NẤM LINH CHI VÀ CÁCH SỬ DỤNG, PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC

  1. Sơ lược về Nấm Linh chi

Nấm Linh Chi, tên khoa học là Ganoderma lucidum, thuộc họ nấm lim (Ganodermataceae), còn có những tên gọi khác như Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên thanh. Nấm linh chi được xếp vào loại thượng phẩm, là một vị thuốc quý trong “Thần nông bản thảo” và “Bản thảo cương mục”. Trong y học hiện đại, tác dụng của nấm linh chi vẫn được các nhà khoa học ở nhiều nơi trên thế giới nghiên cứu và phát hiện thêm theo thời gian.

Theo sách Nấm Lớn ở Việt Nam của giáo sư Trịnh Tam Kiệt, chi Ganoderma trên thế giới có hơn 50 loài, riêng ở Trung Quốc có 48 loài, Việt Nam có khoảng 37 loài. Linh chi phân bố ở các rừng có nhiều loại gỗ cây lá rộng, nhất là rừng gỗ Lim nên còn gọi là nấm Lim. Hiện tại, chỉ có 6 loại nấm linh chi được đưa vào nghiên cứu tường tận công dụng của nó, đó là nấm linh chi đỏ, vàng, xanh da trời, tím, đen, trắng. Trong 6 loại này, linh chi đỏ và đen là có hoạt tính trị liệu tốt nhất.

Việc nuôi trồng nấm Linh Chi theo quy mô công nghiệp được bắt đầu vào năm 1936 với thành công của giáo sư Dật Kiến Vũ Hưng (Nhật). Năm 1971, Naoi Y nuôi trồng tạo được quả thể trên nguyên liệu là mùn cưa. Năm 1979, sản lượng nấm khô ở Nhật đạt 5 tấn/năm, thì đến năm 1995 sản lượng đã tăng 200 tấn/năm. Quy trình nuôi trồng của Nhật sử dụng chủ yếu là gỗ khúc và phủ đất, nên cho tai nấm to và năng suất cao, nhưng lại dễ bị sâu bệnh và cạn kiệt nguồn gỗ. Ở Thượng Hải, người ta sử dụng mạt cưa và một số phế liệu của nông lâm nghiệp, là cải tiến lớn so với cách trồng của Nhật. Nguyên liệu được cho vào chai, lọ để khử trùng rồi cấy giống. Các chai lọ được xếp lên nhau thành nhiều lớp trên mặt đất, để tưới và thu hái nấm. Ở Việt Nam việc nuôi trồng nấm Linh Chi bắt đầu từ TP.Hồ Chí Minh vào năm 1987, sau đó lan ra cả nước. Tổng sản lượng nấm Linh Chi nuôi trồng trong nước khoảng 60-65 tấn khô/năm.

  1. Tác dụng của Nấm linh chi

Từ lâu, linh chi được ghi nhận như một loại dược liệu quý, sử dụng trong nhiều bài thuốc cổ. Những tác dụng của nấm linh chi đã được các nhà khoa học phát hiện và kiểm nghiệm tính cho đến thời điểm này:

 – Tác dụng của Nấm linh chi với hệ miễn dịch: Tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, giúp kháng lại các loại virus, vi khuẩn. Trong điều trị viêm gan siêu vi, nấm linh chi có tác dụng nâng cao hoạt tính của đại thực bào và tế bào Lympho nhờ tăng chức năng sản xuất Interferon trong cơ thể; làm sản sinh phong phú các loại vitamin, chất khoảng, chất đạm cần thiết cho cơ thể.

 – Đối với hệ tiêu hóa: Linh Chi giúp làm sạch ruột, thúc đẩy hệ tiêu hóa, chống táo bón mãn tính.

– Đối với hệ thần kinh: Làm giảm mệt mỏi căng thẳng, giúp an thần, làm giảm ảnh hưởng của Caffeine, thư giãn cơ bắp. Dùng Nấm linh chi để hỗ trợ trị chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược, stress sẽ có hiệu quả tốt.

– Đối với hệ bài tiết: Nhóm Sterois trong Nấm linh chi có tác dụng giải độc gan, bảo vệ gan, ngừng tổng hợp Cholesterol, trung hòa virus, ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nên có hiệu quả tốt đối với bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ.

– Đối với hệ tuần hoàn: Nấm linh chi giúp chống nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch và các biến chứng khác. Có tác dụng đặc biệt trong việc làm giảm Cholesterol trong máu và các thành mạch, trợ tim, lọc sạch máu, giảm xơ cứng thành động mạch, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tăng cường tuần hoàn máu.

 – Tác dụng hỗ trợ chống ung thư: Chất Germanium trong nấm linh chi giúp ngăn chặn ung thư trong cơ thể , giúp loại trừ và kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư..

– Phòng và hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường: Trong Linh Chi có thành phần Polysacchanride giúp khôi phục tế bào tiểu đảo tuyến tụy và từ đó thúc đẩy quá trình điều tiết Insulin, cải thiện nhiều chức năng cơ bản của Insulin, làm giảm đường huyết trong máu người mắc bệnh tiểu đường.

– Tác dụng chống dị ứng: nhờ các Acid Ganoderic, Nấm linh chi tác dụng như một chất oxy hóa khử các gốc độc trong cơ thể và chống ảnh hưởng của các tia chiếu xạ. Nấm linh chi cũng có tác dụng giúp cơ thể thải nhanh các chất độc kể cả các kim loại nặng.

 – Tác dụng làm đẹp da của Nấm linh chi: Nấm linh chi giúp loại bỏ các sắc tố lạ trên da, làm đẹp da, làm cho da hồng hào, chống các bệnh ngoài da như dị ứng, mụn trứng cá.

  1. Phòng tránh ngộ độc Nấm Linh chi

*Sử dụng nấm linh chi đúng cách

Để bảo toàn dược chất và phát huy tối đa công dụng, bạn cần dùng linh chi đỏ đúng cách. Nấm nấu lấy nước, hãm như trà, ngâm rượu hoặc xay nhuyễn để nấu canh, hầm với xương thịt tạo thành món súp. Món ăn này rất tốt cho người vừa trải qua bạo bệnh, người già yếu hay trong quá trình hóa xạ chữa ung thư.

Lưu ý: Nấm linh chi nên dùng vào mỗi buổi sáng, lúc bụng đói. Uống nhiều nước làm tăng công hiệu thải độc của nấm. Khi sử dụng có biểu hiện đi tiểu nhiều lần chứng tỏ nấm tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể.

Khi đun, hãm linh chi có thể kết hợp thêm cam thảo, táo tàu, atiso, hoặc cỏ ngọt để giảm bớt vị đắng, giúp dễ uống mà không làm ảnh hưởng đến dược tính. Nên kết hợp thêm vitamin C khi uống linh chi vì sẽ làm tăng hấp thu dược chất trong nấm.

*Những người không nên dùng nấm linh chi

Nấm linh chi rất tốt cho người bệnh cao huyết áp nhưng nó lại không tốt với những người huyết áp thấp hay người chuẩn bị phẫu thuật. Bởi với những người bệnh huyết áp thấp khi sử dụng nấm linh chi làm huyết áp xuống quá thấp gây nên tình trạng hoa mắt chóng mặt, buồn nôn ảnh hưởng không tốt đến tình trạng hình thành các màng máu, tình trạng chảy máu mất kiểm soát.

Những người vừa mới phẫu thuật hay đang chờ phẫu thuật không nên sử dụng nấm linh chi bởi cơ thể lúc này cần sự ổn định để theo dõi các tác dụng phụ trước và sau phẫu thuật.

Người hay bị chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn cũng không nên dùng nấm linh chi bởi nó sẽ càng tăng bệnh hơn.

Người bị dị ứng với họ nấm cần thận trọng khi dùng nấm linh chi.

*Cách phát hiện nấm linh chi bị mốc

Khi thấy nấm có hiện tượng nhiễm mốc phải loại bỏ, không được sử dụng dưới hình thức nào. Có thể phát hiện mốc dưới mũ quả thể của nấm.

Về nguyên tắc, mặt dưới của nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum), có màu trắng hoặc trắng vàng. Một số trường hợp người bán phát hiện ra nấm mốc đã dùng cồn lau. Lúc này, mặt dưới nấm sẽ bị mất màu, chuyển từ màu trắng/ trắng vàng sang màu thâm đen. Nên khi thấy mặt dưới mũ quả thể có màu này có thể nghi ngờ nấm đã bị nhiễm mốc, không mua hoặc dùng.

“Lau cồn có thể diệt được nấm mốc nhưng các chất trong nấm mốc vẫn thẩm thấu vào mặt dưới mũ quả thể mà chúng ta không xử lý được hết”, TS Ngô Xuân Nghiễn phân tích.

Phương pháp phơi sấy để chống nấm mốc: Nếu có nắng tốt, có thể phơi nấm 2-3 nắng, sau đó sấy ở nhiệt độ thấp ở khoảng 42-48 độ C. Nấm sẽ dần giảm độ ẩm về ngưỡng dưới 12%, đạt độ ẩm bảo quản. Mang nấm linh chi khô, bảo quản trong túi chống ẩm hay hút chân không. Nếu bảo quản tốt bằng cách này có thể dùng trong vòng một năm

Nông Thị Hồng
Chuyên viên Phòng Phân tích & Thí nghiệm

Bài viết liên quan