Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa

Hoằng Xuân là xã vùng màu ven sông Mã, có diện tích đất tự nhiên 1346,02 ha, là xã có điều kiện tự nhiên rộng lớn đa dạng, giáp núi, giáp sông là một trong những xã phát triển về nông nghiệp chủ lực lâu đời của huyện Hoằng Hóa. Bởi vậy, những năm qua Hoằng Xuân luôn chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn liền với xây dựng NTM thông qua việc phát triển các mô hình nông nghiệp hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế cao.

(Cánh đồng ngô ngọt của xã Hoằng Xuân)

Thực hiện Nghị quyết 137 của HĐND huyện Hoằng Hoá ngày 19/7/2021 về việc “Ban hành cơ chế phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2021-2026” định hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là một trong những chương trình trọng tâm trong giai đoạn tới. Xã đã sớm có các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn như cơ chế tích tụ đất đai, dồn đổi ruộng đất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn và xây dựng thương hiệu, đầu ra ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường về nông sản và thực phẩm của xã hội; xây dựng nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất. Với lợi thế địa hình ven sông có lượng lớn đất phù sa màu mỡ, cũng như là nơi đầu nguồn tưới của vùng nên có điều kiện phát triển các loại cây trồng có gía trị kinh tế cao vào sản xuất, xã đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với một số cây trồng chủ lực tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn như vùng sản xuất lúa thương phẩm 230ha, vùng sản xuất cây ngô ngọt 95ha, ngoài ra còn có cây lạc 15 ha, cây dược liệu như cà gai leo, trinh nữ hoàng cung 2,5ha, cây gai xanh 15ha,… Hoằng Xuân cũng là xã đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chuyển đổi 6 ha đất lúa sang chuyên sản xuất các loại rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap cơ bản đã được đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới khoa học tiết kiệm. Sản phẩm rau an toàn đã được cung cấp cho hệ thống siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố.Nhờ xây dựng các vùng sản xuất tập trung nên các sản phẩm nông nghiệp của xã có thể đáp ứng được yêu cầu của các Công ty thu mua như cây ngô ngọt được Công ty CP xuất nhập khẩu Đồng Giao liên kết bao tiêu ổn định hơn 1000 tấn nguyên liệu hàng năm và được thu mua ngay tại ruộng để giảm chi phí công vận chuyển cho các hộ trồng và bảo quản nguyên liệu được tốt hơn. Sản phẩm được Công ty chế biến thành ngô ngọt đóng hộp và xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…. Thu nhập bình quân của các hộ trồng ngô đạt 50-55 triệu đồng/ha đảm bảo thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hiện nay xã có 112 mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, có 11 mô hình được công nhận trang trại trong đó có trang trại lợn của anh Vũ Văn Lực, thôn Nga Phú 1 liên kết chăn nuôi cho Công ty Cổ phần CP với số lượng 1000 con lợn thịt. 3 trang trại nuôi gà thương phẩm với quy mô 1,5-2ha, số lượng 33.000 con. Còn lại là các trang trại, gia trại tổng hợp kết hợp cây lưu niên-cá- chăn nuôi, hoặc mô hình lúa-thủy sản-thủy cầm kết hợp.  Để đạt mục tiêu phát triển trong chăn nuôi xã đã quy hoạch và chuyển đổi diện tích đất 2 lúa sản xuất kém hiệu quả được gần 50ha sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, thường xuyên đưa các lọai giống vật nuôi có hiệu quả cao vào sản xuất và tăng tổng đàn vật nuôi, các khu NTTS tập trung đảm bảo vệ sinh ATTP và VSMT, khuyến khích nhân dân không bỏ ruộng hoang, mà chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản phát triển các loại cá nước ngọt có năng suất giá trị cao như cá chình, ốc nhồi,… Tổng giá trị thu nhập hàng năm của các trang trại từ 500-700 triệu đồng, cá biệt có một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn cho thu nhập 2-3 tỷ đồng/năm.

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp của xã có vai trò không nhỏ của HTX DVNN Hoằng Xuân, HTX là cầu nối liên kết giữa nông dân và Doanh nghiệp, thực hiện tổ chức các khâu liên quan đến từng chu kỳ phát triển của cây trồng từ khâu cung ứng vật tư đầu vào như giống, phân bón, dịch vụ tưới tiêu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ thành viên, đồng thời các thành viên cũng được triển khai chấp hành và thực hiện tốt các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ vì vậy không xảy ra hiện tượng phá vỡ hợp đồng liên kết, diện tích ký hợp đồng thu mua ổn định hàng năm. Góp phần thay đổi tập quán, ý thức sản xuất của người dân, loại  bỏ dần phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tuân thủ hợp đồng tạo nên sự hợp tác lâu dài giữa người dân và Công ty đem lại thu nhập cao ổn định cho người dân. Trong chăn nuôi, việc chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung cho thấy hiệu quả kinh tế chuyển biến nâng cao rõ rệt, nhờ quy mô chăn nuôi lớn cùng quy trình chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm nên các sản phẩm được Công ty cam kết bao tiêu hoàn toàn. Những kết quả đáng ghi nhận trong lộ trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của Hoằng Xuân đã tạo những bước chuyển dịch tích cực đối với nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân, các hộ sản xuất trên địa bàn xã. Thu nhập bình quân năm 2011 đạt 17 triệu đồng/người/năm đến năm 2021 đã nâng lên lên 53,5 triệu đồng/người/năm. Trong thời gian tới, định hướng sản xuất chủ lực của xã vẫn là tập trung gieo trồng cây ngô ngọt và mở rộng vùng sản xuất ngô ngọt đặc biệt với cây ngô đông đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap lên 105 ha. Với lợi thế địa hình đồi rừng, xã cũng đã khuyến khích nhiều hộ phát triển các sản phẩm từ rừng như nuôi ong mật, gà đồi hay sản phẩm từ cây sim rừng cho hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện tại sản phẩm rượu sim rừng Bảo An của xã đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ sản xuất bởi xu hướng hiện nay của người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bản địa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo vệ sinh ATTP góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xã đạt an toàn VS thực phẩm

Hiệu quả của việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa trong sản xuất đã và đang được khẳng định. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang phát huy hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung. Vì vậy, năng suất chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị hàng hóa, thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.

Phương Thuý

Trạm Kết Nối Cung Cầu và Hội chợ triển lãm- Trung tâm tư vấn quy hoạch Thị trường và chiến lược PTNN

Bài viết liên quan