Công tác sản xuất thương phẩm các giống keo lai tại viện nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 185, ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, về việc ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2025; Quyết định 252/QĐ-VNN ngày 02/6/2021 của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, đơn vị trực thuộc, Phòng Phân tích và thí nghiệm được giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng có giá trị để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống đồng thời cung ứng giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Hiện nay nuôi cấy mô đã không còn xa lạ với ngành nông nghiệp, chính vì vậy việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển tất yếu hiện nay. Nuôi cấy mô có vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp nhằm tạo ra các giống cây có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh. Phòng Phân tích và thí nghiệm – Viện Nông nghiệp đã nghiên cứu, làm chủ được nhiều quy trình công nghệ và đưa vào sản xuất thành công nhiều giống cây nông – lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Năm 2021, phòng đã đi tiếp nhận Công nghệ nuôi cấy Keo lai bằng phương pháp in vitro từ Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp – Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam.

Hiện nay, Phòng PTTN ưu tiên đến lĩnh vực công nghệ sinh học, ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất các cây giống nông – lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có giống cây Keo lai nuôi cấy mô. Keo lai là giống lai tự nhiên giữa keo tai tượng và keo lá tràm. Đây là loại cây lâm nghiệp có nhiều đặc điểm phù hợp trong phát triển rừng trồng của nước ta. Đây là loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, phù hợp với nhiều vùng sinh thái lâm nghiệp.

Cây Keo Lai nuôi cấy mô có ưu điểm là thời gian sinh trưởng nhanh; năng suất cao, có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn hẳn, thân lên thẳng, ít phân nhánh; có rễ cọc chắc chắn, thân dẻo dai nên chịu được gió mạnh, hạn chế được gãy đổ. Rừng trồng từ giống Keo Lai nuôi cấy mô thường rất ít khi bị rủi ro giảm chi phí cho người trồng rừng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, Phòng Phân tích và Thí nghiệm đã nỗ lực, kết nối để có thể tiếp nhận công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật nắm vững công nghệ sản xuất về giống cây Keo lai nuôi cấy mô.

Keo lai là loài cây trồng quan trọng và có triển vọng trong nhiều chương trình trồng rừng ở Việt Nam, đặc biệt trên những vùng đất bị thoái hóa.

Trong quản lý giống cây lâm nghiệp thì yếu tố chất lượng di truyền của giống là quan trọng nhất vì nó quyết định năng suất và chất lượng của rừng trồng. Cây keo lai nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô có những ưu điểm:

– Các cây con đồng nhất về mặt di truyền, mang đây đủ những ưu thế lai của cây mẹ.

– Hệ số nhân cao, rút ngắn thời gian đưa giống vào sản xuất.

– Nhân được một số lượng cây lớn trong một diện tích nhỏ. Trong 1m2 nền có thể để được tới 18.000 cây.

– Cây được làm sạch bệnh và không tiếp xúc với các nguồn bệnh vì vậy bảo đảm các cây giống sạch bệnh, khoẻ mạnh.

– Cây keo lai cấy mô sau khi trồng có tốc độ sinh trưởng nhanh và đồng đều, thân lên thẳng, ít phân nhánh, không chẻ thân, có rễ cọc chắc chắn, thân không giòn, chịu được gió mạnh, ít đổ ngã nên có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ, nâng cao giá trị kinh tế.

Quy trình tạo ra cây keo lai nuôi cấy mô:

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Viện nông nghiệp Thanh Hóa cho phép cải tạo cơ sở vật chất để phát triển công nghệ nuôi cấy mô nhằm tập trung sản xuất, phát triển cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô cung cấp giống cho thị trường.

Cây Keo giống baừng phương pháp nuôi cấy mô

Phấn đấu sau năm 2025 cây keo lai NCM là cây mũi nhọn của VNN, thương mại hóa sản phẩm. Hoàn thiện công nghệ sản xuất cây Keo lai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tham gia nghiên cứu sản xuất. Chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong và ngoài tỉnh để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất. Phấn đấu đáp ứng được nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hướng tới trở thành đơn vị đi đầu trong việc cung ứng nguồn cây giống chất lượng cao, mở rộng thị trường không chỉ tại tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Giống Keo lai trong phòng thí nghiệm

Đỗ Thị Thảo
KS. Phòng Phân tích và Thí nghiệm

Bài viết liên quan