Công tác sản xuất thương phẩm giống Lan kim tuyến tại viện nông nghiệp

Lan kim tuyến hay còn gọi là lan gấm là một loại dược liệu vô cùng quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu về y học, lan kim tuyến tác dụng tăng cường sức khoẻ, lưu thông khí huyết, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh. Theo y học hiện đại, lan kim tuyến có tác dụng phòng ngừa loãng xương, tiểu đường và tăng cường hệ thống miễn dịch, … Hơn nữa, mới đây người ta đã tìm ra khả năng phòng và chống ung thư của loài thảo dược này. Về giá trị kinh tế, nhiều nước điển hình như Đài Loan, Trung quốc đã thu được nguồn lợi nhuận đáng kể cho quốc gia khi tập trung xuất khẩu lan kim tuyến. Ngoài ra nhờ có bộ lá hấp dẫn nên loài cây này cũng có giá trị hoa cảnh dùng trang trí như các loại lan thông thường khác và đặc biệt bán giá cao khi chúng được sử dụng theo lối phong thủy. Các sản phẩm từ cây lan kim tuyến đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người sản xuất hiện nay.

Có giá trị là thế nhưng Lan kim tuyến trong tự nhiên thường chỉ phân bố trong những mạn rừng sâu và cao, rất hiếm khi bắt gặp chúng sinh trưởng ở bìa rừng, đặc biệt chúng không thể phát triển ở nơi đồng bằng châu thổ. Khả năng tái sinh chồi từ rễ và hạt của lan kim tuyến rất kém, sinh trưởng chậm và bị khai thác từ lâu nên loài cây này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Năm 2007, lan kim tuyến được đưa vào sách đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại. Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống lan kim tuyến được triển khai đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tạo ra hàng loạt những cây con ổn định về mặt di truyền. Điều này rất có ý nghĩa trong việc bảo tổn, phát triển và sau đó cung cấp cây giống có chất lượng cho thị trường.

Có nhiều phương pháp nhân giống lan kim tuyến đã được thực hiện: nhân giống bằng hạt, nhân giống bằng cây con hay giâm cành. Tuy nhiên, các phương pháp trên đều không hiệu quả. Đối với nhiều loại thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế và ý nghĩa sinh học cao, gặp vấn đề trong nhân giống hữu tính thì nhân giống vô tính in vitro là phương án tối ưu nhất để nhân nhanh chồi và tạo cây con hoàn chỉnh. Phương pháp này giải quyết được vấn đề không đồng nhất do phân ly tính trạng ở thế hệ cây con khi nhân giống từ hạt và vấn đề bệnh lây nhiễm ở phương pháp giâm, chiết cành.

Tại Quyết định 252/QĐ-VNN ngày 02/6/2021 của Viện trưởng Viện Nông nghiệp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng, đơn vị trực thuộc, Phòng Phân tích và thí nghiệm được giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng có giá trị để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống cũng như nhân, cung ứng giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhóm công nghệ sinh học tổ chức nhân giống đối với 3 giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật tại phòng thí nghiệm.

Nhận thực rõ được giá trị tiềm năng của loại dược liệu quý hiếm này nếu được sản xuất và chế biến thành các sản phẩm hàng hoá cung ứng rộng rãi ra thị trường sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển vùng dược liệu của tỉnh. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ lưu giữ và bảo tồn nguồn gen, công tác sản xuất thử nghiệm lan kim tuyến cũng được tích cực triển khai. Mục tiêu cung cấp nguồn giống chất lượng cho vùng trồng dược liệu, tạo ra thành phẩm sinh khối có giá trị dược liệu cao, là nguồn nguyên liệu cho sản xuất các chế phẩm từ lan kim tuyến (trà, rượu…).

Với mục tiêu đưa lan kim tuyến trở thành sản phẩm cây giống mũi nhọn sau năm 2025 tại Viện Nông nghiệp, Phòng Phân tích và Thí nghiệm nói chung cũng như nhóm công nghệ sinh học nói riêng đang từng bước cải thiện, nâng cao kỹ năng, tay nghề và công suất hoạt động để hiện thức hóa được mục tiêu đó.

Từ năm 2019, phòng đã tiếp nhận Công nghệ nuôi cấy Lan kim tuyến bằng phương pháp in vitro từ Viện Sinh học nhiệt đới – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ. Cho đến thời điểm hiện tại, các cán bộ đã làm chủ được công nghệ để có thể sản xuất lan kim tuyến thương phẩm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đầy đủ, đáp ứng tối thiểu các thiết bị cần thiết để vận hành một phòng nuôi cấy mô. Tổng diện tích khu vực công nghệ sinh học là 700m2 với đầy đủ hệ thống phòng nuôi, phòng hóa chất, phòng cấy… Nhóm thực hiện vẫn đang tiếp tục hoàn thiện quy trình từ quy trình công nghệ được tiếp nhận của đơn vị chuyển giao.

Được sự quan tâm của lãnh đạo Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã có những định hướng đúng đắn để phòng cải tạo cơ sở vật chất, có thể phát triển công nghệ nuôi cấy mô, cũng như góp phần giúp cán bộ phòng phân tích nắm vững, hoàn thiện và phát triển quy trình nhân giống nuôi cấy mô. Cán bộ phòng PTTN luôn đoàn kết, đồng lòng, chủ động học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, quyết tâm để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa có khả năng thực hiện nhân giống in vitro tạo ra cây giống có chất lượng tốt. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm lan kim tuyến tạo ra chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường hiện nay. Lý do một phần vì công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa chuyên nghiệp, chưa hiệu quả nên chưa tiếp cận được với thị trường. Bên cạnh đó, công tác sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất hạn chế do chưa đồng bộ và nguồn nhân lực còn mỏng, không đủ để thực hiện sản xuất với số lượng lớn.

Hiện nay, phòng Phân tích và Thí nghiệm đã và đang đưa ra các giải pháp để thực hiện nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế đang tồn tại. Quy trình công nghệ được cải tiến, thay đổi để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có. Cán bộ kỹ thuật tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, tham quan, học hỏi để nâng cao kỹ năng, tay nghề. Công tác dịch vụ, thăm dò, nắm bắt nhu cầu thị trường về các sản phẩm từ lan kim tuyến được tích cực triển khai. Tranh thủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, từ thực tế đáp ứng công suất giống cây Lan kim tuyến hiện tại và từ sự kỳ vọng của các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp đối với Viện nói chung, phòng Phân tích nói riêng, từ đó kết nối và lan tỏa ra bên ngoài để có thể tìm kiếm các đơn vị sẵn sàng làm đối tác đầu ra cho sản phẩm.

Từ những giải pháp nêu ra ở trên, phòng Phân tích và thí nghiệm định hướng sẵn cho tương lai gần. Sau năm 2025, phấn đấu đáp ứng được nhu cầu sử dụng cây giống lan kim tuyến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, hướng tới trở thành đơn vị đi đầu trong việc cung ứng nguồn cây giống chất lượng cao, mở rộng thị trường không chỉ tại tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Cung cấp nguồn giống chất lượng cho vùng trồng dược liệu của tỉnh, tạo ra thành phẩm sinh khối có giá trị dược liệu cao, là nguồn nguyên liệu cho sản xuất các chế phẩm từ lan kim tuyến (trà, rượu, …).

Đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ chuẩn để tiến hành sản xuất cây giống thương phẩm quy mô công nghiệp./.

Trịnh Trúc Giang
Chuyên viên PTTN

Bài viết liên quan