Giải pháp kỹ thuật trong sản xuất vụ đông 2019 – 2020.

Mục tiêu sản xuất vụ đông năm 2019 – 2020 phấn đấu gieo trồng 47.000 ha trở lên, trong đó: Cây ngô 15.000 ha; năng suất 47 tạ/ha; sản lượng 70.500 tấn; Đậu tương 600 ha, năng suất 16 tạ/ha; sản lượng 960 tấn; Cây lạc 1.000 ha, năng suất 20 tạ/ha; sản lượng 2.000 tấn; Khoai lang 3.000 ha, năm suất 70 tạ/ha, sản lượng 21.000 tấn; Cây thức ăn chăn nuôi trên 2.000 ha; sản lượng 100.000 tấn; Rau đậu các loại 22.400 ha trở lên, năng suất 130 tạ/ha, sản lượng 284.700 tấn. Các cây trồng khác 3.000 ha. Tổng giá trị sản xuất vụ Đông đạt 2.800 tỷ đồng trở lên.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, ngoài các giải pháp về xây dựng, triển khai phương án sản xuất, công tác chỉ đạo điều hành, công tác cung ứng dịch vụ, cơ chế chính sách cho sản xuất vụ đông thì giải pháp kỹ thuật là rất quan trọng. Trên cơ sở Phương án sản xuất vụ đông năm 2019 – 2020 ngày 04/9/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, Trung tâm Khuyến nông lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chính như sau:

Giải phóng đất và kỹ thuật làm đất:

Trên những diện tích có kế hoạch sản xuất vụ Đông, cần chủ động tiêu nước trước khi thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa để tạo điều kiện giải phóng đất song vẫn đảm bảo đủ ẩm. Thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa đến đâu, tiến hành vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc cây) và giải phóng đất ngay. Áp dụng nhiều hình thức làm đất khác nhau đối với mỗi loại cây trồng như làm đất ướt đặt bầu ngô, làm đất tối thiểu gieo ngô, đậu tương; làm đất thành luống trồng rau màu các loại. (Đối với diện tích đất bãi do bị bồi đắp phù sa sau mưa lũ, cần khẩn trương khơi thông, tiêu thoát nước nhanh và xử lý vôi bột để đảm bảo gieo trồng cây vụ Đông kịp thời vụ, an toàn)

Thời vụ và cơ cấu bộ giống các loại cây trồng:

Đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ Đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10/2019; đối với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10/2019, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10/2019 đến 15/11/2019. Cần tính toán và khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng, bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Cụ thể thời vụ, bộ giống một số cây trồng chủ lực như sau:

* Cây ngô:

Trên các chân đất chuyên màu (bãi ven sông, cát ven biển, đất đồi thấp, đất lúa chuyển sang làm màu); gieo trước 25/9/2019; sử dụng các giống ngô lai đơn chịu mật độ cao như VS36, PSC102, PSC747, B265, B06, DK6919, DK6919S, DK9955S, NK4300, NK4300 Bt/Gt, NK7328, CP511, CP501S, PAC558, P4311, P4554, CS71, 30Y87,…; các loại ngô nếp, ngô đường, ngô rau.

Trên đất 2 lúa thu hoạch sớm gieo trồng trước 30/9: sử dụng các giống ngô có tiềm năng cho năng suất cao như: DK6919S, VS36, PSC747, PSC102, CP333, B265, B528, CP111, CP811, CP512, PAC669, PAC339, DK9955, DK6818, DK9898C, DK9919C, NK6253, NK6410, NK4300 Bt/Gt, HT119, LVN 17, GS9989, DTC6869, VN5885, LVN092, 30Y87….; ngô nếp các loại.

Trên đất 2 lúa mở rộng diện tích vụ Đông: gieo trồng trước ngày 10/10/2019: sử dụng các giống ngắn ngày như DK6919, CP333, NK6654, PAC339, ngô nếp. Riêng đối với ngô làm thức ăn xanh cho gia súc cần bố trí các giống ngô cho sinh khối lớn như: PSC747, VS36, DK6919S, DK9919C, P4131, NK7328, VN5885, 30Y87,… để đạt năng suất chất xanh cao, thời vụ gieo có thể đến 15/10/2019.

Mỗi địa phương cần lựa chọn bố trí cơ cấu bộ giống phù hợp, mỗi huyện chọn từ 4-5 giống, mỗi xã chọn từ 2-3 giống đưa vào gieo trồng. Khuyến khích sử dụng các giống ngô biến đổi gen có năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là kháng sâu keo mùa thu như: DK6919S, DK9955S, NK4300 Bt/Gt,… (Lưu ý: các giống ngô biến đổi gen nên bố trí diện tích trồng không vượt quá 40% tổng diện tích trong vùng trồng ngô).

Biện pháp kỹ thuật: Áp dụng triệt để kỹ thuật làm ngô bầu, ngô bánh để tranh thủ thời gian, kịp thời vụ gieo trồng, cây con sinh trưởng khỏe, đảm bảo mật độ; những vùng chủ động tưới, tiêu cần áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo thẳng hạt hoặc đặt bầu xuống gốc rạ; tăng mật độ ngô đạt 6-7 vạn cây/ha đối với đất màu và trên 5-6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh nghẹt rễ, huyết dụ ở giai đoạn đầu, phòng trừ chuột, sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại giai đoạn cây con gây khuyết mật độ.

* Cây đậu tương:

– Trà sớm và chính vụ gieo trước 20/9/2019, gieo trồng trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình (85-90 ngày) như: DT84, DT2001, ĐT22, ĐT26, Đ96-02, Đ9804; trà muộn gieo trước 05/10/2019 sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (dưới 85 ngày) như: ĐT12, Đ8, ĐVN9, AK06.

Trong sản xuất đậu tương đông trên đất 2 lúa, triệt để thực hiện phương châm “gặt đến đâu, trồng đậu tương đến đó”. Áp dụng rộng rãi kỹ thuật làm đất tối thiểu, gieo thẳng, gieo vãi, gieo bằng máy, gieo vào gốc rạ. Lưu ý đối với trồng đậu tương Đông trên đất 2 lúa cần làm rãnh thoát nước xung quanh ruộng.

* Cây khoai lang: Trồng càng sớm càng tốt, thời vụ trồng kết thúc trước 15/10/2019; sử dụng các giống KL5, KL 209, Hoàng Long, 143, VX-37, KB1, BV1, VC68-2, và các giống khoai lang Nhật, Trung Quốc chất lượng cao,..

* Cây lạc: Kết thúc trồng trước ngày 05/9/2019. Sử dụng các giống lạc năng suất cao như L14, L18, L16, L26, TB25,… Hướng dẫn nông dân áp dụng phương pháp che phủ nilon, rơm rạ để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

* Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt: Các giống bí xanh: Bí xanh số 1, bí xanh Đài Loan, bí đao chanh, … giống bí đỏ: F1-125, F1 979, bí đỏ Nhật Bản, bí đỏ Cô Tiên, ớt chỉ thiên TN 16, ớt cay số 20, ớt hiểm lai 207, ớt ngọt Mix….

Cần áp dụng kỹ thuật làm bầu (bí, dưa chuột), ươm cây con (ớt) và chăm sóc cây con tốt; sản xuất theo quy trình VietGAP.

*Khoai tây: thời vụ tập trung từ 15/10/2019-20/11/2019, tốt nhất 25/10/2019-15/11/2019, nếu trồng muộn gặp thời điểm nhiệt độ quá thấp, thời tiết âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, làm ảnh hưởng đến năng suất. Giống khoai tây: Sử dụng các giống chủ lực Marabel, Diamant, Atlantic, Eben, Aladin, Bliss…

* Rau, đậu: Ưu tiên phát triển sản xuất các loại rau cao cấp, sản xuất theo quy trình rau an toàn để tăng hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới; trồng cà chua, dưa hấu bằng cây giống ghép; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa,…

Thả rùa về với biển

Ngày 10/8/2017, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) nhận được thông tin qua đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã từ ông Ngô Đức Đồng có địa chỉ tại thôn Hữu Lộc, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia thông báo hiện nay gia đình hiện có 01 cá thể rùa do vướng lưới của ngư dân đang khai thác tại địa phương và đề nghị với Trung tâm và các ngành chức năng phối hợp thả cá thể rùa về với tự nhiên.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã cử cán bộ chuyên môn xuống phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với chủ hộ. Theo xác định ban đầu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóađây là cá thể thuộc bộ Rùa biển, họ Vích, có tên khoa học là Chelonia mydas, tên tiếng anh là Green Turtle. Cá thể có chiều dài 0,6 m, chiều rộng mai 0,4cm và trọng lượng 10kg, tình trạng sức khỏe tốt.

Vích là loài thuỷ sinh quý hiếm có tên trong Danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN) được quy định trong Sách đỏ và Công ước CITES; tại Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 quy định: Cấm đánh bắt, mua bán, vận chuyển, kể cả trứng của chúng.

Đến 9h30’ ngày 11/8/2017, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia, UBND xã Trúc Lâm và cùng với người dân địa phương tổ chức thả cá thể Vích trở về với biển trong tình trạng khỏe mạnh tại khu vực biển Hòn Mê – xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia./.

Phân tích về ngành tôm toàn cầu

Phân tích về ngành tôm toàn cầu

Tại Diễn đàn Tôm thường niên của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản GAA, Travis Larkin, Chủ tịch của công ty nhập khẩu tôm Hoa Kỳ Seafood Exchange chỉ ra thực tế rằng sản lượng tôm toàn cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng 5,7% từ năm 2017 đến 2020.
Phân tích về ngành tôm toàn cầu
Ảnh minh họa
“Đối với một ngành quy mô nhỏ hơn, 5,7% là không nhiều, nhưng con số này đối với một ngành có sản lượng 5 triệu tấn là rất lớn”. Trung Quốc là thị trường tạo nên bước ngoặt trong dòng chảy thương mại tôm giữa các quốc gia.

Trong khi thị trường tôm ở Trung Quốc dường như rất mạnh, thì nhu cầu ở các thị trường trọng điểm khác như châu Âu và Hoa Kỳ lại trầm lắng. Tôm đã cố gắng giữ được danh hiệu là hải sản phổ biến nhất ở thị trường Hoa Kỳ, với 4,4 pound tiêu thụ theo đầu người trong năm 2017, nhưng vẫn có đủ lý do để lo lắng rằng thị trường có thể trở nên trì trệ.

Kêu gọi hành động ngăn chặn dư lượng kháng sinh trong tôm

Iain Shone, Giám đốc phát triển của GAA, nói rằng tính kháng vi khuẩn (AMR) đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên thế giới và việc nuôi tôm có vai trò lớn trong việc nuôi trồng thủy sản giúp giải quyết vấn đề này như thế nào.

Ông Shone cho biết: “Đây là một mối đe dọa lớn đối với sự tồn tại của con người trên Trái đất này, một số người thậm chí còn nghĩ nhiều hơn là thay đổi khí hậu. Nó có một thực tế là một số loại kháng sinh không còn tác dụng để điều trị bệnh vì tình trạng kháng kháng sinh ở con người và động vật”.

Shone hy vọng vấn đề cực kỳ phức tạp này sẽ thu hút sự chú ý lớn hơn nữa khi Liên Hợp Quốc xem xét chiến lược toàn cầu để chống lại AMR, kết hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm (FAO) của Liên hợp quốc. Nuôi trồng thủy sản sẽ là một trong những điểm nổi bật khi các khuyến nghị này được trình bày cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, có thể diễn ra ngay tháng tới. Những khuyến nghị đó có thể sẽ bao gồm những lời kêu gọi để cải thiện việc chẩn đoán, thu thập dữ liệu, thực hành tốt nhất và các biện pháp an toàn sinh học như một hình thức phòng ngừa.

Các chương trình chứng nhận như Thực hành Nuôi trồng Thủy sản Tốt nhất (BAP) của GAA đã thực hiện các thay đổi đối với các tiêu chuẩn để phản ánh mối quan tâm về AMR ngày càng tăng. Shone lưu ý rằng các tiêu chuẩn trang trại BAP sẽ không còn cho phép loại kháng sinh chính yếu nhất, những loại được coi là quan trọng đối với sức khỏe con người, được phép sử dụng trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Đổi mới trong toàn bộ chuỗi sản xuất

Chủ tịch GAA George Chamberlain cảm thấy rằng nuôi tôm đang có dấu hiệu cải thiện ở mọi liên kết trong chuỗi sản xuất: trại giống, thức ăn và dinh dưỡng, trang trại và các cơ sở chế biến.

Theo ông, gien di truyền là động lực lớn nhất tạo nên tăng trưởng trong nuôi tôm. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất đã học được rất nhiều từ mô hình gia cầm, trong đó những cải tiến về gien trong chăn nuôi có từ những năm 1940.

Chamberlain cũng giải thích các trại giống tôm ở Ecuador đã ngăn chặn dịch bệnh như thế nào. Trong khi hầu hết các nhà sản xuất trên toàn cầu đều sử dụng tôm bố mẹ sạch bệnh SPF với 20 mầm bệnh đã biết, thì Ecuador sử dụng rộng rãi tôm bố mẹ kháng mầm bệnh cụ thể (SPR) còn được gọi là APE, hoặc kháng tất cả mầm bệnh tiếp xúc.

Thay vì không có bất kỳ mầm bệnh nhất định hoặc những mầm bệnh phổ biến nhất, tôm bố mẹ SPR hoặc APE thực sự là những con tôm khỏe mạnh. Theo ông Chamberlain, phương pháp này có một lựa chọn tích hợp để kháng bệnh, điều này đã thúc đẩy sự cải thiện to lớn ở Ecuador. Nhờ sự thay đổi này, Ecuador đã phát triển các đàn tôm có khả năng kháng các bệnh như virut đốm trắng và hội chứng chết sớm, hay còn gọi là EMS.

Về thức ăn, các nhà sản xuất đang tìm giải pháp cho các trại giống vốn phụ thuộc vào thức ăn sống như tảo và artemia, vì các thức ăn sống này thường là các vec – tơ gây bệnh. Chamberlain dự đoán sự thay thế thức ăn sống của các trại giống sẽ diễn ra trong những năm tới.

Chamberlain cho biết: Các máy cho ăn tự động đang làm cho việc sử dụng thức ăn hiệu quả hơn và ít lãng phí hơn, và nhiều trang trại châu Á sử dụng các hố nước thải ở trung tâm đáy ao, được thiết kế để thu thập chất hữu cơ được chuyển đến các bể lắng. Đó là một trong nhiều ví dụ về sự đổi mới đang làm cho hoạt động nuôi tôm hiệu quả hơn, năng suất hơn.

Sản lượng tôm Ấn Độ tăng

Elias Sait, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SFEA), cho biết sản lượng tôm nuôi hàng năm của Ấn Độ đã sẵn sàng vượt quá 1 triệu tấn trong ba năm tới. Sait cho biết tổng sản lượng năm ngoái là 700.000 tấn (trọng lượng sống), tăng từ mức 142.000 tấn trong năm 2010.

Đó là sự tăng trưởng tuyệt vời, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tăng thêm, với chỉ một phần tư đất dành cho nuôi tôm hiện đang được sử dụng. Sait cho biết Ấn Độ cũng có năng lực lớn trong chế biến và lưu trữ lạnh, với khả năng trữ đông 3 triệu tấn.

Liên quan đến dư lượng kháng sinh, Sait cho biết các lô hàng bị từ chối tại các cảng nhập cảnh trên khắp thế giới đã giảm mạnh, từ 45 lô hàng trong năm 2009 xuống còn 25 lô hàng vào năm ngoái. Ông cho biết chỉ có 0,1% tổng khối lượng tôm Ấn Độ bị từ chối.

Sait cho biết việc kiểm tra tôm nhập khẩu Ấn Độ với tỷ lệ lấy mẫu 50% của EU không công bằng và nói rằng chính phủ Ấn Độ đã phản ứng bằng cách cấm kháng sinh trong nuôi tôm, lập các phòng thí nghiệm kiểm tra đối với tôm nguyên liệu dành cho các thị trường xuất khẩu.

Sait cũng hy vọng thị trường nội địa của Ấn Độ chưa được khai thác đối với tôm nuôi sẽ trở thành một yếu tố thúc đẩy nhu cầu, đủ để cho thấynhững lo ngại về tình trạng dư cung hiện tại là không có cơ sở. Ông tự tin dự báo sản lượng tôm Ấn Độ sẽ tăng mạnh trong ba năm tới và dự đoán xuất khẩu thủy sản Ấn Độ sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2022, với tôm dẫn đầu về xuất khẩu.

Hơn 1,8 tấn cá giống được thả xuống Sông Mã ở Quan Hóa

Hơn 1,8 tấn cá giống, bao gồm các loại giống cá truyền thống, có giá trị kinh tế như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép, cá lăng, cá ké… đã được thả xuống dòng sông Mã, góp phần bổ sung nguồn gen, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Thông qua hoạt động này, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các đơn vị đồng tổ chức còn lồng ghép mục tiêu tuyên truyền về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản, các quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.

Qua hoạt động này ngành nông nghiệp Thanh Hóa kêu gọi các tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư cần chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững bằng cách không sử dụng lưới có mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản, không đánh bắt vào vùng cấm khai thác thủy sản theo mùa.

Nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản ven biển

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, có 4.300 ha nuôi tôm sú quảng canh kết hợp nuôi các đối tượng thủy sản khác, như: Cua, rong câu, cá đối… Những năm qua, diện tích NTTS nói trên đã giúp nhiều hộ dân vùng ven biển có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thì việc NTTS ở vùng triều ven biển đang gặp khó khăn về chất lượng con giống, môi trường ô nhiễm, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp… đã và đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích NTTS ven biển, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện đa dạng các mô hình NTTS, thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, qua đó đưa các đối tượng con nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi luân canh, xen canh.

Cách đây 5 năm, lần đầu tiên mô hình nuôi cá mú hoa trong ao được thực hiện thí điểm tại xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa. Mô hình sử dụng nguồn thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn cá tạp, nên môi trường nuôi không bị ô nhiễm, tỷ lệ sống của con nuôi đạt cao hơn so với đối tượng con nuôi khác từ 35-50%. Qua đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy, với 1 ha cá mú hoa sau 10 tháng nuôi đạt năng suất 1,5 tấn, doanh thu từ 200 đến 240 triệu đồng, lãi từ 120 đến 150 triệu đồng, cao hơn khoảng 30% so với các đối tượng nuôi, như: Cua, tôm sú, cá bống. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nên mô hình nhanh chóng được nhân rộng ra một số địa phương, như: Xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa); các xã Thanh Thủy, Trúc Lâm (Tĩnh Gia). Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 10 ha nuôi cá mú hoa trong ao được áp dụng nuôi theo công nghệ mới.

Thịt hàu được xem là nguồn thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, ít chất béo, giảm nguy cơ tim mạch, được thị trường ưa chuộng, nhất là các nhà hàng, khách sạn lớn. Do vậy, trên cơ sở phân tích các điều kiện thích nghi, cuối năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Tĩnh Gia đã đưa con hàu Thái Bình Dương vào nuôi tại vụng Nghi Sơn, với quy mô 2.000 giá bám. Sau 7 tháng nuôi, sản lượng đạt 60 tấn, doanh thu đạt hơn 1,7 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế trong việc nuôi hàu Thái Bình Dương tiếp tục được khẳng định vào những vụ nuôi tiếp sau đó. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương tại vụng Nghi Sơn, nhiều địa phương ở Tĩnh Gia có điều kiện sản xuất tương tự đã mạnh dạn đưa hàu vào nuôi. Đến nay, nuôi hàu Thái Bình Dương đã được nhân rộng ra các xã Xuân Lâm, Hải Hà, Hải Thượng, Hải Châu, Hải Ninh, với diện tích đạt hơn 100 ha và được nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Nuôi giàn, lồng, giá bám, bè treo dây. Thực tế cho thấy, hàu Thái Bình Dương là đối tượng con nuôi mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, vì vậy huyện Tĩnh Gia đang xây dựng kế hoạch nhân rộng đối tượng con nuôi này. Hiện, ngoài diện tích đang được nuôi nói trên, huyện đã xác định được diện tích mặt nước thích hợp để nuôi hàu Thái Bình Dương trên địa bàn huyện lên tới hơn 1.000 ha, thuộc các vùng: Eo vịnh Nghi Sơn, Hòn Mê, đầm xã Hải Thượng, cửa sông Lạch Bạng, cửa Lạch Ghép. Trên cơ sở đó, huyện đang định hướng cho chính quyền các xã và hộ dân phát triển diện tích nuôi hàu trong thời gian tới.

Một trong những mô hình NTTS đang được các địa phương ven biển chú trọng nhân rộng hiện nay là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thực hiện theo quy trình VietGap. Tuy là mô hình mới được thực hiện từ năm 2015, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), với quy mô hơn 1 ha, song đến nay đã được mở rộng ra nhiều xã ven biển thuộc các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia, Nga Sơn, với tổng diện tích lên tới 15,5 ha. Sở dĩ, mô hình này nhanh chóng được nhân rộng là bởi quá trình nuôi được thực hiện theo đúng quy trình VietGap, các hộ được nuôi đều nằm trong vùng nuôi chuyên canh, quá trình nuôi được ghi nhật ký theo ngày, các vật tư được sử dụng trong quá trình nuôi đều được truy xuất nguồn gốc. Do đó, trong quá trình nuôi, tôm không bị dịch bệnh, các yếu tố môi trường được quản lý tốt, phù hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Theo đánh giá của Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGap đạt năng suất khoảng 10,7 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 750 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 1,5 lần so với diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường.

Ngoài những mô hình NTTS nói trên, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều mô hình NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng, điển hình như: Mô hình sản xuất và ương lên ngao giống cấp II, nuôi cá đối mục thương phẩm, nuôi cá vược thương phẩm… Ông Hoàng Hồng Chung, Trưởng Phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Thực tế việc nhân rộng các mô hình NTTS thời gian qua không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp người dân tiếp cận được với kỹ thuật nuôi mới, con nuôi giá trị kinh tế cao. Đồng thời, trên cơ sở thực hiện các mô hình, các địa phương còn định hướng được việc đưa các đối tượng con nuôi giá trị vào thả nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trong NTTS. Do đó, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo, đôn đốc các trạm khuyến nông huyện triển khai thực hiện các mô hình NTTS mới, đưa các loại con nuôi mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cùng với đó, chú trọng nhân rộng các mô hình NTTS có hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu mùa 2019 sẽ có các loài sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, như: Bệnh lùn sọc đen phương nam có nguy cơ gây hại cao; sâu cuốn lá dự kiến sẽ có 3 lứa, gây hại nặng trên diện rộng, nhất là ở các huyện ven biển, vùng bán sơn địa, trên trà lúa mùa sớm, chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.

Sâu đục thân 2 chấm dự báo sẽ phát sinh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên lúa mùa sớm và chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh và đến giữa tháng 9 sẽ gây hại nặng cho trà lúa trổ muộn giai đoạn trổ đến chín sữa. Rầy nâu, rầy lưng trắng dự báo sẽ gây hại nhẹ ngay từ giai đoạn mạ, gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ – chín sữa, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ gây cháy cục bộ trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đen lép hạt dự báo sẽ gây hại nặng trên các giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc, nhất là trên những ruộng bón thừa đạm, làm đất không kỹ…

Trên cơ sở dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh có thể xảy ra trong vụ thu mùa, vào các giai đoạn cụ thể, ngay từ đầu vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong toàn vụ thu mùa 2019.

Để bảo vệ cây trồng trước nguy cơ sâu bệnh trong vụ thu mùa 2019, với phương châm phòng là chính, nên ngay từ khi thu hoạch lúa chiêm xuân, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch lúa chiêm xuân đến đâu khẩn trương giải phóng đất đến đó nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh. Thành lập ban chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, dự tính khả năng phát sinh của các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng, trừ thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đã có kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành nông nghiệp, các đơn vị truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, phát hiện dịch hại và các biện pháp phòng, trừ hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.

Đồng hành cùng với các địa phương trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa, từ tháng 5-2019, chi cục bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ thu mùa năm 2019, từ đó làm cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai thực hiện. Chi cục bảo vệ thực vật cũng đang đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo chính xác tình hình dịch hại; đồng thời, kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến và sự phân bố của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, dự tính khả năng phát sinh trong thời gian tới, xác định mức độ gây hại để tham mưu kịp thời các biện pháp xử lý cho các địa phương. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, nhất là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu, tuyên truyền và triển khai xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, xây dựng các chương trình giám sát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.

Nông dân xã Quảng Bình (Quảng Xương) chăm sóc lúa vụ thu mùa.

Để công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa đạt hiệu quả cao, chi cục bảo vệ thực vật khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) khi thực hiện phun trừ các đối tượng sâu hại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng, tức là: 3 giảm gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm phân đạm; 3 tăng gồm: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế. Hoặc ứng dụng công nghệ SRI, gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân dúi vào sản xuất… nhằm tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, tăng tính chống chịu với dịch hại. Hạn chế tối đa những giống lúa nhiễm rầy, mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen phương nam vào gieo trồng trong vụ thu mùa.

Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững

Quản lý rừng bền vững là một bộ phận của phát triển bền vững, nghĩa là sự phát triển có hiệu quả về kinh tế, không gây tác hại đến môi trường sống (kể cả của người và các loài sinh vật) và có đóng góp thiết thực cho giải quyết các vấn đề xã hội cho hiện tại và tương lai. Phát triển bền vững là một yêu cầu cấp bách hiện nay của toàn thế giới, vì trong quá khứ và hiện tại, sự phát triển không bền vững đã và đang làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, đe dọa sự sống còn của chính con người…

Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam, quản lý rừng không bền vững đã và đang là nguyên nhân chủ yếu làm cho diện tích rừng ngày một giảm, năng suất và chất lượng rừng ngày càng kém, nhiều loài cây rừng và động vật hoang dã ngày càng ít đi hoặc tuyệt chủng. Môi trường sống bị đe dọa nghiêm trọng như lũ lụt, khô hạn, xói mòn đất ngày một gia tăng. Đời sống của người dân, nhất là ở các cộng đồng địa phương sống trong và gần rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với việc phát triển rừng trồng nhanh chóng như hiện nay, nếu việc chọn loài cây trồng không phù hợp có thể làm xói mòn đất, rừng bị sâu bệnh, năng suất kém; không giải quyết tốt các vấn đề xã hội trong quản lý rừng sẽ dẫn đến khai thác trộm hoặc lấn chiếm đất rừng, ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của rừng… Bên cạnh đó, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) là bước ngoặt lịch sử của ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. VPA nhằm mục đích đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào châu Âu là hợp pháp và thúc đẩy quản lý rừng bền vững ở các nước xuất khẩu gỗ thông qua nâng cao hiệu lực pháp luật và năng lực quản lý điều hành.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.120.600 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 647.677 ha, chiếm hơn 53% diện tích chung của toàn tỉnh. Rừng tự nhiên là rừng phòng hộ và đặc dụng 246.000 ha, rừng sản xuất chủ yếu là rừng trồng 366.000 ha. Ngoài ra, Thanh Hóa còn là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, với 71.053 ha. Sản lượng khai thác gỗ những năm gần đây đạt 1.200.000 m3/năm, trong đó có khoảng 80% là gỗ keo lá tràm và keo Úc lai, đóng góp một phần không nhỏ cho xuất khẩu. Do đó, việc thực hiện quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 28) ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là nội dung cấp bách.

Thực hiện Điều 27, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15-11-2017 của Quốc hội khóa XIV; Điều 87, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư 28 về quản lý rừng bền vững và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai và ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, theo đó:

Nội dung phương án quản lý rừng bền vững: Sở NN&PTNT yêu cầu các chủ rừng tổ chức (các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; các đồn biên phòng và các công ty lâm nghiệp) căn cứ Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 9 và Phụ lục II Mẫu phương án quản lý rừng bền vững ban hành kèm theo Thông tư 28 để xây dựng phương án cho phù hợp với điều kiện của đơn vị. Chủ rừng tự xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nhóm hộ, Sở NN&PTNT khuyến khích các chủ rừng tự nguyện xây dựng hoặc liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; nội dung hướng dẫn tại Phụ lục III kèm theo Thông tư 28.

Trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12, Thông tư 28. Trong đó, Sở NN&PTNT quy định trình tự thực hiện như sau: Chủ rừng nộp 1 bộ hồ sơ đến Sở NN&PTNT để được kiểm tra, hướng dẫn chủ rừng hoàn thiện phương án và bổ sung hồ sơ (nếu thiếu). Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở NN&PTNT xem xét, lấy ý kiến các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương về nội dung phương án. Trường hợp nội dung phương án quản lý rừng bền vững đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt phương án; trường hợp nội dung phương án chưa đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT có thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ rừng biết để bổ sung, hoàn thiện phương án trong thời hạn 5 ngày làm việc trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt phương án. Hồ sơ phương án quản lý rừng bền vững gồm: Tờ trình của chủ rừng theo quy định tại Phụ lục VI, phương án theo quy định Phụ lục II; các loại bản đồ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4, Thông tư 28.

Thời gian và kinh phí xây dựng phương án: Các chủ rừng tổ chức khẩn trương xác định lộ trình xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện phương án, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II-2020. Nguồn kinh phí xây dựng và thực hiện phương án do chủ rừng tự huy động từ nguồn vốn hợp pháp hoặc tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp để hỗ trợ xây dựng phướng án quản lý rừng bền vững phù hợp với mục đích sử dụng rừng của từng chủ rừng. Ở những nơi được chi trả dịch vụ môi trường rừng chủ rừng được sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 70, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, từ tháng 2 năm 2018 đến nay, thông qua Dự án hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2 (Dự án FCPF-2) đã hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đến nay, phương án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Đây là chủ rừng tổ chức đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phương án và đưa phương án quản lý rừng bền vững vào thực hiện. Kết quả này là tiền đề để các chủ rừng là tổ chức học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh. Đồng thời trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ Sở NN&PTNT tổ chức khóa tập huấn chuyên đề về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng là tổ chức. Với những hỗ trợ tích cực của dự án đã và đang góp phần để việc triển khai xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững trên toàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả khả quan.

Kiểm tra công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP. Thanh Hóa

Sáng 26/6/2019, đồng chí Nguyễn Viết Thái – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn TP. Thanh Hóa. Cùng đi có đại diện phòng Chăn nuôi, Văn phòng Sở, Chi cục Thú y và các đơn vị có liên quan.

Đoàn công tácđã đi kiểm travà chỉ đạo thành phố Thanh Hóa cũng như các huyện có kênh Bắc đi qua tiến hành lập rào chắn trên kênh Bắc nhằm ngăn rác, xác động vật vứt trên kênh, bảo vệ môi trường cũng như ngăn ngừa lây lan dịch tả lợn Châu Phi.

Kiểm tra thực tế tạicống Mật Sơn, phường Đông Vệ và cống Đường Sắt, phường Phú Sơn, đồng chí Nguyễn Viết Thái – Phó Giám đốc Sởđề nghịUBND thành phố Thanh Hóa sớm lập rào chắn trên kênh Bắc điểm tiếp giáp với huyện Đông Sơn để ngăn xác động vật, rác trôi vào địa bàn thành phố. Các huyện có tuyến kênh Bắc đi qua như: Thường Xuân, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đồng Sơn, Quảng Xương cũng như Công ty TNHH một thành viên Sông Chu thường xuyên trực gác trên các cống, các rào chắn trên tuyến kênh, kịp thời trục vớt xác động vật, rác thải, tiến hành tiêu hủy theo đúng hướng dẫn để khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước, môi trường và phòng chống sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi. Các hóa chất, vải bạt sau khi tiêu hủy phải được phun tiêu độc khử trùng rắc vôi bột để không ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh.

Hiện dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh, do đó tình trạng vứt xác lợn chết trên các tuyến kênh sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh. Việc lập rào chắn, quản lý chặt tình trạng người dân vứt xác động vật, rác xuống kênh sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường và ngăn chặn sự lây lan các mầm bệnh trên đàn vật nuôi.

Nguồn tin: Văn phòng Sở

Tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi sau bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trên địa bàn tỉnh ta, chăn nuôi lợn chiếm 65-70% tỷ trọng của ngành chăn nuôi. Do đó, những tháng đầu năm, khi chịu ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), ngành chăn nuôi tỉnh ta rơi vào tình trạng khó khăn, khủng hoảng và mất cân đối.

Cùng với việc tập trung phòng, chống dịch, vấn đề cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi một cách hợp lý, mạnh mẽ để phát triển bền vững đang là bài toán khó cần các cấp, các ngành quan tâm tìm lời giải.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh DTLCP, ngày 11-3-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh DTLCP; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Mặc dù các địa phương đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nhưng do chưa có vắc-xin, thuốc điều trị bệnh nên gặp nhiều khó khăn.

thực hiện chuyển đổi đối tượng nuôi sau dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 18-4, trên địa bàn huyện Thọ Xuân bùng phát điểm nhiễm bệnh DTLCP đầu tiên và lan rộng tại 22 xã, thị trấn. Do đó, sau khi đàn lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động chuyển đổi đối tượng con nuôi để giảm thiệt hại kinh tế. Gia đình ông Nguyễn Duy Vân, là một trong những hộ đầu tiên của xã Xuân Thành (Thọ Xuân) thực hiện chuyển đổi vật nuôi sau khi địa phương công bố hết bệnh DTLCP. Ông Vân, cho biết: Sau 30 ngày tiêu hủy đàn lợn, gia đình đã chủ động vệ sinh chuồng trại, thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng và chuyển đổi sang nuôi gà thịt. Đến nay, đàn gà của gia đình hơn 400 con, trong đó có 100 con gà gần 2 tháng tuổi và gần 300 con gà 1 tuần tuổi. Việc chuyển đổi sang đối tượng con nuôi khác chính là giải pháp nhằm giảm thiệt hại kinh tế và cung cấp nguồn thực phẩm cho thị trường. Theo thống kê của UBND huyện Thọ Xuân, đến ngày 17-7, có gần 30% số hộ tại 4 xã, thị trấn của huyện (đã công bố hết dịch) thực hiện chuyển đổi con nuôi, với tổng đàn gia cầm đạt gần 4.000 con.

Tại nhiều huyện khác, như: Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Yên Định,… chính quyền và người dân đã, đang khẩn trương thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi, hình thành nhiều mô hình chuyển đổi sang nuôi gà thả vườn; vịt siêu thịt, siêu trứng; thủy sản, ốc…, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Nhất là trong thời điểm các loại dịch bệnh nói chung và bệnh DTLCP nói riêng đang diễn biến phức tạp. Ngành nông nghiệp tỉnh đã có giải pháp chính, như: Tăng sản xuất các nguồn cung thịt gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản để bù vào phần thiếu thịt lợn. Trước mắt, tỉnh ta không khuyến khích tái đàn lợn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị nhiễm dịch mà khuyến khích mở rộng quy mô, số lượng đàn ở những cơ sở chăn nuôi chưa nhiễm dịch và bảo đảm an toàn sinh học. Đồng thời, để thực hiện tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi bền vững, an toàn, cùng với việc phòng, chống bệnh DTLCP, các địa phương và người chăn nuôi cần triển khai ngay công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi ở các tháng thu đông năm 2019 và đông xuân 2019-2020. Ngoài ra, người chăn nuôi và các địa phương cần tính toán để mở rộng quy mô đàn vật nuôi, bảo đảm việc tiêu thụ sản phẩm ổn định, tránh tình trạng khủng hoảng thừa thịt và các sản phẩm từ gia cầm. Bên cạnh đó, cần thực hiện các chính sách khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, con giống, giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay để đầu tư sản xuất cần ưu tiên, khuyến khích những hộ nông dân chuyển sang nuôi những vật nuôi khác nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.