Kỹ thuật trồng Lan Kim Tuyến từ cây nuôi cấy mô ngoài vườn ươm

Lan Kim tuyến (Anoectochilus) còn được gọi là lan trang sức vì vẻ đẹp hấp dẫn của nó. Chi Lan Kim tuyến Anoectochilus ở Việt Nam hiện thống kê được 12 loài, được biết đến nhiều không những bởi giá trị làm cảnh mà còn tác dụng dược lý của loài cây này.

Lan Kim tuyến có tác dụng tăng cường sức khoẻ, lưu thông khí huyết, có tính kháng khuẩn, chữa các bệnh viêm khí quản, viêm gan mãn tính, chữa suy nhược thần kinh. Loài Lan này được sử dụng để chữa trị bệnh lao phổi, đau nhức xương khớp, viêm dạ dày mãn tính. Trước đó, Lan Kim tuyến là một trong những loại thảo dược quý giúp bổ máu, dưỡng âm, chữa trị nóng phổi, nóng gan. Hơn nữa, mới đây người ta đã tìm ra khả năng phòng và chống ung thư của loài thảo dược này.

Cây Lan Kim Tuyến nuôi cấy mô ban đầu tuy nhỏ nhưng sinh trưởng phát triển rất khoẻ, sạch bệnh, năng suất và chất lượng cây sau này cao hơn  nhưng nhược điểm là giá thành cây giống cao……

Bên cạnh đó, việc trồng và đưa cây từ nuôi cấy in vitro ra ngoài môi trường nuôi cấy ex vitro đang là vấn đề cần thiết nhằm cung cấp các cây hoàn chỉnh ra ngoài thị trường, đồng thời sản xuất và chế biến các sản phẩm từ Lan Kim tuyến thành các sản phẩm hàng hoá cung ứng rộng rãi ra thị trường sẽ đẩy mạnh sản xuất, phát triển vùng dược liệu.

  1. Giá thể trồng:

– Chuẩn bị giá thể: Mùn dừa đem phơi khô, sau đó bạn ngâm trong nước vôi loãng khoảng 6 tiếng rồi vớt xơ dừa ra để ráo. Klasmann được ngâm nước và chất xử lý nấm mốc.

– Tiếp theo tiến hành trộn theo hỗn hợp theo tỉ lệ 3 phần đất, 1 rễ cây dương xỉ, 2 dớn vụn và 2 xơ dừa ủ tất cả với nước trong vòng 1 tuần ăn rồi đem đi trồng cây.

Phối trộn giá thể
  1. Chọn giống cây:

Cây Lan Kim Tuyến nuôi cấy mô để trồng ngoài sản xuất thì tiêu chuẩn cây là 3 – 5 cm, có từ 2 – 3 lá thật, 2 – 3 rễ.

Cây Lan Kim Tuyến nuôi cấy mô đủ điều kiện đưa ra ngoài vườn ươm
  1. Cách trồng:

Cho cây vào giá thể tạo thành từng cụm một, mỗi cụm khoảng 5 cây và khoảng cách giữa các cụm từ 0,5 – 1m. Sau đó dùng tay ném chặt phần đất để cố định cây thẳng đứng, rễ phải chìm hẳn giá thể. Tiếp đến bạn dùng túi nilon hoặc dùng vải lưới bọc kín giá thể để chăm 6 đến 8 ngày đầu.

  1. Chế độ phân bón:

Tùy theo độ tuổi và quá trình sinh trưởng của lan mà ta tiến hành bón các loại phân với liều lượng phù hợp khác nhau.

Vào giai đoạn lan đang phát triển (3 tháng đầu) chủ yếu nên bón thêm phân đạm cho cây, bằng cách pha loãng với nước tưới cho cây 1 tuần/1 lần. Ngoài ra có thể bổ sung thêm phân lân hoặc phân Urê để tăng thêm dưỡng chất cho cây.

  1. Tưới nước:

Dùng bình phun sương là phù hợp nhất với Lan Kim Tuyến hoặc sử dụng hệ thống dàn phun sương, tưới 2 lần/1 ngày và nên tưới đủ ẩm cho giá thể, không nên tưới quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng cây sẽ bị thối rễ.

Vào mùa mưa, bạn chỉ nên tưới 1 lần/1 ngày tùy thuộc vào độ ẩm của giá thể.

  1. Chuẩn bị nhà che:

Lan Kim Tuyến không chịu được cường độ ánh sáng trực xạ cao và sương muối, mưa nhiều nên phải làm giàn che để hạn chế các điều kiện bất lợi trên bằng các nguyên vật liệu nilon trắng, lưới che râm, thép, luồng hoặc tre nứa.

  1. Sâu bệnh và cách phòng trừ:

– Sâu đất: Cần xử lý đất bằng thuốc Regent, liều 2kg/1000m2, phun vào lúc chiều tối.

– Sâu: Phun ngừa bằng thuốc Sumic EC với liều 10ml/8 lít, Lanante 18g/8lít.

– Rầy: Phòng ngừa dùng thuốc Lanante 20ml/8lít.

– Rệp: Phòng trừ bằng thuốc Lanante 18g/8lít khi thấy rầy, rệp xuất hiện.

– Bệnh sương mai: Dùng thuốc Ridomil để phòng trừ với liều 15 – 20g/ 8 lít.

– Bệnh đốm lá; bệnh đốm vàng: Aternaria sp và bệnh đốm đen Cecosposa sp. Phòng ngừa bằng cách vệ sinh đồng ruộng, bón cân đối N, P, K, phun Anracol 70WP 10g/8 lít, Allitte 80WP 8g/8lít, Daconil 75WP 8g/8lít.

– Bệnh chết rũ: Phòng ngừa bằng biện pháp luân canh trồng, dùng giống kháng, xử lý đất trước khi trồng. Phun ngừa sau trồng 15 ngày, chu kỳ phun 10 ngày/ 1 lần với các loại thuốc Monceron 25WP (10ml/8lít), Rovral 50WP (10g/8lít), Allitte 80WP (10ml/8lít), Ridomil 72 MZ (20g/8lít).

  1. Thu hái:

Cây Kim tuyến sau khi trồng từ 1 năm đến 16 tháng có thể thu hoạch tất cả các bộ phận cây. Đối với cây Kim tuyến khi thu hái nên thu hái vào buổi sáng sớm là tốt nhất, khi bề mặt lá và thân đều khô ráo. Tuy nhiên để thu hoạch Lan Kim tuyến được hiệu quả cao nhất ta nên thu hoạch khi cây đang có hoa, vào thời này trọng lượng cây đạt là cao nhất.

Cây Lan Kim Tuyến trồng tại nhà màng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa
  1. Bảo quản

Lan Kim Tuyến có thân và lá chứa nhiều nước nên thu hoạch xong cần vận chuyển trong thời gian nhanh nhất (muộn nhất 24 giờ) tránh hao hụt chất lượng cây, mất nước.

 Đối với Lan Kim tuyến khi sử dụng có thể dùng dạng tươi hoặc khô, tuy nhiên hiện nay trên thị trường thường dùng sản phẩm tươi là chủ yếu vì vậy đối với mỗi cách ta cần chú ý một số điểm sau.

+ Đối với trường hợp dùng tươi: Sau khi thu hái ta chỉ rũ nhẹ thân cây để làm sạch một phần đất bám trên rể, không nên rửa vì khi vận chuyển xa có thể làm cho cây bị thối. Còn sử dụng ngay tại chỗ ta tiến hành rửa sạch đất cát bám trên thân lá, hong cây nơi thoáng mát cho ráo nước rồi đưa vào sử dụng như ( Ngâm rượu, nấu nước uống…).

+ Đối với trường hợp dùng khô: Sau khi thu hái ta tiến hành rửa sạch đất cát bám trên thân lá, hong cây nơi thoáng mát cho khô. Nếu ngày nắng ta có thể phôi khô còn ngày mưa ta có thể sấy khô. Có 2 cách sấy khô ( Sấy khô bằng máy sấy thông thường ở 50oC hoặc sấy lạnh) tuy nhiên cách sấy lạnh là tốt nhất vì cách sấy này ít làm mất giá trị dinh dưỡng của cây. Sau khi sấy khô ta cho vào bao nilon và dùng máy hút chân không để hút hết không khí ra khỏi bì đựng Kim Tuyến sau đó dập miệng. Đối với phương pháp sấy khô ta bảo quản được sản phẩm đi xa và thời gian sử dụng lâu hơn.

Nguyễn Tùng Lâm
Chuyên viên Phòng Phân tích & thí nghiệm

Bài viết liên quan