Bài tham luận: BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ CHO CÁC SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU TẠI VIỆN NÔNG NGHIỆP THANH HÓA – MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời đại phát triển của nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề Sở hữu trí tuệ và bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nhân loại.

Con người là nguồn lực của mọi nguồn lực và trí tuệ là bộ phận sáng giá nhất giúp phát huy năng lực con người, hình thành tiềm lực phát triển của mỗi địa phương, quốc gia. Để hình thành nên những tài sản trí tuệ đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và tài chính. Nhưng sau khi hoàn thành có thể lợi ích thu về lại không tương xứng với những gì đã bỏ ra hoặc có thể xuất hiện những hành vi xâm hại đến sản phẩm trí tuệ. Điều này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích vật chất, tinh thần, giảm đi động lực sáng tạo của chủ thể sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập phat triển kinh tế – xã hội của quốc gia.

Một trong những thành quả của sự sáng tạo trí tuệ chính là việc tạo ra sản phẩm mới. Việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đối với sản phẩm là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức cá nhân đã lao động sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, từ đó thúc đẩy hoạt động sáng tạo. Bảỏ hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến sản phẩm nhằm hướng tới một cộng đồng tôn trọng “tài sản trí tuệ” và chỉ có ý nghĩa nếu người sáng tạo thực sự được tôn trọng các quyền về mặt tinh thần, quyền về mặt kinh tế được hưởng các lợi ích được khai thác từ tác phẩm của mình.

Việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm đặc sản nhằm nghiên cứu đánh giá chất lượng và thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng và xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng thời nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm. Sản phẩm sẽ được cơ quan thẩm quyền gắn nhãn hiệu, được bảo hộ và sử dụng trên thực tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm.

Mặc dù đăng kí quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định cụ thể trong luật. Tuy nhiên tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng vi phạm về hành vi làm hàng giả, hàng nhái. Đăng kí bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở giúp các doanh nghiệp có thể bảo vệ và nâng cao thương hiệu hàng hóa mà mình tạo dựng được. Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ là một trong những điều mà chúng ta không nên bỏ qua. Đây là một trong những yếu tố giúp tăng giá trị cho hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp, làm nên thương hiệu riêng cho từng loại sản phẩm được tạo ra.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến sản phẩm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đang chú trọng và quan tâm sâu sắc đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Viện.

Là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, trực thuộc UBND tỉnh, ngoài các nhiệm vụ về thực hiện chức năng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tư vấn về chiến lược phát triển và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa còn có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm và công nghệ lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản.

Từ khi thành lập đến nay, Viện Nông nghiệp đã kế thừa hàng trăm lượt những công trình nghiên cứu từ các nhiệm vụ đặc thù, các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ 06 đơn vị thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, 01 đơn vị từ sở Khoa học và công nghệ. Làm chủ và có nhiều kết quả nghiên cứu trực tiếp, là sản phẩm khoa học công nghệ, được ứng dụng thành công và cho ra thị trường các sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao, như: Đông trùng hạ thảo, sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm gạo chất lượng cao, sản phẩm từ chăn nuôi, thủy hải sản… Ngoài ra, những sản phẩm có triển vọng từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ, hiện tại Viện Nông nghiệp chưa đáp ứng được với nhu cầu hiện nay, nhưng rất có giá trị và phù hợp với các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế để nâng cao giá trị sản phẩm từ kết quả nghiên cứu của Viện Nông nghiệp, sự cần thiết của việc bảo vệ quyền sở hữu đối với các sản phẩm tiềm ẩn là hết sức quan trọng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho địa phương mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo vệ chính trị nội bộ các sản phẩm đặc hữu   vùng miền, đậm nét giá trị văn hóa địa phương.

Việc nắm bắt, thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ lên các sản phẩm của Viện là vô cùng quan trọng.

Nấm Đông trùng Hạ thảo Viện Nông nghiệp
Nấm Đông trùng Hạ thảo Viện Nông nghiệp

Nấm Linh Chi Viện Nông nghiệp

Nấm Linh Chi Viện Nông nghiệp
Nấm Linh Chi Viện Nông nghiệp
Rượu Đông trùng hạ thảo Viện Nông nghiệp

Năm 2021, sản phẩm Rượu Đông trùng hạ thảo đã được đăng ký nhãn hiệu tem mác và hộp tại Cục Sở hữu trí tuệ với số công bố là 4202044462 và 3202002616. Nhãn hiệu Rượu Đông trùng hạ thảo từ đó được biết đến như một phần chính tạo nên thương hiệu của Viện Nông nghiệp Thanh Hoá. Hiện nay Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đang nỗ lực phát triển thương hiệu của mình dành cho người tiêu dùng, để sản phẩm dược biết đến rộng rãi hơn nữa khắp trong và ngoài tỉnh. Quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng nhãn hiệu, tên thương mại Rượu Đông trùng hạ thảo của Viện Nông nghiệp Thanh Hoá có tác động rất rõ nét. Khi đến tay khách hàng những dấu hiệu này được khắc họa hình ảnh của hình ảnh dịch vụ của Viện trong tiềm thức, cũng như tình cảm của khách hàng. Khi nhắc đến một nhãn hiệu hay kiểu dáng của chai rượu thì người tiêu dùng có thể nghĩ ngay đến sản phẩm, đặc trưng của Viện. Nhãn hiệu chính là công cụ marketing đắc lực đối với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa. Bên cạnh đó nhãn hiệu còn hỗ trợ cho chính sách mở rộng, giúp cho quá trình phân phối sản phẩm dễ dàng hơn. Bởi một thực tế dễ nhận thấy, khách hàng khi mua hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn khi mua những hàng hoá có tên gọi hay nhãn hiệu mà họ quen biết từ trước. Nhãn hiệu tốt giúp Viện tạo dựng vị thế, hình ảnh vững chắc trên thị trường nhằm thu hút khách hàng mới, và thu hút đầu tư cũng như thu hút nhân tài.… Nhãn hiệu cũng góp phần trong tăng lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hoá. Ngoài ra nhãn hiệu Rượu Đông trùng hạ thảo của Viện đang có mặt trên thị trường cũng là một rào cản vô cùng quan trọng ngăn cản sự thâm nhập của các đối thụ cạnh tranh mới. Sự thành công của Rượu Đông trùng hạ thảo sẽ là tiền đề, cũng như động lực để Viện tích cực ra tạo thêm nhiều sản phẩm chất lượng có thương hiệu.

Nhãn hiệu Rượu Đông trùng hạ thảo đăng ký thành công
Nhãn hiệu Rượu Đông trùng hạ thảo đăng ký thành công

Từ những nội dung đã trình bày ở trên, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm của Viện trong thời gian tới:

Một là: Tập trung nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ bằng cách cho các cán bộ, người lao động đang trực tiếp sản xuất, phụ trách các nhiệm vụ cơ sở của Viện Nông nghiệp,  tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu về nhãn hiệu, kiểu dáng cho sản phẩm ở mọi quy mô sản xuất.

Hai là:  Lựa chọn, đánh giá các sản phẩm có tiềm năng để tiến hành làm sớm các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ. Định hướng ưu tiên sản phẩm để đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế và nhu cầu về tiếp cận thị trường để sớm đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu độc quyền.

Ba là: Thường xuyên tổ chức triển khai các chương trình giới thiệu sản phẩm của Viện để tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu trên thị trường bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội chợ triển lãm…

Bốn là: Liên tục thực hiện việc khảo sát thị trường nhằm cập nhật thông tin và phát hiện khi sản phẩm của Viện Nông nghiệp có nguy cơ bị đạo, nhái, làm giả sản phẩm để kịp thời có hướng giải quyết. Phối hợp với ban quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khi phát hiện sai phạm liên quan đến quyền sở hữu các sản phẩm mà Viện Nông nghiệp đã đăng ký độc quyền.

Năm là: Sử dụng tem chống hàng giả trên các sản phẩm của Viện đã được đăng ký.

Sáu là: Sử dụng công nghệ in hiện đại và các biện pháp kỹ thuật để đánh dấu, nhận biết, phân biệt trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm nhằm tăng tính thẩm mỹ cũng như tránh việc làm giả, làm nhái các sản phẩm của Viện Nông nghiệp.

Bảy là: Niêm yết mẫu mã, kiểu dáng các sản phẩm đã được đăng kí quyền bảo hộ lên các kênh thông tin về quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm.

Tám là: Thông báo sản phẩm, dịch vụ đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin tuyên truyền và khuyến cáo không được xâm phạm, sở hữu quyền đã được bảo hộ sản phẩm của Viện Nông nghiệp./.

Phạm Thị Lý
Trưởng phòng Phân tích và Thí nghiệm

 

Bài viết liên quan