Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng 18-1, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Viện đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kéo dài lộ trình tự chủ của Viện Nông nghiệp đến năm 2025. Kiện toàn, bổ sung các vị trí cán bộ chủ chốt của Viện. Thực hiện cơ chế giao khoán nhiệm vụ theo hướng lượng hóa kết quả để phát huy năng lực, sở trường của từng viên chức theo vị trí việc làm…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Về nhiệm vụ chuyên môn, trong năm 2021 Viện đã thực hiện 26 nhiệm vụ đặc thù thuộc 8 nhóm nhiệm vụ. Qua đó, đã sang bầu 15.000 cây lâm nghiệp bản địa, ươm tạo 5.000 giống cây vạng trức, 10.000 cây sưa, chọn được 225 cây dự tuyển. Thực hiện nghiên cứu, chọn tạo 4 ha giống lúa; thu thập, đánh giá nguồn vật liệu trên 0,6 ha cây trồng, thu được 200 vật liệu, đánh giá 100 vật liệu phục vụ công tác lai chọn tạo giống mới; bảo tồn nguồn gen vịt Cổ Lũng, ngan sen, bò vàng, cá bống bớp…

Trong năm Viện đã thực hiện 13 nhiệm vụ khoa học – công nghệ, trong đó có 4 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 9 nhiệm vụ cấp tỉnh. Hiện đã có 2 nhiệm vụ cấp Nhà nước và 4 nhiệm vụ cấp tỉnh được phê duyệt. Nhìn chung các đề tài, dự án ngày càng được tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, có tính ứng dụng cao vào đời sống sản xuất.

Toàn cảnh Hội nghị

Năm 2022, Viện Nông nghiệp định hướng tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm về chuyên môn, gồm: Chọn tạo, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng quy trình kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, dịch vụ, xúc tiến thương mại đầu tư; phát triển nguồn lực khoa học – công nghệ và tiếp tục thực hiện tốt hoạt động tư vấn, quy hoạch thị trường.

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Nguyễn Đình Hải phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa trong năm 2021. Đồng thời, lưu ý một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí đề nghị thời gian tới Viện cần tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Tiếp tục chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân của Viện. Xây dựng tinh thần đoàn kết trong lãnh, chỉ đạo, phân công công việc rõ ràng, cụ thể. Sử dụng có hiệu quả các công trình, máy móc, thiết bị, nguồn tài nguyên, nguồn lực đã và đang được đầu tư. Quan tâm, chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thích ứng với cơ chế thị trường. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu của tỉnh. Quản lý tốt các dự án được giao đầu tư thực hiện, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học – công nghệ từ cấp Nhà nước đến tỉnh.

Phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ trong xây dựng sản phẩm OCOP.

Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc liên kết, liên doanh sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại hội nghị.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã trao Huân chương Lao động hạng ba cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang trao Huân chương Lao động hạng ba cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.

Nhiều cá nhân, tập thể đã được nhận Giấy khen của Viện vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Nguồn: Báo Thanh Hóa.

ST: Trần Anh Đức
Chuyên viên Văn phòng

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

Ngày 14/7/2021 Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp Sơ kết công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; thành phần tham gia hội nghị bao gồm Lãnh đạo Viện, Chánh Văn phòng; trưởng, phó các phòng trực thuộc; Chủ tịch Công đoàn và Bí thư ĐTN Viện cùng toàn thể cán bộ VC-HĐLĐ khối Văn phòng Viện.

Tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp gây nhiều cản trở, khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội chung

Sáu tháng đầu năm 2021, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài; dịch bệnh trên đàn gia súc chưa được khống chế… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân; ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động nghiên cứu và sản xuất của cán bộ, viên chức và người lao động toàn Viện. Trong bối cảnh đó, toàn Viện đã đồng lòng, nhất trí phát huy thế mạnh và khắc phục khó khăn, đồng thời tranh thủ được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành và địa phương trong tổ chức nhiệm vụ đã đạt được những kết quả nhất định.

Viện trưởng Nguyễn Đình Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Đầu tiên và nổi bật nhất đó là được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kéo dài lộ trình tự chủ của Viện Nông nghiệp đến năm 2025 tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/6/2021.

Các kế hoạch, nhiệm vụ theo Quyết định 1426/QĐ-UBND ngày 24/4/2021 được giao đến các phòng, đơn vị ngay từ đầu năm với các chỉ tiêu cụ thể, cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, đảm bảo các nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo về hồ sơ.

Các đề án, dự án, đề tài ngày càng được tăng lên về số lượng, nâng cao về chất lượng, hoạt động chuyển giao KHCN vào thực tiễn sản xuất rõ nét.

Công tác dịch vụ, sản xuất kinh doanh từng bước ổn định.

Sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao của các Lãnh đạo tỉnh cũng như Trung ương dành cho Viện Nông nghiệp là một nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của Viện

Hệ thống quy chế, quy định đã cơ bản được hoàn thiện, kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường, nâng cao chất lượng cán bộ, viện chức, người lao động.

Không ngừng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức là ưu tiên hàng đầu của Viện Nông nghiệp

Công tác thi đua được quan tâm, từng bước đi vào thực chất, xây dựng môi trường làm việc theo văn hóa kỷ luật, những người tích cực có cơ hội được cống hiến; niềm tin, tinh thần làm việc trong đa số viên chức, người lao động được tăng cường theo hướng tích cực, phát huy sức mạnh tập thể và khả năng sáng tạo, cống hiến của của viên chức, người lao động trong toàn Viện.

Các sáng kiến Nâng cao chất lượng trong công việc luôn được ban Lãnh đạo Viện chú trọng khuyến khích phát huy, nhân rộng

Bênh cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như: Một số nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trọng điểm chậm được giải quyết dứt điểm; công tác đấu thầu còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết; tiến độ giải ngân các chương trình, đề án chậm; các phong trào thi đua chậm đổi mới về nội dung, hình thức thực hiện; một số nhiệm vụ nghiên cứu, đặt hàng sản phẩm còn hạn chế về đối tượng nghiên cứu và hàm lượng KHCN; hệ thống quy chế, quy định, nội quy ở một số trung tâm chưa được được ban hành hoặc chấp hành chưa nghiêm dẫn đến hoạt động điều hành hiệu quả hạn chế; các hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo đề, đề tài cấp cơ sở, bài báo, bản tin, ứng dụng công nghệ thống tin chưa được thực hiện.

Để hoàn thành mục tiêu kéo “vừa phòng chống dịch Covid 19 vừa phát triển kinh tế”, thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm cụ của Viện trong 6 tháng cuối năm 2021, Viện trưởng yêu cầu các phòng, đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết liệt  và hoàn thành toàn diện, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất.

Bài viết căn cứ theo Thông báo số 355/TB-VNN của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa về việc Thông báo kết luận của Viện trưởng Viện Nông nghiệp tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Trần Anh Đức
Văn phòng Viện

Triển vọng của mô hình nuôi đông trùng hạ thảo Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

(Baothanhhoa.vn) – Không ngẫu nhiên mà đông trùng hạ thảo (ĐTHT) được mệnh danh là “thần dược”. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ĐTHT tốt cho sức khỏe con người, giúp bồi bổ cơ thể, khả năng ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể… Với tiến bộ khoa học – kỹ thuật, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, nuôi cấy thành công nấm ĐTHT trong môi trường nhân tạo, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

[…]

Hơn 2.000 ha lúa vụ thu mùa ở Thanh Hóa có nguy cơ bị hạn

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa, thời điểm đầu vụ thu mùa 2019, dự báo có khoảng 94 hồ chứa nước nhỏ mực nước xuống thấp gần hoặc dưới mực nước chết.

Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa nhận định có khoảng hơn 2.000 ha lúa thu mùa có nguy cơ bị hạn, tập trung ở các huyện: Triệu Sơn, Tĩnh Gia, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa.

Để chủ động trong công tác chống hạn cho diện tích lúa được tưới bằng hồ đập nhỏ, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đề nghị các đơn vị thủy nông và chính quyền các địa phương thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ, điều hòa phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, tưới luân phiên trên các cấp kênh trong từng hệ thống tưới; phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành dẫn nước tưới theo phương châm xa trước, gần sau, nhất là thời kỳ căng thẳng về nguồn nước.

 

Trong trường hợp mực nước trong hồ thấp hơn mực nước chết, các đơn vị thủy nông, địa phương huy động máy bơm dầu dã chiến để bơm nước phục vụ tưới và chống hạn.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu mùa 2019 sẽ có các loài sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, như: Bệnh lùn sọc đen phương nam có nguy cơ gây hại cao; sâu cuốn lá dự kiến sẽ có 3 lứa, gây hại nặng trên diện rộng, nhất là ở các huyện ven biển, vùng bán sơn địa, trên trà lúa mùa sớm, chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.

Sâu đục thân 2 chấm dự báo sẽ phát sinh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên lúa mùa sớm và chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh và đến giữa tháng 9 sẽ gây hại nặng cho trà lúa trổ muộn giai đoạn trổ đến chín sữa. Rầy nâu, rầy lưng trắng dự báo sẽ gây hại nhẹ ngay từ giai đoạn mạ, gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ – chín sữa, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ gây cháy cục bộ trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đen lép hạt dự báo sẽ gây hại nặng trên các giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc, nhất là trên những ruộng bón thừa đạm, làm đất không kỹ…

Trên cơ sở dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh có thể xảy ra trong vụ thu mùa, vào các giai đoạn cụ thể, ngay từ đầu vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong toàn vụ thu mùa 2019.

Để bảo vệ cây trồng trước nguy cơ sâu bệnh trong vụ thu mùa 2019, với phương châm phòng là chính, nên ngay từ khi thu hoạch lúa chiêm xuân, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch lúa chiêm xuân đến đâu khẩn trương giải phóng đất đến đó nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh. Thành lập ban chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, dự tính khả năng phát sinh của các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng, trừ thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đã có kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành nông nghiệp, các đơn vị truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, phát hiện dịch hại và các biện pháp phòng, trừ hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.

Đồng hành cùng với các địa phương trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa, từ tháng 5-2019, chi cục bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ thu mùa năm 2019, từ đó làm cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai thực hiện. Chi cục bảo vệ thực vật cũng đang đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo chính xác tình hình dịch hại; đồng thời, kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến và sự phân bố của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, dự tính khả năng phát sinh trong thời gian tới, xác định mức độ gây hại để tham mưu kịp thời các biện pháp xử lý cho các địa phương. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, nhất là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu, tuyên truyền và triển khai xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, xây dựng các chương trình giám sát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.

Nông dân xã Quảng Bình (Quảng Xương) chăm sóc lúa vụ thu mùa.

Để công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa đạt hiệu quả cao, chi cục bảo vệ thực vật khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) khi thực hiện phun trừ các đối tượng sâu hại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng, tức là: 3 giảm gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm phân đạm; 3 tăng gồm: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế. Hoặc ứng dụng công nghệ SRI, gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân dúi vào sản xuất… nhằm tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, tăng tính chống chịu với dịch hại. Hạn chế tối đa những giống lúa nhiễm rầy, mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen phương nam vào gieo trồng trong vụ thu mùa.

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững

Quản lý rừng bền vững là một bộ phận của phát triển bền vững, nghĩa là sự phát triển có hiệu quả về kinh tế, không gây tác hại đến môi trường sống (kể cả của người và các loài sinh vật) và có đóng góp thiết thực cho giải quyết các vấn đề xã hội cho hiện tại và tương lai. Phát triển bền vững là một yêu cầu cấp bách hiện nay của toàn thế giới, vì trong quá khứ và hiện tại, sự phát triển không bền vững đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, đe dọa sự sống còn của chính con người…

Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam, quản lý rừng không bền vững đã và đang là nguyên nhân chủ yếu làm cho diện tích rừng ngày một giảm, năng suất và chất lượng rừng ngày càng kém, nhiều loài cây rừng và động vật hoang dã ngày càng ít đi hoặc tuyệt chủng. Môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng như lũ lụt, khô hạn, xói mòn đất ngày một gia tăng. Đời sống của người dân, nhất là ở các cộng đồng địa phương sống trong và gần rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với việc phát triển rừng trồng nhanh chóng như hiện nay, nếu việc chọn loài cây trồng không phù hợp có thể làm xói mòn đất, rừng bị sâu bệnh, năng suất kém; không giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong quản lý rừng sẽ dẫn đến khai thác trộm hoặc lấn chiếm đất rừng, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của rừng… Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) là bước ngoặt lịch sử của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. VPA nhằm mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào châu Âu là hợp pháp và thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở các nước xuất khẩu gỗ thông qua nâng cao hiệu lực pháp luật và năng lực quản lý điều hành.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.120.600 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 647.677 ha, chiếm hơn 53% diện tích chung của toàn tỉnh. Rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và đặc dụng 246.000 ha, rừng sản xuất chủ yếu là rừng trồng 366.000 ha. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, với 71.053 ha. Sản lượng khai thác gỗ những năm gần đây đạt 1.200.000 m3/năm, trong đó có khoảng 80% là gỗ keo lá tràm và keo Úc lai, đóng góp một phần không nhỏ cho xuất khẩu. Do đó, việc thực hiện quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 28) ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là nội dung cấp bách.

Thực hiện Điều 27, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15-11-2017 của Quốc hội khóa XIV; Điều 87, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư 28 về quản lý rừng bền vững và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, theo đó:

Nội dung phương án quản lý rừng bền vững: Sở NN&PTNT yêu cầu các chủ rừng tổ chức (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các đồn biên phòng và các công ty lâm nghiệp) căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 và Phụ lục II Mẫu phương án quản lý rừng bền vững ban hành kèm theo Thông tư 28 để xây dựng phương án cho phù hợp với điều kiện của đơn vị. Chủ rừng tự xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm hộ, Sở NN&PTNT khuyến khích các chủ rừng tự nguyện xây dựng hoặc liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; nội dung hướng dẫn tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 28.

Trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12, Thông tư 28. Trong đó, Sở NN&PTNT quy định trình tự thực hiện như sau: Chủ rừng nộp 1 bộ hồ sơ đến Sở NN&PTNT để được kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng hoàn thiện phương án và bổ sung hồ sơ (nếu thiếu). Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở NN&PTNT xem xét, lấy ý kiến các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương về nội dung phương án. Trường hợp nội dung phương án quản lý rừng bền vững đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt phương án; trường hợp nội dung phương án chưa đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ rừng biết để bổ sung, hoàn thiện phương án trong thời hạn 5 ngày làm việc trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt phương án. Hồ sơ phương án quản lý rừng bền vững gồm: Tờ trình của chủ rừng theo quy định tại Phụ lục VI, phương án theo quy định Phụ lục II; các loại bản đồ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Thông tư 28.

Thời gian và kinh phí xây dựng phương án: Các chủ rừng tổ chức khẩn trương xác định lộ trình xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện phương án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II-2020. Nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện phương án do chủ rừng tự huy động từ nguồn vốn hợp pháp hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để hỗ trợ xây dựng phướng án quản lý rừng bền vững phù hợp với mục đích sử dụng rừng của từng chủ rừng. Ở những nơi được chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ rừng được sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 70, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, từ tháng 2 năm 2018 đến nay, thông qua Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 (Dự án FCPF-2) đã hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đến nay, phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đây là chủ rừng tổ chức đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phương án và đưa phương án quản lý rừng bền vững vào thực hiện. Kết quả này là tiền đề để các chủ rừng là tổ chức học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Sở NN&PTNT tổ chức khóa tập huấn chuyên đề về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng là tổ chức. Với những hỗ trợ tích cực của dự án đã và đang góp phần để việc triển khai xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả khả quan.

Kiểm tra công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP. Thanh Hóa

Sáng 26/6/2019, đồng chí Nguyễn Viết Thái – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Cùng đi có đại diện phòng Chăn nuôi, Văn phòng Sở, Chi cục Thú y và các đơn vị có liên quan.

Đoàn công tácđã đi kiểm travà chỉ đạo thành phố Thanh Hóa cũng như các huyện có kênh Bắc đi qua tiến hành lập rào chắn trên kênh Bắc nhằm ngăn rác, xác động vật vứt trên kênh, bảo vệ môi trường cũng như ngăn ngừa lây lan dịch tả lợn Châu Phi.

Kiểm tra thực tế tạicống Mật Sơn, phường Đông Vệ và cống Đường Sắt, phường Phú Sơn, đồng chí Nguyễn Viết Thái – Phó Giám đốc Sởđề nghịUBND thành phố Thanh Hóa sớm lập rào chắn trên kênh Bắc điểm tiếp giáp với huyện Đông Sơn để ngăn xác động vật, rác trôi vào địa bàn thành phố. Các huyện có tuyến kênh Bắc đi qua như: Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đồng Sơn, Quảng Xương cũng như Công ty TNHH một thành viên Sông Chu thường xuyên trực gác trên các cống, các rào chắn trên tuyến kênh, kịp thời trục vớt xác động vật, rác thải, tiến hành tiêu hủy theo đúng hướng dẫn để khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước, môi trường và phòng chống sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi. Các hóa chất, vải bạt sau khi tiêu hủy phải được phun tiêu độc khử trùng rắc vôi bột để không ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Hiện dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, do đó tình trạng vứt xác lợn chết trên các tuyến kênh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh. Việc lập rào chắn, quản lý chặt tình trạng người dân vứt xác động vật, rác xuống kênh sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và ngăn chặn sự lây lan các mầm bệnh trên đàn vật nuôi.

Nguồn tin: Văn phòng Sở

Tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi sau bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trên địa bàn tỉnh ta, chăn nuôi lợn chiếm 65-70% tỷ trọng của ngành chăn nuôi. Do đó, những tháng đầu năm, khi chịu ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ngành chăn nuôi tỉnh ta rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng và mất cân đối.

Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch, vấn đề cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi một cách hợp lý, mạnh mẽ để phát triển bền vững đang là bài toán khó cần các cấp, các ngành quan tâm tìm lời giải.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh DTLCP, ngày 11-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Mặc dù các địa phương đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nhưng do chưa có vắc-xin, thuốc điều trị bệnh nên gặp nhiều khó khăn.

thực hiện chuyển đổi đối tượng nuôi sau dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 18-4, trên địa bàn huyện Thọ Xuân bùng phát điểm nhiễm bệnh DTLCP đầu tiên và lan rộng tại 22 xã, thị trấn. Do đó, sau khi đàn lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi đối tượng con nuôi để giảm thiệt hại kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Duy Vân, là một trong những hộ đầu tiên của xã Xuân Thành (Thọ Xuân) thực hiện chuyển đổi vật nuôi sau khi địa phương công bố hết bệnh DTLCP. Ông Vân, cho biết: Sau 30 ngày tiêu hủy đàn lợn, gia đình đã chủ động vệ sinh chuồng trại, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng và chuyển đổi sang nuôi gà thịt. Đến nay, đàn gà của gia đình hơn 400 con, trong đó có 100 con gà gần 2 tháng tuổi và gần 300 con gà 1 tuần tuổi. Việc chuyển đổi sang đối tượng con nuôi khác chính là giải pháp nhằm giảm thiệt hại kinh tế và cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường. Theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, đến ngày 17-7, có gần 30% số hộ tại 4 xã, thị trấn của huyện (đã công bố hết dịch) thực hiện chuyển đổi con nuôi, với tổng đàn gia cầm đạt gần 4.000 con.

Tại nhiều huyện khác, như: Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Yên Định,… chính quyền và người dân đã, đang khẩn trương thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi, hình thành nhiều mô hình chuyển đổi sang nuôi gà thả vườn; vịt siêu thịt, siêu trứng; thủy sản, ốc…, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Nhất là trong thời điểm các loại dịch bệnh nói chung và bệnh DTLCP nói riêng đang diễn biến phức tạp. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có giải pháp chính, như: Tăng sản xuất các nguồn cung thịt gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản để bù vào phần thiếu thịt lợn. Trước mắt, tỉnh ta không khuyến khích tái đàn lợn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị nhiễm dịch mà khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng đàn ở những cơ sở chăn nuôi chưa nhiễm dịch và bảo đảm an toàn sinh học. Đồng thời, để thực hiện tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi bền vững, an toàn, cùng với việc phòng, chống bệnh DTLCP, các địa phương và người chăn nuôi cần triển khai ngay công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi ở các tháng thu đông năm 2019 và đông xuân 2019-2020. Ngoài ra, người chăn nuôi và các địa phương cần tính toán để mở rộng quy mô đàn vật nuôi, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm ổn định, tránh tình trạng khủng hoảng thừa thịt và các sản phẩm từ gia cầm. Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, con giống, giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay để đầu tư sản xuất cần ưu tiên, khuyến khích những hộ nông dân chuyển sang nuôi những vật nuôi khác nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

Thanh Hóa nỗ lực phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa đã hơn 7 tháng và vẫn diễn biến phức tạp. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, góp phần ổn định sản xuất. Thanh Hóa có tổng đàn 1,2 triệu con lợn, 500 trang trại, trên 2.300 gia trại, trên 190.000 hộ chăn nuôi. Kể từ khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được cấp 162.000 lít hóa chất, 896 tấn vôi bột phục vụ phòng, chống dịch, thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ, buôn bán lợn, thịt lợn và những khu vực có nguy cơ cao. Từ khi xảy ra dịch toàn tỉnh cũng đã thành lập hơn 600 trạm, chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động. thực hiện tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, kinh doanh, các sản phẩm từ lợn. Đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì 272 chốt kiểm soát giám sát công tác phòng chống dịch bệnh. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt quan tâm kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ đàn lợn, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt ở khu vực đang xảy ra dịch nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh tả lợn Châu Phi lây lan trên địa bàn.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Thanh Hóa đã hơn 7 tháng và vẫn diễn biến phức tạp. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho các hộ chăn nuôi, góp phần ổn định sản xuất.

Thanh Hóa có tổng đàn 1,2 triệu con lợn, 500 trang trại, trên 2.300 gia trại, trên 190.000 hộ chăn nuôi. Kể từ khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi cho đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được cấp 162.000 lít hóa chất, 896 tấn vôi bột phục vụ phòng, chống dịch, thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ, buôn bán lợn, thịt lợn và những khu vực có nguy cơ cao. Từ khi xảy ra dịch toàn tỉnh cũng đã thành lập hơn 600 trạm, chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động. thực hiện tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, kinh doanh, các sản phẩm từ lợn. Đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì 272 chốt kiểm soát giám sát công tác phòng chống dịch bệnh.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế do dịch tả lợn Châu Phi gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố đặc biệt quan tâm kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ đàn lợn, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt ở khu vực đang xảy ra dịch nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh tả lợn Châu Phi lây lan trên địa bàn.