Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm tại cơ sở (xã, thôn, hộ chăn nuôi) trong triển khai thực hiện dự án“Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa”.

Vùng trung du và miền núi Thanh Hóa vẫn còn nhiều tiềm năng cần khai thác, phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Chăn nuôi ở vùng trung du và miền núi Thanh Hóa trong những năm qua tuy có nhiều chuyển biến đáng kể, nhưng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn còn thấp. Sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hình thức chăn nuôi tận dụng, chưa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tình hình dịch bệnh vẫn chưa thực sự an toàn, tỷ lệ tiêm phòng thấp. Dịch vụ chăn nuôi còn kém, các chính sách phát triển chăn nuôi hiện có nhưng chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù của vùng trung du và miền núi.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện trung du và miền núi Thanh Hóa đến 2020; Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 26/5/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2015 theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 08/4/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành các danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong thời gian tới; vì vậy việc khai thác tiềm năng và thế mạnh vùng trung du và miền núi nói chung, phát triển chăn nuôi gia súc là vấn đề cần quan tâm, đang đặt ra trong quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành trong tỉnh trong thời gian tới.

Căn cứ Quyết định số 1880/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt kinh phí dự án do Trung ương quản lý thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025” bắt đầu thực hiện từ năm 2019 (đợt 3). Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai thực hiện dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa”, dự án đã hoàn thành vào tháng 10 năm 2023 với những kết quả đạt được như sau.

* Những kết quả đạt được của dự án

Công tác chuyển giao công nghệ

+ Sau khi tiếp nhận công nghệ được chuyển giao bởi Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương, đơn vị chủ trì, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm, cán bộ kỹ thuật cơ sở đã làm chủ 100% các quy trình công nghệ trong chăn nuôi bò để hướng dẫn, chỉ đạo các hộ nuôi tham gia dự án tại địa phương đã nắm vững các quy trình công nghệ và đã áp dụng vào công tác chăn nuôi của gia đình, bao gồm: Quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò; Quy trình kỹ thuật chăm sóc bò mẹ mang thai và chăm sóc bò lai F1; Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm bò lai hướng thịt ở các giai đoạn khác nhau; Quy trình phối trộn và sản xuất thức ăn hỗn hợp; Quy trình chế biến dự trữ một số phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn;

+ Đối với Quy trình TTNT: Quy trình này là quy trình rất quan trọng trong việc xây dựng mô hình bò cái sinh sản, đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo huấn luyện thực hành công tác TTNT cho bò cái lai zebu bằng tinh bò thịt giống Droughtmaster tạo bê lai F1 (Droughtmaster x lai zebu) làm tiền đề cho việc thực hiện các mô hình tiếp theo;

+ Đối với quy trình kỹ thuật chăm sóc bò mẹ mang thai và chăm sóc bò lai F1: Nhờ tính thích hợp, khoa học của công nghệ được chuyển giao nên các hộ nuôi đã chăm sóc, nuôi dưỡng bò sinh sản đạt kết quả tương đối tốt, Hệ số phối giống là chỉ tiêu quan trọng đánh giá khả năng sinh sản của đàn bò. Kết quả này phụ thuộc vào các yếu tố như : Tay nghề TTNT của kỹ thuật viên, giống bò cái, mùa vụ, chất lượng tinh dịch và bản thân bò cái nhận tinh. Kết quả theo dõi về hệ số phối giống đậu thai cho thấy hệ số phối giống đậu thai trung bình là 1,8 liều/con có chửa.

+ Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm bò lai hướng thịt ở các giai đoạn khác nhau: Sau khi được tập huấn và được sự hướng dẫn cụ thể của cán bộ kỹ thuật, kết quả mô hình đã đạt được: Số lượng bò lai F1: 200 con; Tỷ lệ nuôi sống đạt: 100%; Khối lượng: 240,24kg/con; Khối lượng tổng mô hình: 48.048kg; Tăng trọng: 520-625g/con/ngày. Bên cạnh đó nhờ tiếp nhận được công nghệ phòng bệnh cho đàn bò trong nông hộ nên các hộ nuôi đã biết cách phòng bệnh cho đàn bò của gia đình, có thể phát hiện sớm các triệu chứng, biểu hiện một số bệnh phổ biến để có giải pháp kịp thời giúp giảm thiểu các rủi ro trong chăn nuôi so với trước khi tham gia dự án.

+ Quy trình phối trộn và sản xuất thức ăn hỗn hợp; Quy trình chế biến dự trữ một số phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn: 21hộ nuôi đã trồng được 4.2 ha cỏ cao sản làm thức ăn cho bò (bình quân 2.000 m2/hộ), cỏ trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, bình quân khoảng 180-220tấn/ha/năm. Đảm bảo chủ động được nguồn thức ăn cho bò, giải quyết được thực trạng thiếu nguồn thức ăn ở vùng cát ven biển và đáp ứng được mô hình nuôi bò nhốt thâm canh, bán thâm canh, giúp tận dụng được công lao động do phải chăn nuôi theo mô hình chăn thả truyền thống trước đây. Công nghệ chế biến, xử lý thức ăn thô xanh và các dạng thức ăn khác: Một trong những tính mới khác của việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi bò của dự án là việc ủ xanh, ủ chua, chế biến các phế phụ phẩm nông nghiệp giàu xơ (rơm rạ, thân ngọn lá sắn, cây ngô, cây lạc…) làm thức ăn cho bò. Các hộ nuôi đã nắm vững công nghệ sau khi được tập huấn và được sự hướng dẫn, chỉ đạo tận tình, kịp thời của cán bộ kỹ thuật và đã thực hiện thu gom, ủ, chế biến các phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò thay vì đốt, vứt bỏ hoặc có thể phơi khô, cho ăn trực tiếp (rất ít) như trước đây. Việc phế phụ phẩm nông nghiệp được ủ xanh, ủ chua, chế biến không những cho hàm lượng dinh dưỡng, tỷ lệ tiêu hóa cao hơn mà còn có thời gian bảo quản lâu hơn giúp chủ động được nguồn thức ăn vào mùa nắng hạn và mưa rét kéo dài (đặc thù thời tiết khí hậu tại địa phương).

– Công tác đào tạo và tập huấn:

+ Đã thực hiện đào tạo 12 cán bộ kỹ thuật cơ sở, đạt 100% so với thuyết minh. Các cán bộ được đào tạo nắm vững, làm chủ được tất cả các quy trình công nghệ được đào tạo. Đươc cấp chứng nhận đào tạo kỹ thuật viên

+ Đã tập huấn 5 lớp với 300 lượt nông dân tham dự (60 nông dân/lớp), đạt 100% so với thuyết minh. Các nông dân được tập huấn nắm vững được tất cả các quy trình công nghệ được tập huấn.

– Xây dựng các mô hình:

+ Mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản: Dự án đã sử dụng tinh bò đông lạnh Droughtmaster để phối giống cho 2399 con bò cái bằng phương pháp TTNT . Số bò có chửa là 2193 con đạt tỷ lệ 91,11%.

+ Mô hình nuôi thương phẩm bò lai F1 an toàn sinh học: Đã thực hiện tại 21 hộ nuôi thuộc 09 xã thực hiện dự án tại các huyện tham gia dự án. Các mô hình thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án từ trồng cỏ; chế biến thức ăn; đối ứng bò, thức ăn tinh, cỏ giống, công lao động; nuôi bò thịt; Một số hộ đã duy trì mô hình bằng cách thu mua gom bò lai F1 (Droughtmaster x lai zebu) để tiếp tục duy trì mô hình;Đây là bước nhân rộng mô hình đầu tiên ngay tại hộ tham gia mô hình do thấy được cách làm và hiệu quả của dự án.

+ Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo: Đã thực hiện 05 mô hình tại 05 hộ nuôi thuộc 5 huyện thực hiện dự án. Các mô hình nông hộ thực hiện đầy đủ các nội dung của dự án từ trồng cỏ; chế biến thức ăn; đối ứng thức ăn tinh, cỏ giống, công lao động; thực hiện do chủ động được thức ăn và làm chủ được các quy trình chăn nuôi nên các hộ đã tự phát triển đàn từ 05 con lên 10 con/hộ. Đây là bước nhân rộng mô hình đầu tiên ngay tại hộ tham gia mô hình do thấy được cách làm và hiệu quả của dự án.

+ Mô hình chuỗi tiêu thụ: Xây dựng và kết nối được 03 cơ sở công suất giết mổ 10con/ngày và kết nối được  04 cơ sở tiêu thụ sản phẩm thịt bò

* Bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ quản lý Nhà nước. Hoạt động của Viện rất đa dạng và phong phú với các nội dung chính là nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ, khi triển khai dự án đơn vị đã được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyển giao công nghệ, UBND các xã, Ban quản lý dự án các xã, cán bộ kỹ thuật cơ sở, các đoàn thể tại địa phương để thực hiện triển khai dự án từ khâu lựa chọn, khảo sát, chọn hộ đến việc thực hiện, xây dựng các mô hình nên nhận được sự thống nhất, đồng tình ủng hộ xuyên suốt từ chính quyền đến các hộ dân trong việc thực hiện các nội dung dự án và đã xây dựng 01 chương trình hoạt động hết sức cụ thể và với sự huy động các cán bộ tham gia theo từng nhiệm vụ cụ thể…

Các hoạt động của dự án rất phù hợp với hoạt động của Viện và đã góp phần giúp Viện đa dạng hóa hoạt động; xác định được phương pháp tiếp cận cơ sở;  nâng cao năng lực hoạt động và đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của Viện  trong thời gian tới. Các hoạt động của dự án nhiều cán bộ của Viện được tiếp nhận các quy trình, công nghệ trong chế biến thức ăn trong chăn nuôi bò, hầu hết cán bộ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia dự án đều nâng cao được năng lực làm việc cụ thể như sau:

– Xây dựng được kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng và xây dựng mô hình trình diễn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

– Xác định được nội dung, phương pháp và kỹ năng tiếp cận cơ sở trong công tác xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ.

– Phải đánh giá và xác định về các điều kiện để chuyển giao và tiếp nhận công nghệ.

– Cần huy động các lực lượng ở các địa phương và phương pháp phối hợp, làm việc nhóm trong quá trình đào tạo, huấn luyện, chuyển giao công nghệ và xây dựng các mô hình trình diễn về khoa học và công nghệ.

– Cần có kỹ năng phân tích, đánh giá điều kiện thực tiễn ở cơ sở.

– Cần có một lực lượng cán bộ nắm chắc chuyên môn, có kinh nghiệm thực hiện dự án sẵn sàng phối hợp, hợp tác với các đơn vị: Năng lực quản lý, điều hành; năng lực chuyên môn, kỹ thuật; năng lực nghiên cứu, ứng dụng; năng lực đào tạo, huấn luyện; năng lực tổ chức thực hiện; năng lực giám sát, đánh giá….

Bên cạnh đó việc họp định kỳ cán bộ kỹ thuật cơ sở cùng với đơn vị chủ trì, cơ quan chuyển giao thường xuyên đi cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện mô hình của các hộ tham gia.

Giải pháp quản lý của dự án thiết thực và hiệu quả nhờ sự tham gia tích cực của các Ban, Ngành và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở (cấp thôn) do vậy các hoạt động của dự án cần được công khai, minh bạch và có sự giám sát, đánh giá của cơ quan quản lý, chuyên môn và của địa phương, cộng đồng.

Kết quả các mô hình của dự án đã có tác dụng lan tỏa và nhân rộng cao đối với người chăn nuôi trong và ngoài vùng dự án, góp phần phát triển kinh tế đối với các vùng nông thôn miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Đình Hải
Viện trưởng Viện Nông nghiệp

Bài viết liên quan