BÀI THAM LUẬN: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP LIÊN KẾT CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI KHU CÔNG NGHỆ CAO TỈNH THANH HÓA

I. Khái quát hoạt động của các khu công nghệ cao ở Việt Nam

Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Trên thế giới công nghệ cao đã được triển khai và đạt được nhiều thành công ở các nước phát triển, các chỉ số về quy mô và cơ sở vật chất, nhân lực được tổng hợp từ mô hình tại các nước như Canada, Mỹ, Hàn Quốc giai đoạn 2010 – 2020 được thể hiện như: Mô hình 108 Khu CNC đại học ở Mỹ và Canada (năm 2012) với điện tích bình quân 48 ha/ khu, số tòa nhà làm việc 07, diện tích làm việc 23225 m2, diện tích ươm tạo 2322 m2, số tổ chức/ khu 26, người làm việc 2752, số việc làm / ha 57 và số ha/ doanh nghiệp 1,8 ha; Khu CNC Hsinchu – Hàn Quốc ( năm 2016) với diện tích  1342 ha, số tổ chức 487, người làm việc 147.624, số việc làm / ha 110, số ha/ doanh nghiệp 2,75 ha và doanh thu là 34,56 tỉ USD/ năm; cơ cấu nhân lực ở các KCN cao với cơ cấu chất lượng trình độ bình quân: Trình độ tiến sĩ 18,5%, Thạc sĩ 9,8%, Kỹ sư và cử nhân 6,5 % và nhân viên sản xuất & hành chính 64,8%; Cơ cấu các loại hình tổ chức khu CNC với điển hình Khu CNCDeadeak Hàn quốc ( 2015): Tổ chức là viện nghiên cứu công lập 9 tổ chức, các cơ quan quốc gia & công lập 19 tổ chức, các tổ chức phi lợi nhuận 29 tổ chức, các trường đại học 7 tổ chức, các doanh nghiệp 1521 tổ chức.

Việt Nam Nghị định 99/2003/ NĐ – CP đã đưa ra khái niệm “ Là khu kinh tế – kỹ thuật đa chức năng, có ranh giới  xác định, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nhằm: (1) Nghiên cứu – phát triển và ứng dụng công nghệ cao; (2) Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; (3) Đào tạo nhân lực công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Theo đó, tại Việt Nam đã thành lập khu công nghệ cao Hòa Lạc đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1998, tiếp theo là Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2002. Để thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ ở miền Trung, một khu công nghệ cao thứ ba được thành lập tại Đà Nẵng vào năm 2010. Đến năm 2018, Chính phủ có quyết định thành lập khu công nghệ sinh học Đồng Nai.

Các khu công nghệ cao hoạt động đã thu hút được các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế của đất nước, chẳng hạn; Khu công nghệ cao Hòa lạc đã thu hút được 100 dự án đầu tư (gồm 33 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử, 19 dự án tự động hóa, 13 dự án vật liệu mới, 9 dự án công nghệ sinh học và 26 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.) với tổng vốn đầu tư 95.100 tỷ đồng, nhiều tập đoàn hàng đầu trong nước có dự án đầu tư vào khu công nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel (Viettel) với 5 dự án trị giá 3,7 nghìn tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup với 3 dự án trị giá 9,02 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn FPT với 4 dự án trị giá 5,43 nghìn tỷ đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với 2 dự án trị giá 3,765 tỷ đồng. Các công ty lớn nước ngoài cũng tham gia hoạt động như hai dự án của Tập đoàn Nidec Nhật Bản về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh mô-đun nhiệt hiệu suất cao, phát triển và sản xuất động cơ DC không chổi than; dự án Hanwha Aerospace của Hàn Quốc sản xuất phụ tùng, linh kiện cho động cơ máy bay và động cơ tua-bin khí công nghiệp.

Khu Công nghệ cao TP.HCM thu hút 165 dự án (gồm 53 dự án FDI và 112 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD…

Nói chung, các khu công nghệ cao đã và đang thực hiện các lợi ích, từ chia sẻ kiến ​​thức, tiếp cận cơ sở nghiên cứu, thực hiện thử nghiệm, đánh giá đến nâng cao phương pháp sản xuất, đổi mới thương mại. Không ngừng gia tăng giá trị của chuỗi cung ứng, thu hút các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước. Tập hợp được lực lượng trí thức KH&CN trong nước, trí thức Việt kiều và các nhà KH&CN nước ngoài để nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho sản xuất. Ươm tạo các doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại làm hạt nhân cho nền công nghiệp phát triển.

Phát triển công nghệ cao, công nghệ thông minh, là xu thế và yêu cầu tất yếu hiện nay trong nền kinh tế; qua đó nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, thay đổi mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy công nghệ chế biến và các ngành dịch vụ phát triển; nâng cao trình độ lao động khoa học công nghệ. Với tiềm năng, lợi thế như: diện tích đất sản xuất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng, khai thác thủy hải sản lớn, điều kiện tự nhiên đa dạng, dân số đông, cùng với điều kiện giao thông thuận lợi đã cho thấy việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống ở Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; vẫn còn có những ách tắc cần tháo gỡ, đó là: tổng quy mô sản xuất lớn nhưng manh mún nhỏ lẻ, ứng dụng khoa học công nghệ chưa đồng bộ, các sản phẩm chủ yếu mới ở dạng nguyên liệu, việc chế biến sâu còn rất hạn chế, thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng,  doanh nghiệp tuy có tăng nhưng đa phần còn yếu cả về năng lực và nguồn lực. Trong khi đó, khoa học công nghệ chính là nhân tố cho sự phát triển của tỉnh với định hướng hình thành nền kinh tế tri thức, xây dựng nền sản xuất, dịch vụ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao có giá trị tăng cao, có sức lan tỏa khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Do đó xây dựng khu công nghệ cao tại Thanh Hóa là hướng đi tất yếu,  đây sẽ là một khu kinh tế khoa học công nghệ được xây dựng và phát triển trên cơ sở liên kết nhằm tập trung phát huy các nguồn lực về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, cần phải đánh giá và định hướng những hoạt động khoa học công nghệ phù hợp, có thể rút kinh nghiệm và bài học từ những khu công nghệ cao trên cả nước để xây dựng khu công nghệ cao đặc thù riêng cho Thanh Hóa.

Thu hoạch cá chim vảy vàng tại Nha Trang – Kết quả của dự án đổi mới sáng tạo.

II. Định hướng và giải pháp trong liên kết về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với khu công nghệ cao Thanh Hóa

Định hướng

Với nhu cầu khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế phù hợp với Thanh Hóa, tại Quyết định 153/QĐ –TTg ngày 27/02/2023 về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định: Phát triển Khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Trung tâm động lực phía tây ( Lam Sơn – Sao Vàng); việc xây dựng khu công nghệ cao cần tập trung nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ cao. Trong đó, từ nay đến 2030 và định hướng đến 2045 cần tập trung định hướng phát trên từng ngành – lĩnh vực như sau:

Về nông nghiệp:

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng cao; gắn với hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào các hoạt động nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và năng suất lao động. Ngoài ra, còn ứng dụng các công nghệ cao để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Các sản phẩm nghiên cứu tạo ra từ khu công nghệ cao phải được trình diễn và ứng dụng vào sản xuất trên địa bàn tỉnh ( Kế hoạch Số: 260/KH-UBND Thanh Hóa, ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, thông minh; hình thành các các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao và phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất,  chế biến, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2030)

Về công nghiệp:

Công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, trong đó trọng tâm là: Sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất. Phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như thiết bị và linh kiện điện tử, vật liệu mới, tự động hóa…để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 16,4%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%/năm ( Quyết định Số: 506/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnhThanh Hóa, ngày 28 tháng 01 năm 2022 về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Thanh Hóa đến 2030)

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại.

 Tập trung phát triển các nhóm ngành sau:

 Qua đó, một số lĩnh vực công nghệ cao được định hướng phát triển như: (1) lĩnh vực công nghiệp: Nhóm ngành hóa chất, cao su, nhựa; Nhóm ngành sản xuất vật liệu xây dựng; Nhóm ngành thực phẩm và đồ uống; Nhóm ngành dệt may, da giày; Nhóm ngành chế biến lâm sản; Nhóm công nghiệp chế biến chế tạo khác; Lĩnh vực nông nghiệp; (2) Về nông nghiệp: Ưu tiên trên một số lĩnh vực về giống, vật tư, công nghệ sinh học, quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữ cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định; bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh; thực hiện chuyển đổi số ( ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, nhân lực chuyển đổi số, quy trình chuyển đổi số); thiết lập và quản lý mã vùng trồng, vùng nuôi, vùng khai thác phù hợp các quy định, hàng rào kỹ thuật của thị trường trong nước , xuất khẩu.… Đây là những lĩnh vực, công nghệ cao có tính trọng tâm và quyết định đến sự phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa bởi nó có thể áp dụng ngay vào thực tiễn sản xuất và đời sống để tạo sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, các lĩnh vực này đòi hỏi phải tập trung nguồn lực lớn từ môi trường làm việc đến cơ sở hạ tầng, thiết bị, nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động nghiên cứu (Phòng nghiên cứu, truyền thông tiên tiến, lực lượng lao động nghiên cứu có trình độ cao trong nước và Quốc tế đến dịch vụ hậu cần…).

Ứng dụng Công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tại Viện Nông nghiệp
Ứng dụng Công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tại Viện Nông nghiệp
Ứng dụng Công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tại Viện Nông nghiệp
Ứng dụng Công nghệ cao trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm tại Viện Nông nghiệp

Giải pháp chủ yếu

2.1. Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: (1) Chú trọng việc đào tạo, thu hút chuyên gia Khoa học công nghệ, tiên phong thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ của UBND tỉnh và Trung ương bao gồm cả chuyên gia trong nước và nước ngoài để thúc đẩy phát triển đa lĩnh vực nghiên cứu và mở rộng quan hệ quốc tế; (2) Dự báo, xác định rõ cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng, cấp độ nguồn nhân lực chất lượng cao theo ngành – lĩnh vực cho từng thời kỳ để thu hút, đào tạo trên địa bàn để đón đầu phục vụ trực tiếp nhân lực cho khu công nhệ cao của tỉnh và các dự án công nghệ cao trong tỉnh theo hướng tiếp cận với các mô hình đã thành công ở trên thế giới; (3) Tăng cường liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nói chung theo nhu cầu theo ngành – lĩnh vực, ưu tiên phân khúc đào tạo nghề đang thiếu. hạn chế với các cơ sở đào tạo trong tỉnh và trong nước ( Hà Nội, TP – Hồ Chí Minh, Đà Nẳng và các địa phương có thế mạnh); (4) Rà soát, xây dựng cơ chế đào tạo nâng cao chất lượng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực trình độ đại học – trên đại học trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp gắn liên kết từ các sở, ngành và hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2.2. Khuyến khích hoạt động theo không gian mở; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các Doanh nghiệp, tài chính, tư vấn hành chính – thương mại, các trường đại học và các doanh nghiệp được liên kết huy động tài chính để hoạt động khoa học và công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ có trình độ được trao quyền thương mại hóa ý tưởng nghiên cứu.

2.3. Hợp tác, thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX có hàm lượng khoa học công nghệ ( Tập đoàn, doanh nghiệp KHCN) trong tỉnh, trong nước và nước ngoài phù hợp ngành – lĩnh vực đầu tư vào Khu công nghệ cao; tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư hình thành khu công nghệ cao động lực tạo hạt nhân thúc đẩy phát triển và hình thành các lĩnh vực công nghệ cao của tỉnh. .

2.4. Liên kết chặt chẽ và sử dụng năng lực kỹ thuật của các Trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở nghiên cứu… trong tỉnh phục vụ hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao KHCN để giảm tải đầu tư và mở rộng – bù đắp không gian, quỹ đất có tiềm năng phát triển CNC, công nghệ thông minh nhằm kết nối, liên kết với Khu công nghệ cao động lực (Trong nông nghiệp: Khu công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng: Mô hình phát triển chăn nuôi, thủy sản khó có không gian phù hợp…cần có dự án không gian mở gắn kết nối khu CNC động lực để bù đắp các lỗ hỗng không gian)  .

2.5. Khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo môi trường kinh tế thuận lợi;

Tài trợ cho các doanh nghiệp mới, tạo ra một nền kinh tế dựa trên tri thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu/đổi mới: Hoạt động chính của khu công nghệ cao là thúc đẩy khả năng cạnh tranh giữa các nhóm nghiên cứu để khuyến khích họ và cải thiện kết quả của họ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thương mại hóa sáng tạo.

2.6. Sau khi khu CNC được hịnh thành: Tỉnh xây dựng chính sách đặc thù cho khu công nghệ cao, các dự án công nghệ cao liên kết vệ tinh của các trường, viện, cơ sở nghiên cứu tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi về tiền thuê đất… Ngoài ra những ưu đãi khác như: Doanh nghiệp có dự án trong khu công nghệ cao sẽ được hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh, hỗ trợ nhà ở cho chuyên gia, hỗ trợ vay vốn ngân hàng địa phương…

TS.Nguyễn Đình Hải
Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa

Bài viết liên quan