Tăng cường công tác điều tra và phòng, chống sâu keo mùa Thu hại ngô và cây trồng khác

Thực hiện Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV ngày 15/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, về việc tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa Thu (Spodoptera frugiperda J.E. Smith) hại ngô.

Sâu keo mùa Thu  là loài sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4 năm 2019; vào Thanh Hóa từ ngày 17/4/2019 . Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho công tác phòng, chống. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, ở vụ Xuân năm 2019 sâu keo mùa Thu đã xuất hiện và gây hại hầu hết các vùng trồng ngô, tổng diện tích nhiễm 406,8 ha (nhiễm nặng 29,2). Vụ Hè Thu năm 2019 sâu keo mùa Thu tiếp tục gây hại, đến nay tổng diện tích nhiễm 206,2 ha (nhiễm nặng 26,0 ha). Tập trung ở các huyện Thường Xuân, Yên Định, Như Xuân, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa,… Dự báo trong thời gian tới, sâu keo mùa Thu sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây ngô trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa Thu gây ra và bảo vệ an toàn sản xuất cây ngô, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng ban chuyên môn của địa phương thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

– Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, thống kê mức độ, diện tích nhiễm sâu keo mùa Thu trên ngô và các cây trồng khác; hướng dẫn nông dân chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng chống theo quy trình kỹ thuật tại công văn số 1584/SNN&PTNT-BVTV ngày 08/5/2019 và thuốc sử dụng phòng chống sâu keo mùa Thu tại công văn số 1585/SNN&PTNT-BVTV ngày 08/5/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT.

– Tổ chức điều tra, đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với sâu keo mùa Thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng thay thế các giống ngô đã bị sâu keo mùa Thu gây hại nặng.

– Khuyến cáo nông dân áp dụng triệt để các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa Thu trên đồng ruộng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp mật độ sâu cao bằng các loại thuốc sau: Bacillus thuringiensis (V.K 16 WP, 32 WP, Biocin 16WP, 8000SC);Spinetoram (Radiant 60SC); Indoxacarb (Clever 150SC, 300WG, DuPont Ammate 30WG, 150EC, Sunset 300WG); Lufenuron(Match 050EC),… Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

2. Đối với các đơn vị trực thuộc Sở:

a) Phòng Trồng trọt: Hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp canh tác, bố trí mùa vụ hợp lý để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu.

b) Chi cục Bảo vệ thực vật: Tiếp tục chỉ đạo các Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố tăng cường cán bộ điều tra, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời sâu keo mùa Thu.

Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.

c) Trung tâm Khuyến nông: Phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thông tin, tuyên truyền và tổ chức các Diễn đàn Khuyến nông @ với chủ đề phòng, chống sâu keo mùa Thu.

Xây dựng các mô hình khuyến nông về quản lý dịch hại tổng hợp sâu keo mùa Thu hại ngô ở địa phương, nhất là những vùng trọng điểm ngô trong tỉnh./.

Nguồn tin: Chi cục Bảo vệ thực vật

Bài viết liên quan