Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2019

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa  vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông năm 2019. Nội dung cụ thể như sau:

1. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

–  Phải luôn xác định vụ Đông là vụ sản xuất chính và đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành trồng trọt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển
sản xuất vụ Đông năm 2019 theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt gắn với nhu cầu thị trường; đổi mới phương thức chỉ đạo, tiếp tục tăng cường tuyên
truyền các chủ trương, chính sách, tiến bộ kỹ thuật và cập nhật diễn biến tình
hình thời tiết, sâu bệnh đến người sản xuất một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

– Chủ động tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, mở rộng vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu vụ Đông; đấy mạnh tổ chức hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp. Trước mắt, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vụ Đông năm 2019 – 2020 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 12923/UBND-NN ngày 26/9/2019.

– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo triển khai tốt nhất kế hoạch sản xuất cây vụ Đông năm 2019.

2. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố:

– Tập trung rà soát, điều chỉnh kế hoạch vùng gieo trồng cây vụ Đông, tăng tỷ lệ cây vụ Đông ưa ấm (ngô, ngô nếp, ngô ngọt chế biến, ngô sinh khối và nhóm dưa, bầu, bí, ớt,…); đẩy mạnh việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng
suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

– Chủ động tu sửa hệ thống kênh mương đảm bảo tiêu thoát nước tốt nhất, chuẩn bị cây con (làm bầu) để có thể trồng cây vụ Đông ngay sau khi thu hoạch lúa; bố trí quỹ đất hợp lý cho cây vụ Đông sớm; với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng sớm; với nhóm cây rau đậu cần bố trí trồng thành nhiều trà, rải vụ để khai thác tối đa điều kiện đất đai, công lao động, tránh rớt giá và tăng hiệu quả kinh tế.

–  Áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật đã được đúc kết từ thực tiễn sản xuất như sử dụng giống mới, làm đất tối thiểu, làm ngô bầu,… đẩy mạnh canh tác trong nhà màng, nhà lưới để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả  kinh tế.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, sâu bệnh để có phương án phòng trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng sâu bệnh, tổ chức khắc phục kịp thời thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; cập nhật, báo cáo tiến độ sán xuất vụ Đông gửi về Sở NN& PTNT để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa

Thực hiện các giải pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết, vụ thu mùa 2019 sẽ có các loài sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại, như: Bệnh lùn sọc đen phương nam có nguy cơ gây hại cao; sâu cuốn lá dự kiến sẽ có 3 lứa, gây hại nặng trên diện rộng, nhất là ở các huyện ven biển, vùng bán sơn địa, trên trà lúa mùa sớm, chính vụ giai đoạn đẻ nhánh.

Sâu đục thân 2 chấm dự báo sẽ phát sinh từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên lúa mùa sớm và chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh và đến giữa tháng 9 sẽ gây hại nặng cho trà lúa trổ muộn giai đoạn trổ đến chín sữa. Rầy nâu, rầy lưng trắng dự báo sẽ gây hại nhẹ ngay từ giai đoạn mạ, gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ – chín sữa, vào thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9 sẽ gây cháy cục bộ trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng, trừ kịp thời. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đen lép hạt dự báo sẽ gây hại nặng trên các giống lúa lai và lúa thuần Trung Quốc, nhất là trên những ruộng bón thừa đạm, làm đất không kỹ…

Trên cơ sở dự báo, dự tính tình hình sâu bệnh có thể xảy ra trong vụ thu mùa, vào các giai đoạn cụ thể, ngay từ đầu vụ, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong toàn vụ thu mùa 2019.

Để bảo vệ cây trồng trước nguy cơ sâu bệnh trong vụ thu mùa 2019, với phương châm phòng là chính, nên ngay từ khi thu hoạch lúa chiêm xuân, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân thu hoạch lúa chiêm xuân đến đâu khẩn trương giải phóng đất đến đó nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh. Thành lập ban chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến sâu bệnh, dự tính khả năng phát sinh của các loại sâu bệnh để có biện pháp phòng, trừ thích hợp, hiệu quả. Cùng với đó, huyện cũng đã có kế hoạch phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của ngành nông nghiệp, các đơn vị truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân nhận biết, phát hiện dịch hại và các biện pháp phòng, trừ hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.

Đồng hành cùng với các địa phương trong công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa, từ tháng 5-2019, chi cục bảo vệ thực vật đã xây dựng phương án phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng trong vụ thu mùa năm 2019, từ đó làm cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai thực hiện. Chi cục bảo vệ thực vật cũng đang đẩy mạnh thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự báo chính xác tình hình dịch hại; đồng thời, kiểm tra, theo dõi, nắm chắc diễn biến và sự phân bố của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, dự tính khả năng phát sinh trong thời gian tới, xác định mức độ gây hại để tham mưu kịp thời các biện pháp xử lý cho các địa phương. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, nhất là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, đào tạo chuyên sâu, tuyên truyền và triển khai xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật, xây dựng các chương trình giám sát chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã và đang triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường sinh thái.

Nông dân xã Quảng Bình (Quảng Xương) chăm sóc lúa vụ thu mùa.

Để công tác phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng trong vụ thu mùa đạt hiệu quả cao, chi cục bảo vệ thực vật khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách) khi thực hiện phun trừ các đối tượng sâu hại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng, tức là: 3 giảm gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm phân đạm; 3 tăng gồm: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế. Hoặc ứng dụng công nghệ SRI, gồm: Cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, sử dụng phân dúi vào sản xuất… nhằm tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh sớm, tăng tính chống chịu với dịch hại. Hạn chế tối đa những giống lúa nhiễm rầy, mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen phương nam vào gieo trồng trong vụ thu mùa.

Hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung

Từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh Hoá đã hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng cho phát triển các mô hình xuất rau an toàn tập trung theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo Quyết định số 5643 ngày 31.12.2015 của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ, chính quyền các địa phương đã thực hiện hỗ trợ sản xuất, đảm bảo ổn định đầu ra cho 128 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, xây dựng được 248.000 m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn và xây dựng 58 cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ rau an toàn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất rau an toàn tập trung đã góp phần chuyển đổi các mô hinh sản xuất rau an toàn từ nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân.