Phát triển sản xuất nghề miến dong Yên Lạc, Như Thanh

Nghề làm miến dong ở xã Yên Lạc, huyện Như Thanh đã có từ lâu. Tuy nhiên, trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong các hộ gia đình và buôn bán nhỏ lẻ tại địa phương và các xã lân cận. Nhằm phát huy nghề truyền thống làm miến dong của địa phương theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế, nghề làm miến dong đã được địa phương quan tâm chú trọng nâng cao chất lượng, hướng tới xây dựng sản phẩm theo hướng hàng hóa, hoàn chỉnh thương hiệu cho sản phẩm miến dong Yên Lạc để sản phẩm được biết đến và tiêu thụ trên cả nước.

(Diện tích trồng dong riềng của người dân xã Yên Lạc)

 Xã Yên Lạc, huyện Như Thanh hiện có 2.400ha đất tự nhiên trong đó diện tích đất màu trên 366ha với thổ nhưỡng chủ yếu là đất đỏ bazan, rất phù hợp đối với cây dong riềng. Đây là 1 điều kiện thuận lợi để cây dong riềng phát triển và cho chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh bột lớn nhất, mùi vị đặc trưng và thơm ngon nhất. Những năm qua, xã Yên Lạc đã quan tâm chỉ đạo bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển diện tích cây dong riềng, tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất miến dong trên địa bàn, đồng thời để phát triển thương hiệu miến dong Yên Lạc thành sản phẩm hàng hóa chính của địa phương. HTX Dịch vụ nông Nghiệp Yên Lạc do ông Phạm Công Bảo làm giám đốc với 17 thành viên tham gia để HTX đứng ra quản lý toàn bộ quy trình sản xuất và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện nay, trong toàn xã đã trồng phát triển được 10 ha dong riềng  với 1 vụ/năm, thời vụ thường bắt đầu từ tháng 1 đến dịp cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, cây dong riềng thu hoạch cũng là thời điểm HTX bắt tay vào vụ sản xuất miến. Để tạo ra được những sợi miến ngon, đảm bảo chất lượng an toàn cho sức khỏe ngay từ khâu trồng rong diềng HTX đã áp dụng quy trình trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ, vừa nâng cao năng suất lại bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Để quản lý tốt các vùng nguyên liệu, các thành viên trong HTX dịch vụ nông Nghiệp Yên Lạc thường xuyên sát sao hướng dẫn các hộ dân làm đúng quy trình từ khâu chọn đất, chọn giống đến khâu thu hoạch. Các hộ trồng dong cũng tham gia quá trình kiểm tra, giám sát, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật trồng, từ đó cho ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch. Bà Lê Thị Oanh, thôn Ao mè, xã Yên Lạc cho biết: “Cây dong riềng là cây dễ tính, ít sâu bệnh, lại chịu hạn tốt nên phù hợp với vùng đất đồi của xã. Năng suất và chất lượng của riềng tùy thuộc vào thời gian trồng, mỗi vụ thu hoạch năng suất thu được khoảng tới 75 đến 80 tấn/ha, đất tốt lên tới 100tấn/1ha, với giá thu mua của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc từ 2.100 – 2.200đ/1kg. Sau khi trừ chi phí gia đình tôi còn lãi gần 70-80.000 triệu đồng/ha”

(Quy trình sản xuất miến dong Yên Lạc)

Ông Phạm Công Bảo cho biết quy trình làm miến trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu trồng dong riềng đến thu hoạch củ, dong già sau khi thu về sẽ được đưa vào lồng máy rửa sạch đất, sau đó qua máy nghiền để nghiền thành bột thô. Bột dong thô sẽ được đưa vào đánh nhuyễn nhiều lần bằng máy để tinh bột được ra hết, sau đó cho vào bể bơm đầy nước cho tinh bột lắng xuống. Sau khoảng 5 – 7 lần lọc bột loại bỏ tạp chất,  thu về bột dong nguyên chất sau đó bột được làm chín và đưa qua khuôn cắt thành sợi. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Và cũng chỉ miến được phơi nắng mới đảm bảo được hương vị thơm ngon chuẩn của dong. Sợi miến nhỏ có màu trong hơi xám, khi nấu sợi dẻo, mềm, độ dai vừa phải, không bị nát, có vị thơm ngon của dong riềng. Quy trình làm miến dong hoàn toàn 100% tinh bột miến được chế biến từ củ dong riềng được trồng tại địa phương, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Tất cả những công việc này đòi hỏi sự tâm huyết, công sức, tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo từ đôi bàn tay của bà con nông dân thành viên HTX nông nghiệp Yên Lạc vì vậy sản phẩm miến dong không chỉ là một món hàng hóa đơn thuần mà còn chứa đựng những gì đặc trưng nhất thể hiện nét văn hóa địa phương, văn hóa ẩm thực qua từng sợi miến được làm ra của vùng. Để hội nhập với nền nông nghiệp số hiện nay, HTX còn chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến dong Yên Lạc, sản phẩm được đóng gói bao bì bắt mắt, đăng ký mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc chứng nhận chất lượng sản phẩm và đăng ký bán trên các trang thương mại điện tử. Năm 2020-2021, HTX dịch vụ nông nghiệp tiêu thụ trên 1500 tấn nguyên liệu củ dong riềng, đạt 30 tấn tinh bột, sản xuất ra gần 10 tấn sản phẩm là miến dong, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập bình quân 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện tại đầu ra của sản phẩm được phân phối tại các đại lý, các chợ lớn tại hơn 20 điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và cung cấp đi các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Đồng Nai, Kon Tum.. và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của Huyện Như Thanh.  Nhờ việc đầu tư sản xuất và kinh nghiệm sản xuất truyền thống nên sản phẩm miến dong Yên Lạc của cơ sở HTX dịch vụ Nông nghiệp Yên lạc được các thương lái lựa chọn. Hiện sản phẩm được bán lẻ với giá 75-90.000đồng/kg. So với các loại miến rong khác, miến rong Yên Lạc không rẻ hơn nhưng làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu nhất là vào dịp lễ tết luôn trong tình trạng cháy hàng. Một tiểu thương tại chợ Điện Biên cho biết “Miến dong Yên Lạc sợi mềm, nhỏ nhưng nấu lên dai, trắng đẹp mắt. Hơn nữa, sản phẩm làm hoàn toàn từ bột dong không chạy theo lợi nhuận mà pha trộn loại bột khác và chất bảo quản, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ vậy, HTX Dịch vụ nông Nghiệp Yên Lạc cũng rất chú trọng hình thức sản phẩm với bao bì nhãn mác đẹp, đầy đủ thông tin theo quy định, đóng gói túi nhỏ nên tiện sử dụng hàng ngày”. Những năm vừa qua, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được xã Yên Lạc quan tâm phát triển và là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Do đó, miến dong là sản phẩm được xã lựa chọn là sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển, xây dựng thương hiệu và quảng bá đến người tiêu dùng trong cả nước. Năm 2021, trải qua quá trình hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, đánh giá sản phẩm miến dong Yên Lạc, Như Thanh được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh. Nhờ đó miến dong Yên Lạc càng khẳng định được thương hiệu, đảm bảo chất lượng và quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Ông Lê Xuân Chinh, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết:  “Để nhân rộng diện tích cây dong riềng trên địa bàn xã, nhằm giúp nhân dân về vốn Vừa qua, HĐND xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đặc biệt quan tâm đến cơ chế thưởng trong xây dựng Nông thôn mới và thưởng cho các chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc qia. Triển khai nghị quyết này, Xã Yên lạc sẽ vận động người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng, hỗ trợ 50%  tiền giống sản xuất để xã sẽ phát triển ổn định diện tích cây dong riềng nhằm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ”

Để xây dựng và phát triển thương hiệu lớn mạnh hơn trong những năm tới, định hướng sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc đó là tiếp tục đẩy mạnh công việc chế biến miến dong theo hướng hàng hóa,mở rộng quy mô trồng dong lên 25ha; từng bước đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường,mở rộng quy mô kho xưởng, bể lắng lọc, sân phơi,… phấn đấu năm 2022 đạt được 70-80 tấn sản phẩm ra thị trường; luôn quan tâm đến chất lượng, nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, để HTX ngày càng phát triển, thương hiệu miến dong Yên lạc ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Bên cạnh đó HTX cũng đề ra chính sách hỗ trợ đối với những hộ nông dân mở rộng diện tích trồng riêng, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, ổn định đầu ra và tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân của xã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội địa phương./.

Phương Thuý

Trạm Kết Nối Cung Cầu và Hội chợ triển lãm- Trung tâm tư vấn quy hoạch Thị trường và chiến lược PTNN

Bài viết liên quan