về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp (Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh,…). (2) Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tư vấn, xúc tiến thương mại, đầu tư; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu theo chuỗi cung ứng. (3) Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cơ sở gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học, công nghệ với sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác giữa Viện và doanh nghiệp.

3.2. Tăng cường nguồn lực khoa học và công nghệ: (i) Tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật và nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị: (1) Rà soát đánh giá hiện trạng đất đai, cơ sở vật chất – kỹ thuật gồm: (+) Điều tra, đánh giá thực trạng và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất chăn nuôi, đất nuôi trồng thủy sản; xây dựng phương án quản lý, sử dụng phục vụ công tác nghiên cứu đạt hiệu quả cao nhất. (+) Rà soát, đánh giá hiện trạng và hiệu quả sử dụng các trang thiết bị, máy móc phục vụ nghiên cứu; xây dựng kế hoạch xây dựng mô hình phục vụ nghiên cứu và quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. (2) Huy động nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phân tích, thí nghiệm, kiểm định; kiểm nghiệm đất, nước và sản phẩm nông nghiệp. (3) Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. (4) Đổi mới cơ chế quản lý cơ sở vật chất – kỹ thuật, đất đai của Viện theo hướng liên doanh, liên kết sản xuất hoặc giao khoán sử dụng. (ii) Tăng quy mô và đa dạng hóa nguồn lực tài chính: (1) Nguồn giao nhiệm vụ và đặt hàng từ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp kinh tế dự kiến 18 – 20 tỷ đồng/năm: Phối hợp với sở, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục các giống cây trồng, vật nuôi, giống nấm, giống vi sinh vật quý, hiếm và giá trị kinh tế cao để Nhà nước đặt hàng lưu giữ, bảo tồn ngân hàng gen phục vụ sản xuất, nhân giống chất lượng cao cho phát triển nông nghiệp. (2) Nguồn đặt hàng nhiệm vụ khoa học, công nghệ các cấp; các nguồn tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong và ngoài nước đạt bình quân 10 tỷ đồng/năm: hàng năm tiến hành xây dựng, thu hút, thực hiện được từ 5 – 7 đề tài/dự án khoa học và công nghệ các cấp (cấp tỉnh 3 – 5 đề tài/dự án; cấp bộ từ 1 – 2 đề tài/dự án). (3) Nguồn sản xuất, dịch vụ, nguồn liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác đạt bình quân 20 – 25 tỷ đồng/năm (lĩnh vực cây trồng bình quân 5 tỷ đồng; lĩnh vực vật nuôi 9 tỷ đồng; lĩnh vực tư vấn quy hoạch, thị trường và phát triển nông nghiệp 8 tỷ đồng; sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu 3 tỷ đồng). Quy hoạch, khai thác hạ tầng, đất đai gắn tổ chức sản xuất, kinh doanh một số sản phẩm nông nghiệp lợi thế, giá trị kinh tế cao; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để tổ chức dịch vụ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, mô hình vào thực tiễn sản xuất; thu hút, xây dựng, thực hiện các phương án liên doanh, liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, bổ sung nguồn thu cho Viện. (4) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp; các nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong và ngoài nước. Khai thác hiệu quả chính sách đối ngoại; phát triển hoạt động liên doanh, liên kết có yếu tố nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực khoa học, công nghệ, tài chính cho đầu tư phát triển. (iii) Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực: (1) Xây dựng kế hoạch, phân bổ hợp lý các chỉ tiêu đào tạo, đào tạo từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua việc thực hiện các đề tài/dự án khoa học công nghệ các cấp. (2) Xây dựng cơ chế hoạt động theo hướng giao khoán thực hiện nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm, quyền lợi phát huy tự chủ của tập thể, cá nhân; xây dựng cơ chế phân phối thu nhập dựa trên thực tế cống hiến của từng tập thể, cá nhân, đồng thời thực hiện khoản chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đến sản phẩm cuối cùng. (3) Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ cán bộ, thu hút nhân lực chất lượng cao để nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích cán bộ, viên chức tự học nâng cao trình độ. (4) Xây dựng và thực hiện cơ chế trả lương, thưởng theo kết quả công việc để tạo động lực cho cán bộ viên chức, người lao động.

3.3. Mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế: (i) Hợp tác trong nước: (1) Hợp tác với 15 – 20 tổ chức khoa học công nghệ, trường Đại học có uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp và kỹ thuật – công nghệ nhằm hợp tác nghiên cứu, chuyển giao; nâng cao năng lực và tiếp cận công nghệ mới. (2) Hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ; nhân rộng mô hình sản xuất và phát triển dịch vụ. (ii) Hợp tác quốc tế: (1) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt về đào tạo nguồn nhân lực, du nhập giống mới, phát triển khoa học công nghệ; tìm kiếm thị trường; thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA vào các lĩnh vực ưu tiên. Ưu tiên xây dựng chương trình hợp tác quốc tế với các nước có nền nông nghiệp tiên tiến (Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Israel, Hà Lan…). (2) Mở rộng hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ,… trên cơ sở xây dựng các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh, hướng tới chứng nhận chất lượng sản phẩm nông sản phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, mở rộng tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng. (3) Hợp tác với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào để hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hủa Phăn.

3.4. Tổ chức và quản lý: (1) Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kết hợp thực hiện chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. (2) Thực hiện quản lý Viện theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 với năng lực quản trị, lãnh đạo và quản lý hiệu quả; ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin trong quản lý.

Tóm lại: Để có cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn nữa về thực hiện khâu đột phá “ Về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật; chủ động, tích tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững” theo Nghị quyết Đại hội Lần thứ XIX của tỉnh Thanh Hóa, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo, cập nhật bổ sung các Nghị quyết, chương trình, đề án… phát triển KT – XH của tỉnh đã ban hành trong giai đoạn 2020-2025. Từ đó, để xây dựng và định kỳ bổ sung Kế hoạch trung hạn, hàng năm và đề xuất, xây dựng các chương trình, đề án, đề tài, dự án… có nội dung toàn diện, khả thi, sát thực tiễn, lộ trình thực phù hợp và triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trên. Bài viết đã nhận diện khái quát toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nhằm chuyển tải đến toàn thể cán bộ lãnh đạo, lãnh đạo quản lý, viên chức và người lao động trong toàn Viện nghiên cứu, quán triệt; đồng thời không ngừng phát huy trách nhiệm, đổi mới tư duy – sáng tạo, đoàn kết đồng lòng với quyết tâm cao – nổ lực lớn – hành động quyết liệt để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ được cấp thẩm quyền giao với kết quả cao nhất. Góp phần đóng góp vào kết quả Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa Lần thứ XIX đã đề ra.

( Chi tiết có danh mục các mục tiêu gắn các phòng, trung tâm chủ trì thực hiện)

Tác giả: Nguyễn Đình Hải – Viện trưởng Nông nghiệp Thanh Hóa

Bài viết liên quan