Đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển cây Quế ( Cinamomum cassia) theo hướng bền vững, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản giá trị kinh tế cao hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  1. Đặt vấn đề

Quế thuộc giống Cinnamomum, họ Long não (Lauracea) là loài cây bản địa lấy vỏ sống lâu năm ở rừng nhiệt đới Việt Nam. Trước đây quế mọc tự nhiên trong rừng hốn giao lá rộng. Tuy nhiên do tình trạng phá rừng tự nhiên nên nay không còn quế tự nhiên mà chỉ còn có cây quế thuần hóa từ quế rừng. Ở Việt Nam có nhiều loài nằm trong chi quế, nhưng có 4 loài quế mọc tự nhiên và được gây trồng khá tập trung ở 4 vùng sản xuất quế truyền thống, gồm: Quế Thanh ( Cinamomum cassia), phân bố chủ yếu dọc theo sườn Đông dãy Trường Sơn, nhất là phía Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi; Cây quế Trung Quốc (cinnamomum Cassia Bl), phân bố rộng ở nhiều vùng nước ta, Cây quế Sài Gòn (Cinnamomum Tamala Nees el Eberm) ) phân bố ở Bắc và Trung bộ.và Cây quế quan (Cinnamomum Zeylanicum Nees), phân bố ở vùng cực Nam Trung bộ.

Ở Việt Nam, theo thống kê có tới 19 tỉnh có điều kiện thuận lợi cho việc trồng quế, gồm: Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu. Hiện cả nước có 150.000ha quế, doanh thu về xuất khẩu quế mỗi năm đạt trên 400tr USD (*3). Các tỉnh trồng nhiều quế gồm Yên Bái (78.000ha, chiếm trên 50% diện tích quế cả nước), Lào Cai (23.400ha), Quảng Ninh (6.000ha), Quảng Nam (4.560ha), huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi (2.000ha), Nghệ An (3.000ha), v.v… Tỉnh Yên Bái hiện đứng đầu cả nước về trồng và xuất khẩu quế , sản lượng vỏ quế mỗi năm có thể đạt tới 20.000T và 600T tinh dầu. Riêng huyện Văn Yên có tới 50.000ha, chiếm 26% diện tích rừng và đất rừng của huyện (139.000ha).

Vùng quế Thanh Hóa được phân bố trên địa bàn một số huyện thuộc phía Tây của tỉnh, nhưng đặc biệt quế Thường Xuân với các địa danh quen thuộc như Bù Đồn, Bù Ta leo, Vạn Xuân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ…. Qué Thanh Hóa còn được biết đến với tỷ lệ tinh dầu khá cao, tối đa có thể tới 5% (*4), vỏ dày, chữa được nhiều bệnh, trong khi đó quế Yên Bái và Quảng Ninh chỉ 1,12- 4% (*5) và các nơi khác là 1-2.       Về năng suất quế của huyện Thường Xuân:  Quế là cây sống lâu năm, ở tuổi trưởng thành 8- 10 năm có thể cao tới 15- 18m, đường kính ngang ngực tới 30- 40cm. Quế vùng Bù Đồn, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Vạn Xuân đường kính trên 20cm có thể cho 60kg vỏ tươi. Trong khi đó quế trồng ở Na Mèo (Quan Sơn) nguồn gốc Bù Đồn chỉ cho 20- 30kg vỏ tươi (*7). Điều đó chứng tỏ vùng sinh thái của quế Thường Xuân có ưu thế vượt trội cả chất và về năng suất sản lượng.

Nhận thức được giá trị của cây Quế. thời kỳ đầu những năm 1980 tỉnh Thanh Hóa  đã chủ trương quy hoạch phát triển quy mô 12.000 ha, trọng điểm cho phát triển cây quế là huyện Thường Xuân; đến năm 1986 toàn tỉnh đã trồng được 2.000 ha, trong đó, lâm trường Sông Đằn trồng được 725ha, diện tích đến tuổi khai thác khoảng 250ha, rừng quế chuyên làm giống 60ha, số còn lại là lâm trường Sông Khao, Na Mèo và người dân trồng phân tán trong vườn nhà. Tuy nhiên do cơn sốt xuất khẩu quế  giữa cuối nhưng năm 1980 và những nguyên nhân khác đã làm suy giảm nghiêm trọng diện tích quế trên địa bàn tỉnh, không đạt được mục tiêu đề ra. Đến nay cây quế Thường Xuân nói riêng, trên địa bàn tỉnh ta nói chung vẫn chưa được xác lập trở thành cây đặc sản, xóa nghèo bền vững cho người dân các huyện, xã có truyền thống trồng quế và cũng chưa có chỗ đứng trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới. Những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định quế là một trong 7 cây trồng đặc sản lợi thế của các huyện miền núi của tỉnh: Tại Quyết định Số 4438/ QĐ – UBND ngày 11/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh, về vệc phê duyệt Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và trong đó xác định nhiệm vụ phát triển cây Quế: Diện tích trồng 7.520 ha ( trồng mới 1.000 ha, trồng bổ sung làm giàu rừng 6500 ha: Quế được trồng chủ yếu tại huyện Thường Xuân 7.300 ha, huyện Lang Chánh 200 ha và huyện Quan sơn 20 ha) Đồng thời chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển bền vững cây Quế ngọc huyện Thường Xuân giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 theo Quyết định Số 343/QĐ – UBND ngày 30/01/2015 của, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong đầu tư phát triển cây Quế trên địa bàn huyện Thường Xuân.

Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện chủ trương  phát triển cây Quế đặc sản lợi thế tại các huyện miền núi của tỉnh kết quả đạt được so mục tiêu, nhiệm vụ đề ra còn hạn chế, cụ thể: Xây dựng nguồn giống mới đạt 200 cá thể cây ưu việt ( cây trội) đạt 20% kế hoạch; trồng được 1514 ha ( hỗn giao keo – quế với tỷ lệ Quế 20% ) và trồng phân tán được 250.000 cây ( đạt 16,7 %/ kế hoạch 1,2 triệu cây ); xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Quế ngọc và được Bộ KH & CN công nhận tai Quyết định Số 4090/QĐ – SHTT ngày 10/10/201, chứng nhận sản phẩm tinh dầu quế và quế thanh Ocop 3 sao…Dù đã nổ lực nhưng kết quả theo yêu cầu đề ra còn khá khiêm tốn như đã nêu trên, đặc biệt là chưa xây dựng định hình được các vùng quế nguyên liệu tập trung có qui mô, đạt sản lượng hàng hóa đủ lớn để cung cấp nguyên liệu gắn với phát triển hệ thống cơ sở, nhà máy chế biến theo chuỗi giá trị hàng hóa cung cấp cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu; chưa hình thành được mô hình phát triển phát triển cây Quế theo chuỗi giá trị như một số địa phương tỉnh bạn để dẫn dắc người dân học hỏi, hưởng ứng phát triển cây Quế…

Từ thực tiễn tình hình phát triển cây Quế trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhằm tiếp tục phát triển cây Quế sớm trở thành sản phẩm đặc sản lợi thế của tỉnh theo Đề án được Chủ tịch tịch UBND tỉnh phê duyệt, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội Tỉnh Đảng bộ Lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025. Chúng tôi, đề xuất Một số giải pháp nhằm phát triển cây Quế (  Cinamomum cassia) theo hướng bền vững, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản giá trị kinh tế cao hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

Một là: Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, ban ngành và tận người dân, chủ rừng về chính sách và pháp luật của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, về ý nghĩa, giá trị to lớn của cây Quế, một loài cây đặc sản và là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế rất cao là biểu tượng của Thanh Hóa ” Quế Thanh”  để cán bộ các cấp ủy chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ  tỉnh đến cơ sở và nhân dân thấm nhuần, hưởng ứng tham gia phát triển gây trồng cây Quế; đồng thời tổ chức truyền thông giới thiệu trực quan cho người dân các mô hình phát triển kinh tế rừng thành công từ trồng cây Quế ở các tỉnh bạn, làm cho mọi người dân trong tỉnh nhận thức được việc trồng và phát triển cây Quế sẽ giúp cho họ thoát nghèo và hướng tới làm giàu từ trồng Quế.

Hai là: Rà soát quy hoạch các vùng phát triển cây Quế trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh trên cơ sở đánh giá chi tiết điều kiện phù hợp của thổ nhưỡng và tiểu vùng  sinh thái, kiến thức bản địa theo quy hoạch 3 loại rừng. Trong đó, chỉ đạo các huyện thực hiện rà soát, điều tra, đánh giá cụ thể diện tích quế hiện có theo cac phương thức trồng ( diện tích trồng phân tán, diện tích cây quế trồng tập trung, trồng hỗn giao dưới tấn rừng tự nhiên trong giai đoạn đến năm 2020 ) và tổ chức quản lý, chăm sóc, sử dụng phù hợp. Đồng thời, để phát huy vai trò đa mục đích của cây Quế trong phòng hộ, cần nghiên cứu qui hoạch phát triển mở rộng cho các huyện ngoài vùng qui hoạch nhưng có quỹ đất và tiểu vùng sinh thái phù hợp để phát triển, góp phần mở rộng diện tích vùng trồng Quế bù đắp diện tích, sản lượng thiếu hụt từ các huyện được quy hoạch những hạn chế nguồn lực trong thực hiện. Các địa phương có điều kiện phát triển cây Quế cần ra soát , xây dựng Đề án phát triển cây Quế chi tiết đến từng cộng đồng dân cư và xây dựng kế hoạch phát triển, xác định phương thức trồng tập trung, trồng hỗn giao dưới tán rừng tự nhiên, trồng phân tán gắn cải tạo vườn tạp của từng thời kỳ trung hạn, dài hạn; định hướng xây dựng loại hình sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm theo phân khúc thị trường trong nước và nước ngoài gắn chỉ dẫn địa lý cây trồng ngay tư khi xây dựng phát triển vùng trồng.

Ba là: Ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng mới, chăm sóc; chế biến, chiết xuất tinh dầu quế: Tập trung xây dựng các rừng giống, vườn giống đạt tiêu chuẩn để cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các vùng trồng trên địa bàn bảo đảm chất lượng, sạch bệnh; nghiên cứu xây dựng bộ quy trình phát triển cây Quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ khâu xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời nghiên cứu tiếp nhận, xây dựng một số mô phát triển cây quế theo chuỗi giá trị phù hợp tiểu vùng sinh thái và điều kiện kinh tế – xã hội ở một địa phương có lợi thế phát triển cây Quế làm cơ sở để thúc đẩy, nhân rộng phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững.

Bốn là: Nhà nước cấp tỉnh, huyện và ngành chuyên môn quan tâm nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển cây Quế trên địa bàn thực sự trở thành cây trồng đặc sản biểu trượng và đa dạng hóa các sản phẩm từ cây Quế tập trung vào những nội dung sau:

– Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng rừng giống, vườn giống tại các huyện vùng quy hoạch phát triển cây Quế

– Hỗ trợ các mô hình phát triển cây Quế đạt qui mô hàng hóa theo chuỗi giá trị thúc đẩy khuyến khích phát triển mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm.

– Hỗ trợ kinh phí cho việc chuyển đổi cơ cấu cây hiệu quả thấp, cải tạo vườn tạp sang trồng cây Quế chuyên canh quy mô lớn;

– Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tiến tới xây dựng thương hiệu và hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm cây Quế theo vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Năm là: Giải pháp về thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường

– Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của cây Quế; tạo cơ chế thông thoáng, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh gọn trong việc thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư phát triển cây Quế.

– Khuyến khích tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, chế biến tinh; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ Quế, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu,…

– Tìm hiểu, đánh giá, dự báo chính xác thị trường tiêu thụ sản phẩm cây Quế, từ đó có định hướng tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo nguồn cung cả  về số lượng và chất lượng sản phẩm; cải tiến mẫu mã, quy cách phù hợp, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng.

– Tăng cường kết nối, học hỏi từ các địa phương tỉnh bạn ( Lào cai, Yên Bái…) có thế mạnh, kinh nghiệm trong trồng, phát triển các sản phẩm, xây dựng thị trường cho cây quế để trao đổi, liên kết … phát triển cây quế nhanh và bền vững.

 – Phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ Quế; tranh thủ cơ hội khi nước ta tham gia Hiệp định thương mại và các cam kết quốc tế đã ký kết; thực hiện tốt các quy định về thương mại, chất lượng, kiểm dịch sản phẩm để tạo được sự tin tưởng cho khách hàng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phầm từ Quế ra thị trường trong và ngoài nước …

Sáu là: Về tổ chức sản xuất

– Xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất cây Quế. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển hợp tác, liên kết, liên minh giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Liên kết với các cơ sở chế biến để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn;

– Thành lập các Hợp tác xã phát triển Quế trên địa bàn huyện: Mỗi HTX có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên, có từ 7 thành viên trở lên; để từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ hiện nay và thực hiện việc cấp mã số vùng trồng  để tham gia thị trường xuất khẩu. Tạo điều kiện cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm Quế, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm OCOP;

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với phát triển cây Quế, nhất là các vùng sản xuất tập trung thông qua các biện pháp như quản lý quy hoạch, đất đai, quản lý chất lượng giống cây trồng, xây dựng và triển khai hệ thống chứng nhận chất lượng sản phẩm; hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu, xúc tiến xây dựng và phát triển các thương hiệu

Là một tỉnh có diện tích tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, qui mô dịch tích rừng và đất rừng lớn (647.000 ha), có nhiều địa phương có tiểu khí hậu và đất đại phù hợp cho phát triển cây Quế Thanh (Cinamomum cassia, hy vọng chương trình phát tiển bền vững cây trồng đặc sản lợi thế của tỉnh nói chung và huyện trọng điểm Thường Xuân nói riêng nhất định thành công. Cây quế sớm được tổ chức phát triển trở thành cây trồng đặc sản có lợi thế trên địa bàn các huyện miền núi, là cây đặc sản truyền thống của Thanh Hóa.

 

Viện trưởng Viện Nông nghiệp
Nguyễn Đình Hải   

Bài viết liên quan