Đánh giá bước đầu kết quả một số Mô hình Lúa gạo Hữu cơ và một số giải pháp phát triển sản xuất Lúa gạo Hữu cơ trong thời gian tới tại Thanh Hóa

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nông sản hữu cơ là những loại lương thực, thực phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và được đánh giá công nhận đạt yêu cầu. Dù có nhiều tiêu chuẩn sản xuất và chế biến nông phẩm hữu cơ trên thế giới, tuy nhiên nó vẫn tuân theo nguyên tắc chung của nông nghiệp hữu cơ của IFOAM là luôn hướng việc trồng trọt chăn nuôi theo quy luật tự nhiên, thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học. Vì thế, nông nghiệp hữu cơ loại trừ các đầu vào hóa chất, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hoá học tổng hợp. Nông sản hữu cơ cũng không được phép sử dụng công nghệ khi chưa đánh giá được mức độ rủi ro như công nghệ nano, kỹ thuật gen, các phương pháp chiếu xạ, dung môi công nghiệp hoặc các chất phụ gia thực phẩm tổng hợp. Nông sản hữu cơ ngoài việc đảm bảo sản xuất tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn mà người sản xuất lựa chọn làm theo, còn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của nhà nước.

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) thực sự phát triển mạnh từ những thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Cho đến nay, đã có 179 nước thực hiện phương thức sản xuất NNHC và phân bố trên tất cả các châu lục. Số liệu thống kê của IFOAM cho thấy, trong giai đoạn 1999 đến nay – tức là sau 25 năm phát triển, số quốc gia trên thế giới tham gia sản xuất NNHC đã tăng lên mạnh mẽ, từ 77 nước năm 1999 tăng lên 179 nước vào năm 2015. Tổng diện tích đất NNHC của các châu lục đều tăng trong giai đoạn 1999 – 2014. Trong đó, châu Đại Dương (Úc), châu Âu và châu Mỹ La – tinh có sự tăng trưởng rất lớn. Trong giai đoạn 1999 – 2014, diện tích NNHC ở các châu lục có sự tăng đột biến vào những năm 2002 – 2004, đặc biệt châu Đại Dương, châu Mỹ La – tinh và châu Á. Trong giai đoạn 2003 – 2014, diên tích đất NNHC thuộc châu Mỹ La – tinh và châu Á luôn có sự tăng giảm bất thường, trong khi đó ở các châu lục khác thì diện tích tăng lên đều đặn.

Theo số liệu thống kê của FiBL & IFOAM (Willer and Lernoud, 2016), đến năm 2014 toàn thế giới có 2,3 triệu trang trại NNHC, tăng 11,5 lần so với năm 1999 (với 200.000 trang trại). Mô tả 10 quốc gia có số trang trại NNHC lớn nhất trên thế giới, trong đó Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu với 650.000 trang trại vào năm 2013. Châu Á là nơi có số trang trại NNHC lớn nhất (chiếm 40% toàn thế giới), đứng tiếp theo là châu Phi (chiếm 26%), châu Mỹ La – tinh (17%), châu Âu (chiếm 15%). Riêng châu Đại Dương (Úc) có tỉ lệ diện tích NNHC lớn nhất thế giới (chiếm 40%), nhưng có số trang trại ít nhất thế giới (chiếm 1%), điều đó cho thấy quy mô trang trại NNHC ở Úc lớn còn ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La – tinh quy mô trang trại nhỏ hơn. Theo kết quả điều tra của FiBL – AMI (Willer and Lernoud, 2016), tổng giá trị sản xuất NNHC của thế giới tăng nhanh, năm 2014 đạt 80 tỷ USD tăng hơn 5 lần so với năm 1999 (15,2 tỷ USD), trong đó 3 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (35,9 tỷ USD), Đức (10,5 tỷ USD) và Pháp (6,8 tỷ USD).

Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của thế giới về nhu cầu phát triển sản xuất NNHC. Hiệp hội NNHC Việt Nam (VOAA) được chính thức thành lập vào ngày 31 tháng 10 năm 2011 trong khuôn khổ dự án Phát triển Nông nghiệp hữu cơ do tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á-Đan Mạch (ADDA) tài trợ, được thực hiện bởi Hội Nông dân Việt Nam (VNFU) giai đoạn 2005-2012, tuân thủ định hướng phát triển và nguyên tắc của IFOAM. Có thể nói NNHC còn rất non trẻ ở Việt Nam. Kế thừa những kết quả của dự án HHHC tiếp nhận các nhóm nông dân sản xuất được thành lập từ dự án ADDA-VNFU chủ yếu ở các vùng gần thị trường Hà Nội là Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình. Các sản phẩm đơn điệu chủ yếu là rau củ quả các loại và chỉ có rất ít sản phẩm chăn nuôi do không có nguồn thức ăn chăn nuôi hữu cơ và nông dân phải tự sản xuất nguồn thức ăn khi muốn nuôi Gà hoặc Lợn hữu cơ. Từ chỉ một vài trang trại tiên phong sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA những năm 2008 như: Chè hữu cơ của Công ty TNHH liên kết sinh thái Việt Nam (Ecolink) và Công ty TNHH Hiệp Thành với diện tích lên đến 1.000 ha, chủ yếu tại Lào Cai, Hà Giang; sản phẩm gạo, cá của Công ty CPTM & Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau) hướng tới thị trường nước ngoài, các nhóm nông dân trong dự án của ADDA-VNFU được hỗ trợ bởi dự án đã phát triển một hệ thống tự bảo đảm chất lượng có sự tham gia viết tắt là (PGS) cùng một bộ tiêu chuẩn của mình để hướng dẫn nông dân áp dụng. PGS được phát triển bởi IFOAM, đang trở thành công cụ quản lý và được áp dụng nhiều nước trên thế giới, vì thế PGS rất mới ở Việt Nam. Kể từ khi PGS thành lập năm 2008 đến nay, rau PGS gắn với tên Thanh Xuân, Lương Sơn, Trác Văn ở Miền Bắc rồi Hội An, Bến Tre ở Miền Nam, còn có nhiều tên tuổi được gắn với các sản phẩm hữu cơ như rau hữu cơ VFV của TH true Milk, Organik Đà Lạt… Tính đến 2014, diện tích canh tác hữu cơ ước đạt 43.000 ha, chiếm 0,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn quốc. Số người tham gia sản xuất hữu cơ ngày càng tăng, giá trị sản phẩm hữu cơ cũng tăng cả về lượng và chất. Số lượng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất đăng ký tham gia hội viên của Hiệp hội ngày càng nhiều, lên tới hàng trăm hội viên ở các địa phương (ADDA – Việt Nam, 2016).

Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có NNHC. Gần đây cùng với những nỗ lực thúc đẩy của Hiệp hội NNHC Việt Nam, trên cơ sở những đòi hỏi của thị trường và những vấn đề về an toàn thực phẩm phải đối mặt, song song với các chương trình hành động của Quốc Gia,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 01/2012/QĐTTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó có NNHC  Bộ NN & PTNT khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ hơn đối với NNHC, thông qua việc phê duyệt Chương trình khung nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2013 – 2020, trong đó có NNHC sẽ sớm thúc đẩy NNHC Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đúng hướng góp phần giải quyết những vấn đề về thực phẩm hiện nay.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam giống như nhiều nước khác trên thế giới, theo số liệu IFOAM công bố năm 2012 (FiLB và IFOAM, 2012), năm 2010 Việt Nam có 19.272 ha sản xuất NNHC được chứng nhận (tương đương 0,19% tổng diện tích canh tác), cộng với 11.650 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ sinh thái và 2.565 ha rừng nguyên sinh để khai thác các sản phẩm hữu cơ tự nhiên. Báo cáo của FiBL-IFOAM không nêu tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam, nhưng theo báo cáo của Hiệp Hội NNHC Việt Nam thì ước đạt khoảng 12 – 14 triệu USD. Các sản phẩm hữu cơ đang được xuất khẩu là chè, tôm, gạo, quế, hồi, tinh dầu. Một số mô hình NNHC tiêu biểu: Dự án ADDA-VNFU, Ecolink-Ecomart với sản phẩm chè và rau hữu cơ, Organik Đà Lạt với sản phẩm rau hữu cơ, Viễn Phú Green Farm với sản phẩm gạo hữu cơ.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đảm bảo an ninh lượng thực quốc gia, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập của người dân là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đang có xu hướng giảm diện tích gieo trồng lúa, giảm xuất khẩu gạo để gieo trồng nhiều hơn các giống lúa chất lượng, nâng cao tỷ lệ giống đặc sản, bản địa có chất lượng. Và như vậy, cơ hội trở lại canh tác hữu cơ với một số giống lúa là hiện hữu. Với điệu kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh Thanh Hóa, Hữu cơ-Tiêu chuẩn về sản xuất NNHC và chế biến vào ngày 29 tháng 12 năm 2006 là một cơ sở pháp lý quan trọng. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

ĐỌC THÊM

II. THỰC TRẠNG SẢN XUẤT LÚA GẠO HỮU CƠ TẠI THANH HÓA

2.1. Tình hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại Thanh Hóa

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/4/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, biến điều kiện khắc nghiệt thành lợi thế phát triển, gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, Thanh Hóa lựa chọn mục tiêu là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực là Gạo hữu cơ chất lượng cao,bưởi Luận Văn Xuân Thọ Xuân, Dưa lưới Lam Sơn và cây ăn quả đặc sản. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua Doanh nghiệp… nhằm tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông – lâm – thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

            Cạnh đó, chương trình xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao từ năm 2009 đến nay của tỉnh Thanh Hóa đã hình thành và phát triển vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích trên 70.000 ha (diện tích gieo trồng (140.000 ha/năm), tập trung ở các huyện: Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nga Sơn, Hà Trung, … Nhưng xu hướng hiện nay thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện đang phát triển. Mặc dù  không có số liệu thống kê chi tiết về chủng loại và số lượng sản phẩm hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ hàng năm, nhưng dễ nhận thấy rằng các sản phẩm rau hữu cơ và dược liệu là để tiêu thụ nội địa, còn các sản phẩm hữu cơ khác như chè, tôm, gạo,… là để xuất khẩu.

          Tỉnh Thanh Hóa bước đầu tiếp cận sản xuất một số sản phẩm rau, quả, lúa gạo hữu cơ tại một số huyện trong tỉnh như: Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân có diện tích trồng rau màu tương đối tập trung, xây dựng một vùng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế thực sự cho người sản xuất. Tỉnh đã đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cổ phần nông công nghiệp dịch vụ thương mại Lam Sơn và tiếp tục quy hoạch đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cổ phần nông công nghiệp dịch vụ thương mại Lam Sơn với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, hoa, quả, đặc biệt là lúa gạo hữu cơ. Vụ Mùa năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Ngọc Lặc đã hợp tác, liên kết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ. Đến nay, đã qua 02 vụ sản xuất (Mùa 2018, Xuân 2019), hợp tác liên kết trong việc sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 100 ha lúa trên địa bàn các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Mặc dù, đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai dịch bệnh thường xuyên xảy ra, thị trường nông sản biến động, tuy nhiên hợp đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ. Hiệu quả mô hình, chi phí và lợi ích của mô hình như sau:

– Về kinh tế:

Với năng suất lúa tươi bình quân đạt 50 tạ/ha, nơi cao đạt trên 70 tạ/ha, các thu mua lúa tươi tại ruộng với đơn giá  8.000 đ/kg lúa tươi, cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha, nơi cao đạt 56 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí giống, phân bón, làm đất, thu hoạch cho lãi bình quân 22 triệu đồng/ha, nơi cao cho lãi 38 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất đại trà từ 6-18 triệu đồng/ha.

Qua 02 vụ liên kết sản xuất lúa hữu cơ với quy mô 100 ha, tổng sản lượng lúa tươi thu được hơn 600 tấn, tổng thu nhập của mô hình gần 4,8 tỷ đồng, lãi toàn mô hình qua 02 vụ là 1,8 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha lúa hữu cơ/02 vụ là 70- 90 triệu đồng, cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, thương hiệu Gạo hữu cơ mặc dù mới chỉ có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng cao.

– Về xã hội: Mô hình giải quyết được 02 vấn đề cơ bản về tổ chức sản xuất và an toàn thực phẩm.

Về tổ chức sản xuất, tất cả các hộ gia đình tham gia mô hình đều phải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất cánh đồng lớn, tập trung. Mô hình đã thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất.

Về an toàn thực phẩm, mô hình giúp nâng cao nhận thức của người nông dân theo hướng không sử dụng thuốc BVTV, tập trung sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Về môi trường: Việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón vô cơ, đã giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.

Trên cơ sở các kết quả đạt được trong thời gian qua, các Trung tâm, Công ty giống cây trồng, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất gạo hữu cơ Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 300 – 500 ha. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: dưa lưới, Cam, bưởi, Cây ăn quả đặc sản, …

ĐỌC THÊM

2.2. Nội dung và một số giải pháp phát triển sản xuất NNHC tại Thanh Hóa

Lúa gạo hữu cơ, tạo ra được sản phẩm sạch bệnh, thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng. Nhằm xây dựng chuỗi lúa gạo hữu cơ bằng công thức: “Bón phân và tưới nước” mô hình chuỗi liên kết này đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, năng suất lúa ổn định, nông dân trồng lúa hữu cơ không còn lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập ổn định.

Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống. Tỉnh Thanh Hóa để chuyển thành công nền sản xuất tự cấp tự túc sang một nền sản xuất hàng hóa, định hướng xuất khẩu thì vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế sẽ ngày càng cấp thiết.

Để nông nghiệp hữu cơ phát triển cụ thể, khả thi tại Thanh Hóa đã có các cơ chế chính sách tập trung vào những giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền: tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản những Nghị quyết về nông nghiệp. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, cán bộ, doanh nghiệp và người nông dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyển thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, tập trung cao nội dung, giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ,cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi tích tụ ruộng đất phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực: lúa gạo hữu cơ, cây trồng có giá trị hiệu quả kinh tế cao, doanh nghiệp hóa sản phẩm.

Thứ hai, quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước tại khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất gạo hữu cơ Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, 2021 diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 300 – 500 ha. Ngoài ra, tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất hữu cơ trên các đối tượng cây trồng như: dưa lưới Lam Sơn, Cam, bưởi luận văn có chỉ dẫn địa lý, Cây ăn quả đặc sản, rau hữu cơ, …

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Nông nghiệp: đẩy mạnh ứng dụng quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; kêu gọi xây dựng mô hình, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo, đặc biệt là lúa gạo hữu cơ, rau, quả, … sản xuất theo hướng an toàn; xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ của tỉnh; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ nông nghiệp và thị trường: đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, trước mắt quan tâm sản phẩm lúa gạo hữu cơ, bưởi luận văn và một số loại quả có giá trị an toàn. Duy trì các thị trường truyền thống, tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.

Thứ năm, thực hiện tốt cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp: tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của tỉnh tại Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND, ngày 31/12/2015 về việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Quyết định số 5637/2015/QĐ – UBND ngày 31/12/2015 về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt quan tâm đến tạo sự liên kết bền vững trong sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển sản xuất quy mô lớn; hợp tác trong và ngoài nước với một nền sản xuất NNHC hiện đại giúp các doanh nghiệp, các nhà khoa học Viện nông nghiệp, trường Đại học trong tỉnh giao lưu, học hỏi với các doanh nghiệp có phát triển trong nước.

ĐỌC THÊM

III. KẾT LUẬN

Trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh nhà, đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất diện rộng, chuyển dịch dần từ sản xuất số lượng sang chú trọng chất lượng, sản phẩm an toàn, gắn với thị trường đã góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác; từng bước hướng đến sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa gạo hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, năm 2020 sản xuất mô hình lúa gạo hữu cơ tại huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc với quy mô hàng 100ha với các giống lúa thuần chất lượng Bắc Thịnh, Hương Cốm. Các mô hình được trồng trên những vùng đất phù hợp với điều kiện canh tác tiến tiến, cơ giới hóa, khâu làm đất 90%, khâu gieo cấy 25%, thu hoạch 75%. Kế hoạch năng suất bình quân 65,7 tạ/ha/vụ, tăng khoảng 10 tạ/ha so với sản xuất đại trà. Chất lượng gạo ngon, cơm mềm, sản phẩm sạch, chất lượng thương mại cao đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm có theo tiêu chuẩn quốc gia. Giá thành gạo cao hơn thị trường từ 1,5-1,8 lần.

Như vậy, tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh tiếp cận với nền nông nghiệp hữu cơ cũng rất sớm, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, an toàn, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, Viện nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện Dự án nông thôn miền núi về sản xuất chuỗi lúa gạo hữu cơ. Để phát triển mô hình, mở rộng sản xuất lúa gạo hữu cơ trong những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Viện có một số kiến nghị, đề xuất:

  1. Thu hút các dự án phát triển vùng lúa chất lượng cao, an toàn gắn với chế biến gạo, sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn bằng phương pháp hữu cơ.
  2. Xây dựng mạng lưới các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong tỉnh, trong nước sẵn sàng tham gia giải quyết các vấn đề Kh&CN của tỉnh, của từng doanh nghiệp. Nâng cao được năng lực của đội ngũ cán bộ KH&CN trong các tổ chức KH&CN cấp tỉnh./.
ĐỌC THÊM

Tài liệu tham khảo

  1. Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 20/04/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
  2. Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
  3. Nguồn tin Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ.
  4. Phòng Trồng trọt – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Thanh Hóa.
  5. Willer and Lernoud, 2016.
  6. FilB and IFOAM, 2017.
  7. ADDA-Việt Nam, 2016.

Tác giả: ThS. Lê Thị Hương

Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học – Viện Nông nghiệp Thanh Hóa